Khó khăn không chỉ riêng với chứng khoán Việt Nam

Đại dịch Covid-19 ập đến và lan rộng đã khiến kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam bị tác động mạnh mẽ. Hầu hết các lĩnh vực trong nền kinh tế và thị trường chứng khoán (TTCK) cũng không loại trừ.

Tuy nhiên, TTCK ở nhiều nước trên thế giới cũng như Việt Nam đã cho thấy tính hấp dẫn dòng tiền đầu tư, thích ứng nhanh và tăng trưởng rất mạnh mẽ. Trong 2 năm đại dịch Covid-19, hầu hết các TTCK lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu, châu Á – Thái Bình Dương,... đều bật tăng rất ấn tượng, nhiều thị trường đã duy trì mức tăng cao nhất mọi thời đại.

TTCK Việt Nam cũng vậy, năm 2021 và đầu năm 2022 đã tăng trưởng mạnh mẽ, nguyên nhân được đánh giá là do nhiều yếu tố vĩ mô hỗ trợ, Việt Nam đã thích ứng rất linh hoạt để đạt mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế; doanh nghiệp trên TTCK thể hiện sức chống chịu tốt trong khó khăn. Trong năm 2021, 95% doanh nghiệp niêm yết làm ăn có lãi, tổng lợi nhuận sau thuế của nhóm các công ty niêm yết và đại chúng quy mô lớn tăng 36,1% so với năm 2020, nhất là ở các nhóm ngành tài chính - ngân hàng, bất động sản,…

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang dần lấy lại niềm tin của nhà đầu tư.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang dần lấy lại niềm tin của nhà đầu tư.

Từ cuối tháng 3/2022 đến trung tuần tháng 5/2022, TTCK toàn cầu đều trải qua nhiều phiên lao dốc. Cũng không nằm ngoài xu thế chung, nhưng TTCK Việt Nam chịu áp lực điều chỉnh có phần mạnh hơn, do sự tác động cộng hưởng của cả yếu tố ngoại biên và nội tại. Sau khi lập đỉnh hơn 1.500 điểm vào tháng 1, chỉ số VN-Index giảm từ 1.492,2 điểm vào cuối tháng 3/2022 xuống 1.171,95 điểm vào ngày 16/5/2022, tương đương mức giảm xấp xỉ 20%.

Theo lý giải của nhiều chuyên gia, thời gian qua, tình hình vĩ mô trên thế giới không nhiều hỗ trợ tích cực cho TTCK Việt Nam như: xung đột giữa Nga - Ukraine làm gián đoạn nguồn cung về một số loại hàng hóa cơ bản; nguy cơ lạm phát lên cao và suy giảm kinh tế tại nhiều nước trên thế giới; các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát; tình hình dịch Covid-19 bùng phát tại một số nơi ở Trung Quốc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế thế giới; TTCK nhiều nước suy giảm.

Ở trong nước, mặc dù cơ hội phục hồi của kinh tế vĩ mô vẫn được đánh giá tích cực, tuy nhiên, trước tác động của thông tin quốc tế và áp lực lạm phát đã tạo tâm lý thận trọng đối với nhà đầu tư trên TTCK. Trong khi đó, TTCK đã liên tục tăng trưởng mạnh cả về quy mô giao dịch và điểm số trong 2 năm qua, đạt đỉnh lịch sử vào đầu tháng 1/2022. Thị trường tăng mạnh với nhiều nhóm cổ phiếu tăng gấp nhiều lần, dẫn tới nhu cầu điều chỉnh chung của thị trường và thị trường cần tìm điểm cân bằng mới, tích lũy lại để chờ cơ hội tăng trở lại.

