Nhiều thách thức phải đối mặt

Gửi bài tham luận đến Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2022, TS. Vũ Nhữ Thăng - Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia phân tích, ở trong nước, hệ thống tài chính cũng đối mặt nhiều khó khăn thách thức, rủi ro đến từ kinh tế vĩ mô và nội tại thị trường tài chính.

Trong đó, các động lực tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng. Mặc dù đã đạt được kết quả tăng trưởng kinh tế tích cực trong bối cảnh suy thoái toàn cầu (tăng trưởng 2,58% năm 2021 và dự báo tiếp tục tăng trưởng ở mức 6,5 - 7% trong giai đoạn 2021 - 2025), song nền kinh tế Việt Nam vẫn đang đối diện với những thách thức nội tại, ảnh hưởng tới chất lượng, tốc độ tăng trưởng và qua đó tác động tới thị trường tài chính.

Bên cạnh đó, ổn định kinh tế vĩ mô gặp nhiều thách thức, đặc biệt áp lực lạm phát gia tăng cũng ảnh hưởng mạnh đến thị trường tài chính. Quy mô và mức độ phát triển của hệ thống tài chính Việt Nam ngày càng được cải thiện, nhưng vẫn còn hạn chế so với các nước trong khu vực. Tổng tài sản của các định chế tài chính năm 2021 (bao gồm các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bảo hiểm, công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ) tăng 10,4% (năm 2020 tăng 12,3%), tương đương 189,3% GDP. Ngoài ra, khu vực ngân hàng đối mặt nhiều khó khăn, rủi ro; thị trường vốn còn nhiều hạn chế. Việc thu hút dòng vốn nước ngoài vào thị trường còn nhiều thách thức do các tiêu chí nâng hạng thị trường chậm cải thiện. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) mất cân đối, còn nhiều rủi ro. Phát hành chủ yếu là riêng lẻ, tập trung vào các ngành bất động sản, ngân hàng.

Nguồn: Bộ Tài chính   		   							    Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung

Theo TS. Vũ Nhữ Thăng, hậu quả của các cuộc khủng hoảng tài chính cho thấy thể chế giám sát tài chính thường chưa theo kịp so với sự phát triển ngày càng sâu, rộng của thị trường tài chính. Các mô hình kinh doanh mới, phương thức liên kết mới, sản phẩm tài chính mới, xuất hiện ngày càng nhiều và gia tăng rủi ro đan xen giữa các thị trường, các khu vực và các định chế trong hệ thống tài chính nói riêng và đến nền kinh tế nói chung. Điều đó đặt ra thách thức phải tiếp tục cải cách, hoàn thiện thể chế giám sát thị trường tài chính.

Để thị trường vốn thực hiện tốt vai trò huyết mạch nền kinh tế

Dù đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức khó lường, nhưng thị trường tài chính Việt Nam được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ và cân bằng hơn trong giai đoạn mới, thực hiện tốt vai trò huyết mạch trong nền kinh tế.

TS. Vũ Nhữ Thăng cho rằng, trên cơ sở các kết quả đã đạt được trong thời gian qua, cần tiếp tục đặt mục tiêu phát triển thị trường tài chính an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững. Theo đó, phát triển thị trường tiền tệ ổn định, minh bạch, hiện đại, phù hợp với định hướng và lộ trình cơ cấu lại thị trường tài chính. Các thành viên tham gia thị trường, các công cụ và phương thức giao dịch trên thị trường tiền tệ, thị trường vốn (đặc biệt là các công cụ phòng ngừa rủi ro) cần đa dạng hóa. Thị trường tài chính cần phát triển đồng bộ và tăng tính liên kết, giảm tình trạng phân khúc và thiếu tính liên thông giữa các thị trường bộ phận, bao gồm thị trường liên ngân hàng, thị trường mở, thị trường ngoại hối, thị trường tín dụng - huy động ngắn hạn.

Đồng thời, phát triển thị trường vốn theo chiều sâu nhằm gia tăng vốn trung và dài hạn, phục vụ phát triển kinh tế. Thị trường vốn cần được phát triển ổn định, bền vững với cơ cấu hợp lý giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu, trái phiếu chính phủ và TPDN; hỗ trợ tích cực quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế. Chú trọng phát triển thị trường TPDN để trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế.

