Hội nghị tổng kết công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra nợ công diễn ra ngày 12/5/2023 tại Quảng Ninh. |
Cấp thiết tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra
Hội nghị tổng kết công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực nợ công giai đoạn 2017 – 2022 diễn ra ngày 12/5/2023 tại Quảng Ninh. Tại hội nghị, ông Võ Hữu Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (QLN&TCĐN), Bộ Tài chính cho biết, sau 5 năm (2017-2022) thực hiện Quy chế phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ Tài chính về lĩnh vực này, rất nhiều nội dung hoạt động đã được triển khai đạt kết quả đáng kể, tiếp tục cần được duy trì và tăng cường trong tương lai.
Đề cập tới sự cần thiết về tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực này, ông Hiển cho rằng, trong nền kinh tế đang phát triển, vay nợ của quốc gia và sự hình thành nên nợ công là vấn đề tất yếu, đặc biệt quan trọng để gia tăng nguồn vốn cho Nhà nước nhằm phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, tăng khả năng đầu tư công và đầu tư trong các lĩnh vực mà Nhà nước có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Vay nợ của Chính phủ là biện pháp để bù đắp sự thiếu hụt về nguồn vốn của ngân sách nhà nước; đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, tăng tính tự chủ và khả năng chống chịu của nền kinh tế; góp phần tăng trưởng quy mô thị trường vốn, tăng nguồn vốn cho các dự án đầu tư. Trong khi đó, vay nợ của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh tạo ra nguồn vốn lớn cho các công trình đầu tư quy mô lớn, có ảnh hưởng sâu rộng tới sự phát triển kinh tế - xã hội, có tác động lớn và có tính lan tỏa trên nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện đáng kể bộ mặt quốc gia.
Tuy nhiên, việc vay nợ công cũng tạo ra nhiều áp lực và rủi ro cho Chính phủ, cần phải kiểm soát nghiêm ngặt. Về trung và dài hạn, việc vay nợ công có kiểm soát đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
Nhiều kết quả tích cực
Theo ông Đặng Ngọc Tuyến - Phó Chánh thanh tra Bộ Tài chính, công tác phối hợp về thanh tra, giám sát trong lĩnh vực quản lý nợ công trong những năm gần đây giữa Thanh tra Bộ Tài chính và Cục QLN&TCĐN đã từng bước được nâng cao chất lượng, hiệu quả, như: Công tác xây dựng, thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát được phối hợp thường xuyên. Thông tin về quản lý nợ công, các chương trình, dự án rủi ro cao đã được Cục QLN&TCĐN chủ động cung cấp để Thanh tra Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch giám sát, thanh tra, kiểm tra hàng năm và đột xuất theo chức năng, nhiệm vụ trong công tác quản lý nợ công của Bộ Tài chính.
Số lượng các chương trình, dự án được thanh tra, kiểm tra, giám sát tăng theo từng năm, qua đó đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác quản lý, sử dụng và trả nợ vay nước ngoài của các cơ quan, đơn vị được giao làm chủ dự án, chủ đầu tư đã được kiểm tra, giám sát. Bên cạnh đó, việc chia sẻ thông tin về kết quả thanh tra, kiểm tra các chương trình, dự án sử dụng vốn vay ưu đãi nước ngoài, vốn vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh được Thanh tra Bộ Tài chính chủ động cung cấp ngay sau khi ban hành kết luận thanh tra, kịp thời phục vụ cho công tác quản lý, giám sát của Cục QLN&TCĐN.
Còn theo ông Võ Hữu Hiển, công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra tài chính đối tượng sử dụng nợ công đã từng bước được cải thiện, tăng cường trong một thời gian dài, từ giai đoạn đầu còn hạn chế, đến từng bước củng cố trong các giai đoạn sau này trong từng giai đoạn của dự án. Cho tới các năm sau này, công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra đã được thực hiện có tính thường xuyên, chuyên nghiệp.
Kết quả có thể nhận thấy rõ việc giám sát, kiểm tra thường xuyên nợ công đã giúp kiểm soát danh mục nợ và các chỉ tiêu an toàn nợ, cùng với việc chủ động tái cơ cấu danh mục nợ đã mang đến kết quả tỷ lệ nợ công so với GDP giảm đáng kể. Trong vòng 5 năm, tổng nợ công hiện nay đã giảm gần một nửa so với năm 2016 (63,7%), trong đó tỷ trọng vay trong nước đã tăng lên đáng kể trong danh mục nợ công so với tỷ trọng vay nước ngoài.
Ông Hiển thông tin thêm, sau thanh tra, kiểm tra, công tác lập kế hoạch huy động vốn 5 năm, chương trình quản lý nợ trung hạn 3 năm và hàng năm đã được các cơ quan, tổ chức sử dụng vốn thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả; công tác giám sát, kiểm tra các dự án sử dụng vốn nợ công ngày càng được chú trọng trong từng khâu quản lý: góp ý dự án, rút vốn đến thu hồi nợ cho vay lại. Hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra các dự án sử dụng nợ công được tăng cường đáng kể, thực hiện theo kế hoạch hàng năm với sự phối hợp của các cơ quan liên quan trong Bộ Tài chính...
Ký kết chương trình hành động lĩnh vực nợ công Chiều ngày 12/5/2023, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại và Thanh tra Bộ Tài chính đã ký kết chương trình hành động giai đoạn 2023 – 2028 về công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực quản lý nợ công. Theo đó, trong giai đoạn 2023 -2028, hai đơn vị phối hợp xây dựng chương trình giám sát, kiểm tra, thanh tra hàng năm các đối tượng sử dụng nợ công, báo cáo lãnh đạo bộ phê duyệt. Tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin có liên quan giữa hai đơn vị khi có yêu cầu; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra thường xuyên theo kế hoạch và thanh tra theo chuyên đề đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi và vay thương mại... Sau mỗi giai đoạn 5 năm và 10 năm, hai bên phối hợp sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm của giai đoạn trước và bàn phương hướng, định hướng kế hoạch công tác của giai đoạn tiếp theo. |