Thanh khoản ròng của nhà đầu tư trên HOSE (theo tuần). Nguồn: MBS Research
Thanh khoản ròng của nhà đầu tư trên HOSE (theo tuần). Nguồn: MBS Research

Bên cạnh đó, tâm lý nhà đầu tư trên thị trường thận trọng hơn còn do lo ngại về yếu tố dòng tiền có thể ảnh hưởng tới đà tăng khi chủ trương quản lý chặt hơn dòng tín dụng vào các kênh bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Ngoài ra, tâm lý nhà đầu tư còn bị ảnh hưởng bởi các sự vụ khởi tố, bắt tạm giam một số lãnh đạo doanh nghiệp và các đối tượng liên quan tới TTCK và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, trong bối cảnh nhiều tin đồn thiếu xác thực xuất hiện trên mạng. Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là nhà đầu tư mới tham gia có tỷ lệ lớn, nên dễ bị ảnh hưởng, có tâm lý bán ra khi thị trường điều chỉnh.

Triển khai hàng loạt giải pháp hỗ trợ thị trường

Trong bối cảnh thị trường biến động giảm mạnh, dưới sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và các đơn vị trong ngành Chứng khoán đã triển khai hàng loạt giải pháp hỗ trợ thị trường sớm ổn định trong ngắn hạn.

Bên cạnh việc kiên định các giải pháp trung, dài hạn nhằm phát triển TTCK ổn định, minh bạch, lành mạnh, UBCKNN, các sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đã tổ chức họp với 23 công ty chứng khoán thành viên để bàn thảo và đề xuất các giải pháp hỗ trợ thị trường ổn định trở lại.

Ngay sau đó, các giải pháp cấp bách đã được triển khai quyết liệt như: cung cấp dữ liệu tự doanh công ty chứng khoán; yêu cầu giải trình các cổ phiếu tăng trần/giảm sàn 5 phiên liên tục; thay đổi phương pháp tính giá cuối cùng hợp đồng tương lai chỉ số VN30 phiên đáo hạn,… đã phần nào lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, giúp TTCK Việt Nam ngăn đà rơi và có nhịp hồi phục tích cực trở lại.

Cùng với các biện pháp ngắn hạn, việc duy trì sự ổn định và tăng trưởng của TTCK Việt Nam nhận được sự quan tâm chỉ đạo rất quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính và cơ quan quản lý các cấp. Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Tài chính đã nhiều lần khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện để TTCK nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng phát triển ổn định, minh bạch, lành mạnh và bền vững.

Nhiều tiềm năng tăng trưởng

Đánh giá về thị trường từ nay đến hết năm 2022, nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng khi nhiều yếu tố tích cực tiếp tục được duy trì. Dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, các yếu tố nền tảng vĩ mô vẫn vững, các hoạt động kinh tế được khôi phục, tiêu dùng nội địa phục hồi, hoạt động du lịch quốc tế được mở cửa trở lại. Đây là những yếu tố rất quan trọng để tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt mức 6,5 – 7% - cũng là con số khá ấn tượng trong mặt bằng chung toàn cầu nếu Việt Nam đạt được.

Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian tới, sẽ tổ chức điều hành thị trường gắn với hoàn thiện khung khổ pháp lý. Trong đó, Bộ Tài chính sẽ tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết trên TTCK; tăng cường tính tuân thủ của các doanh nghiệp trên thị trường. Song song với đó, UBCKNN sẽ đề xuất các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức niêm yết, công ty đại chúng và tổ chức kinh doanh chứng khoán trong bối cảnh dịch bệnh; triển khai các giải pháp đảm bảo hệ thống giao dịch vận hành an toàn, thông suốt.

Cùng với đó, để tăng chiều sâu cho thị trường, cơ quan quản lý sẽ triển khai công tác tái cấu trúc TTCK, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng của các định chế trung gian thị trường; nâng cao đạo đức nghề nghiệp, chất lượng dịch vụ của các tổ chức cung cấp dịch vụ; đồng thời, cải thiện chất lượng cầu đầu tư hướng tới cầu đầu tư bền vững, khuyến khích các định chế đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư dài hạn như các quỹ đầu tư, các quỹ hưu trí tự nguyện, doanh nghiệp bảo hiểm...; tăng cường đào tạo, hỗ trợ nhà đầu tư cá nhân có đầy đủ kiến thức khi tham gia thị trường.

