Chất lượng điều hành cấp tỉnh tiếp tục có sự cải thiện

Khảo sát PCI 2022 được tiến hành trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức và cả những cơ hội đan xen.

Khi nhiều doanh nghiệp vừa gắng gượng vượt qua những thời điểm đen tối của đại dịch Covid-19 và bắt đầu quá trình phục hồi thì những cú sốc mới của kinh tế - địa chính trị toàn cầu lại ập đến như: chiến tranh, khủng hoảng năng lượng, bất ổn tài chính - ngân hàng, lạm phát tăng cao và sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng toàn cầu. Triển vọng tăng trưởng ảm đạm của các nền kinh tế lớn đi cùng nỗi lo lạm phát trên thế giới đang ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam.

Thấy gì từ bức tranh đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI 2022

Top 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc năm 2022. Ảnh: Nguyễn Vân

Theo kết quả PCI 2022, Quảng Ninh duy trì vị trí quán quân năm thứ sáu liên tiếp; Bắc Giang đã có tiến bộ vượt bậc để xếp ở vị trí thứ hai. Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Tháp vẫn duy trì hoạt động cải cách hiệu quả. Thừa Thiên Huế, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng và Long An đã có những nỗ lực đáng trân trọng để nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố thuộc nhóm dẫn đầu. Đáng chú ý là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh tụt hạng khỏi Top 10.

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Báo cáo PCI 2022 cho thấy, chất lượng điều hành cấp tỉnh tiếp tục có sự cải thiện theo thời gian. Với mục tiêu truyền tải tiếng nói và nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố, khảo sát PCI 2022 đã nhận được phản hồi của tổng cộng gần 12.000 doanh nghiệp. Kết quả PCI 2022 ghi nhận sự lan tỏa nhiều mô hình hay, nhiều thực tiễn tốt của những tỉnh là “ngôi sao” cải cách đến các địa phương còn lại trong cả nước để thu hẹp chênh lệch về chất lượng quản trị giữa các địa phương.

Theo ông Phạm Tấn Công, điểm tích cực ghi nhận được từ kết quả PCI 2022 đó là chất lượng điều hành cấp tỉnh tiếp tục có sự cải thiện theo thời gian. Điểm trung vị PCI 2022 đạt 65,22 điểm, tiếp tục tăng năm thứ sáu liên tiếp.

Ngoài ra, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính nói chung có chuyển biến tích cực khi giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí tuân thủ quy định pháp luật. Gánh nặng thanh tra, kiểm tra đã giảm đáng kể trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay.

Tình trạng trả chi phí không chính thức vẫn duy trì xu hướng giảm đã bắt đầu từ năm 2016. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp dành hơn 10% doanh thu để trả chi phí không chính thức trong PCI 2022 là 3,8%, giảm mạnh từ mức 9,1% của PCI 2016.

Việc cải thiện tính minh bạch có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là với các loại tài liệu quy hoạch. Dù vẫn chưa đạt đến mức độ “dễ dàng” tiếp cận với số đông doanh nghiệp, nhưng xu hướng theo thời gian cho thấy những trở ngại đang dần được gỡ bỏ với doanh nghiệp khi tiếp cận các loại thông tin, tài liệu này.

Vẫn còn những điểm chưa được như kỳ vọng

Theo các chuyên gia kinh tế và đại diện VCCI, PCI 2022 cũng cho thấy một số điểm chưa được như kỳ vọng. Đó là tình trạng phiền hà, nhũng nhiễu vẫn còn ở một số lĩnh vực thủ tục hành chính. Các lĩnh vực thủ tục hành chính phiền hà nhất theo cảm nhận của doanh nghiệp là giải phóng mặt bằng, bảo hiểm xã hội, phòng cháy chữa cháy và xây dựng...

Chất lượng thực thi chính sách ở cấp chính quyền cơ sở vẫn một hạn chế đáng chú ý và cần thêm nhiều cố gắng hơn nữa ở các địa phương để kết quả cải thiện chất lượng điều hành có kết quả đồng bộ.

Bên cạnh đó, việc tiếp cận đất đai vẫn đang là điểm nghẽn lớn với nhiều doanh nghiệp và là nguyên nhân khiến nhiều kế hoạch kinh doanh bị hủy bỏ hoặc trì hoãn. Đây là vấn đề từng được chỉ ra trong các báo cáo PCI trước đây. Theo đó, vấn đề các doanh nghiệp cần tiếp tục tháo gỡ là tình trạng ách tắc, thời gian giải quyết hồ sơ về đất đai thường xuyên kéo dài hơn so với quy định.

Thấy gì từ bức tranh đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI 2022
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hải Anh

Dù còn những điểm chưa được như kỳ vọng, nhưng nhìn nhận cả một quá trình dài hạn, lãnh đạo VCCI nhận định, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh thực sự là một trong những ưu tiên chính sách quan trọng và nhất quán của ba nhiệm kỳ Chính phủ gần đây.

Định hướng của Chính phủ hiện nay là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, tháo gỡ các rào cản về quy định pháp luật để khơi thông các nguồn lực phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp.

Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương ngày càng quan tâm đến việc rà soát, loại bỏ các chồng chéo của hệ thống pháp luật, tháo gỡ các rào cản về điều kiện kinh doanh, hài hòa hóa các quy định phù hợp với thông lệ quốc tế.

Khẳng định “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, ông Phạm Tấn Công bình luận, bối cảnh kinh tế vĩ mô nhiều thách thức như hiện nay lại chính là lúc chính quyền các địa phương cần chứng minh bản lĩnh và năng lực giải quyết các vấn đề mới, cải thiện hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt trong việc gia nhập thị trường và tạo thuận lợi tiếp cận các nguồn lực sản xuất như đất đai, lao động, tín dụng. Việc tăng cường tính minh bạch thông tin, giảm các phiền hà về tuân thủ thủ tục hành chính và giảm gánh nặng chi phí không chính thức ở các địa phương sẽ có hiệu quả tương đương như các gói hỗ trợ về tiền tệ và tài khóa mà Chính phủ đã ban hành trong thời gian qua.