Kịp thời ban hành quy định để thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch

Theo ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân hàng (Bộ Tài chính), những năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã phát triển nhanh về quy mô, đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn trung, dài hạn của các doanh nghiệp. Giai đoạn 2016 - 2021, bình quân các doanh nghiệp phát hành khoảng 300 nghìn tỷ đồng/năm, tốc độ tăng trưởng của thị trường đạt 42% trong cả giai đoạn. Đến cuối năm 2021, quy mô thị trường TPDN đạt 1,3 triệu tỷ đồng tương đương 15% GDP.

Tuy nhiên, do thị trường phát triển nhanh cả về tốc độ và quy mô, nên đã xuất hiện một số rủi ro như việc một số nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ chưa tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP để tiếp tục phát triển thị trường TPDN minh bạch, bền vững, bảo vệ quyền lợi cho cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư, khắc phục bất cập trên thị trường thời gian vừa qua.

Phát triển các dịch vụ tài chính hiện đại theo xu hướng của quốc tế về tài chính toàn diện, công nghệ tài chính cũng cần phải tính đến. Trong xu hướng nhu cầu ngày càng tăng về dịch vụ tài chính, ngân hàng, để tiến tới tài chính toàn diện vào năm 2030, cần bảo đảm mọi người dân và doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận đầy đủ, thuận tiện các dịch vụ tài chính, ngân hàng có chất lượng. “Tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh” cần được phát triển để góp phần chuyển đổi nền kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh, đóng góp tích cực cho phát triển bền vững…

Trong bối cảnh hiện nay, theo TS. Vũ Nhữ Thăng, thời gian tới cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, để không bị động, kịp thời ứng phó, có kịch bản điều hành chính sách phù hợp với những diễn biến bất lợi từ kinh tế, tài chính thế giới.

Tạo hành lang pháp lý phát triển thị trường vốn

Theo Ủy ban Chứng khoán nhà nước, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. Tính đến 27/10/2022, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 63,8% GDP, tổng giá trị niêm yết, đăng ký giao dịch đạt 1.914 nghìn tỷ đồng, tăng 10,04% so với cuối năm 2021 (tương đương 22,8% GDP). Thanh khoản trên thị trường cổ phiếu năm 2021 tăng 258% so với bình quân năm 2020 và có xu hướng giảm trong 10 tháng năm 2022, với mức bình quân đạt 22.365 tỷ đồng/phiên.

Thị trường trái phiếu chính phủ giai đoạn 2011 - 2020 có tốc độ tăng trưởng dư nợ trung bình đạt khoảng 22,1%/năm, đạt 47,83% GDP vào cuối năm 2020, gấp 6,6 lần năm 2011 (vượt mục tiêu đề ra là 38% GDP vào năm 2020), được đánh giá có mức tăng trưởng dẫn đầu các nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông Á, ASEAN+3 và ngày càng trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho Chính phủ. Dư nợ thị trường TPDN đạt 17,08% GDP, gấp 10,2 lần năm 2011 (vượt mục tiêu đề ra tại Quyết định 1191/QĐ-TTg là 7% GDP vào năm 2020).

Nhiều chuyên gia cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý tạo nền tảng phát triển thị trường vốn. Nghị quyết 86/NQ-CP ngày 11/7/2022 về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội đã đặt ra các mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp cụ thể tạo hành lang để tiếp tục hoàn thiện pháp lý, căn cứ điều hành thị trường. Trên thị trường vốn, cần xem xét, sửa đổi bổ sung quy định để định hướng các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu ra công chúng thay vì chủ yếu phát hành riêng lẻ như hiện nay; quy định chặt chẽ giới hạn tỷ lệ đòn bẩy tài chính đối với các doanh nghiệp bất động sản... Đồng thời, cần tiếp tục tăng cường hơn nữa sự công khai, minh bạch của các chủ thể tham gia thị trường.

Cũng có ý kiến cho rằng, thời gian tới cần tăng số lượng và chất lượng hàng hóa để đảm bảo cân đối cung - cầu, nâng cao tính đa dạng của hàng hóa, tăng thu hút vốn dài hạn vào TTCK sơ cấp, trong đó yêu cầu đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, kiên quyết yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa phải đăng ký giao dịch cổ phiếu. Đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống giao dịch mới KRX để đáp ứng nhu cầu giao dịch và các yêu cầu về nâng hạng thị trường lên TTCK mới nổi về giao dịch, công bố thông tin, tiêu chuẩn kế toán, sản phẩm đầu tư vào các cổ phiếu hết room ngoại.