Mặt khác, cơ quan quản lý sẽ nâng cao hiệu quả công tác giám sát, nâng cao vai trò giám sát của các tuyến giám sát, nhất là giám sát tuyến đầu của các Sở giao dịch chứng khoán trong kịp thời phát hiện dấu hiệu giao dịch bất thường, vi phạm trên thị trường để kịp thời cảnh báo cho nhà đầu tư; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để vừa đảm bảo cho sự phát triển của thị trường, vừa phát hiện, xử lý các hành vi thao túng, hành vi bị cấm trên TTCK.

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng các bộ, ngành liên quan trong công tác điều hành và quản lý giám sát TTCK, thị trường trái phiếu với thị trường tiền tệ, tín dụng ngân hàng bảo đảm tính công khai, minh bạch trên thị trường vốn, ổn định thị trường tài chính, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

“Qua cơn mưa, trời lại sáng”

Ghi nhận trên thị trường, các chuyên gia và đại diện lãnh đạo cơ quan quản lý đều cho rằng, TTCK khó tránh khỏi những đợt điều chỉnh mang yếu tố thị trường, đặc biệt là các tác động tiêu cực khó lường của kinh tế và chứng khoán quốc tế, tuy nhiên, chứng khoán Việt Nam vẫn còn nguyên các yếu tố hỗ trợ tích cực mang tính nền tảng từ kinh tế vĩ mô và nội tại thị trường. Vì vậy, trong tương lai, TTCK Việt Nam sẽ phát triển ngày càng hoàn thiện hơn, chất lượng hơn, khẳng định vai trò là kênh huy động vốn trung, dài hạn chủ yếu, quan trọng của nền kinh tế, doanh nghiệp; đồng thời là kênh đầu tư hấp dẫn, an toàn, hiệu quả.

Đánh giá về thị trường từ nay đến hết năm 2022, nhiều chuyên gia cho rằng, TTCK Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng khi nhiều yếu tố tích cực tiếp tục được duy trì. Dịch bệnh vẫn được kiểm soát tốt hơn, các yếu tố nền tảng vĩ mô vẫn vững, các hoạt động kinh tế được khôi phục, tiêu dùng nội địa phục hồi, hoạt động du lịch quốc tế dần được mở cửa trở lại. Đây là những yếu tố rất quan trọng để tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt mức 6,5 – 7% - đó cũng là con số khá ấn tượng trong mặt bằng chung toàn cầu nếu Việt Nam đạt được.

Cùng với đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục khởi sắc. Tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp trong quý I/2022 cũng tăng 33,7% so với cùng kỳ 2021. Qua thông tin sơ bộ công bố tại mùa đại hội cổ đông 2022 đang diễn ra, phần lớn các doanh nghiệp niêm yết đều đặt chỉ tiêu tăng trưởng tích cực về doanh thu và lợi nhuận cho cả năm 2022.

Ngoài ra, mặt bằng lãi suất có khả năng vẫn duy trì ổn định ở mức thấp để hỗ trợ kinh tế phục hồi, do vậy, dòng tiền có khả năng vẫn tiếp tục được thu hút vào TTCK.

Bên cạnh đó, TTCK Việt Nam vẫn còn đó nhiều yếu tố hỗ trợ được cho “đặc sản riêng có” so với nhiều thị trường khu vực, như: kỳ vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi, công tác cổ phần hóa, thoái vốn được đẩy mạnh,... Đây là những yếu tố có thể tạo ra sức mạnh riêng cho TTCK Việt Nam để thu hút vốn ngoại mạnh mẽ khi “giông bão” trên toàn cầu qua đi.

* Ông Phạm Hồng Sơn – Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước:

Thị trường chứng khoán đã khẳng định là kênh dẫn vốn trung, dài hạn hiệu quả

Quy mô TTCK đang dần tiệm cận và cân bằng hơn với quy mô thị trường tín dụng ngân hàng, góp phần đưa thị trường tài chính ngày càng phát triển theo hướng cân bằng hơn giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu, góp phần quan trọng vào cơ cấu lại nợ công của Chính phủ.

Thị trường chứng khoán sẽ bền vững hơn sau “giông bão”
Ông Phạm Hồng Sơn

Đến nay, TTCK đã hình thành và vận hành đầy đủ các cấu phần bao gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu TTCK phái sinh. Quy mô của thị trường vốn tăng trưởng bình quân 28,5%/năm giai đoạn 2016 - 2021, đạt 134% GDP vào năm 2021, gấp 3,5 lần quy mô năm 2015; trong đó, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 92,8% GDP năm 2021, quy mô thị trường trái phiếu đạt 40,7% GDP.

Mặc dù thị trường chịu nhiều ảnh hưởng bất lợi bởi làn sóng dịch Covid-19, tuy nhiên, tổng mức huy động vốn trên TTCK vẫn tăng trưởng tích cực, đạt trên 1,12 triệu tỷ đồng, tương đương 38,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội (tính tới cuối 2021). Riêng thị trường cổ phiếu, trong năm 2021, thanh khoản trên thị trường tăng 258% so với bình quân năm 2020 và tiếp tục gia tăng trong những tháng đầu năm 2022, với mức bình quân đạt 31.174 tỷ đồng/phiên (tính đến tháng 4/2022). Nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đã tham gia rất tích cực trên thị trường. Số lượng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư đã tăng nhanh, đạt 5,65 triệu, tương đương hơn 5,7% dân số, vượt mục tiêu đề ra.

Từ nhiều góc độ, TTCK đã tham gia và góp phần tích cực vào quá trình phát triển của doanh nghiệp, nền kinh tế, dần khẳng định vai trò kênh huy động vốn trung, dài hạn ổn định, cần thiết cho cả khu vực doanh nghiệp và Chính phủ, thu hút ngày càng mạnh mẽ sự tham gia của nhà đầu tư.

* GS. Vũ Minh Khương - Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore:

Thị trường chứng khoán sẽ là điểm tựa quan trọng cho chiến lược phát triển của Việt Nam

Thị trường chứng khoán sẽ bền vững hơn sau “giông bão”
GS. Vũ Minh Khương

TTCK ở hầu hết các nước đều chịu suy giảm mạnh trong mấy tháng gần đây. Sự bất ổn kép do đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine cùng với sự đứt gãy của chuỗi giá trị cũng như thiếu hụt dầu mỏ, phân bón gây tổn hại lớn về kinh tế lẫn kỳ vọng của nhà đầu tư. Điều này cũng dẫn đến mức suy giảm mạnh của TTCK nhiều nước trong mấy tháng qua, đặc biệt ở các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc. Dự báo diễn biến còn có thể xấu hơn trong thời gian tới nếu xung đột Nga - Ukraine tiếp tục khốc liệt, dịch Covid-19 vẫn còn tiềm ẩn.

Tại TTCK Việt Nam, việc xử lý nghiêm các sai phạm vừa qua là điều đáng mừng. Việt Nam có thể biến khó khăn, khủng hoảng thành cơ hội cải cách và nâng cấp nền tảng thể chế là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển.

Việt Nam đang có những bước đi mạnh trên các động lực cốt lõi của phát triển. Đó là tầm nhìn về tương lai; tính quyết liệt trong hành động, nhìn thẳng vào thực tế; khả năng nắm bắt cơ hội toàn cầu và quyết tâm cải cách thể chế.

Vì vậy, tôi tin là nền kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng sẽ có những khởi sắc mới trong thời gian tới. Nếu làm tốt, TTCK sẽ là điểm tựa quan trọng cho chiến lược phát triển của Việt Nam.

* Ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch hội đồng quản trị, Công ty Chứng khoán SSI:

Các quyết định thanh lọc thị trường sẽ phát huy tác dụng

Thị trường chứng khoán sẽ bền vững hơn sau “giông bão”
Ông Nguyễn Duy Hưng

Chúng tôi vẫn nhận thấy tương lai của TTCK Việt Nam khi nhìn vào chính sách của Chính phủ, sự quan tâm của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài... Các quyết định thanh lọc thị trường sẽ phát huy tác dụng trong dài hạn, cơ hội tới năm 2025 còn rất nhiều, yếu tố tiêu cực chỉ là thứ yếu.

TTCK đang mang lại nhiều cơ hội hơn là rủi ro cho nhà đầu tư so với lúc tăng mạnh ở đỉnh. Chỉ số P/E của TTCK Việt Nam đang ở mức khá thấp và nhiều ngành nghề cũng sẽ hưởng lợi trước tình hình hiện tại của thế giới.

Nguyên nhân thị trường chứng khoán giảm điểm do tăng lãi suất khiến giá vốn không còn rẻ. Đây được cho là xu thế khi cả thế giới đang kiểm soát cung tiền. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng kiểm soát việc giao dịch của một số nhóm thao túng thị trường, cũng như chấn chỉnh việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các tập đoàn kinh tế tư nhân đã ảnh hưởng đến thanh khoản và giá của một số mã chứng khoán, nhưng thực sự vẫn theo xu thế chung của thị trường thế giới.

Thống kê sau khi tăng lãi suất, 2 tháng đầu TTCK luôn bị điều chỉnh giảm, nhưng sau 12 tháng, đa số thị trường tăng điểm cao hơn so với trước khi tăng lãi suất. Khi thị trường giảm, các nhà đầu tư đang giữ danh mục cổ phiếu đều thấy mất tiền và có cảm giác bi quan. Tuy nhiên, “qua cơn mưa trời lại sáng” và việc lành mạnh hoá thị trường luôn là yếu tố tích cực nhằm bảo vệ nhà đầu tư và cả nền kinh tế.

* Ông Michael Kokalari - Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital:

Nhiều cơ hội sinh lời đang chờ đợi phía trước

Thị trường chứng khoán sẽ bền vững hơn sau “giông bão”
Ông Michael Kokalari

Chỉ số VN-Index đã phục hồi 12% kể từ khi chạm đáy vào ngày 16/5/2022. Điều này được thúc đẩy bởi TTCK toàn cầu đã giảm bớt tâm lý bi quan trong vài tuần qua, cũng như những diễn biến tích cực tại Việt Nam. Bên cạnh đó, sự phục hồi kinh tế của Việt Nam tiếp tục tăng tốc trong tháng 5. Thêm vào đó, TTCK Việt Nam vẫn đang rẻ ở mức P/E dự phóng 11,5 lần, so với mức tăng trưởng EPS dự kiến là hơn 20% cho năm 2022, và so với tỷ lệ P/E dự phóng trung bình 16,2 lần đối với các quốc gia ASEAN đang phát triển trong khu vực. Tất cả những điều này tạo tiền đề để chỉ số VN-Index tiếp tục tăng trong năm nay, có dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài và Việt Nam đều đồng ý với quan điểm đó.

Sự phục hồi gần đây của VN-Index được thúc đẩy bởi tâm lý bi quan trên TTCK toàn cầu đã giảm bớt, cũng như nhà đầu tư đã bớt lo ngại về một số yếu tố cụ thể của Việt Nam. Quan trọng hơn, chúng tôi ước tính rằng số dư ký quỹ đang lưu hành đã giảm khoảng 30%, điều này giúp loại bỏ nguồn áp lực bán tháo mạnh, mở đường cho sự phục hồi mạnh mẽ hơn của thị trường.

Cuối cùng, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận trên 20% đối với TTCK Việt Nam trong năm nay, mặc dù chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận của các công ty trong quỹ của chúng tôi sẽ tăng trên 35%. Điều này giúp giải thích tại sao những cổ phiếu đó đang giao dịch với mức P/E thấp hơn so với thị trường tổng thể.