Đây là những đánh giá của các chuyên gia tại Hội thảo “Quản trị tài nguyên khoáng sản: Việt Nam đang ở đâu?” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và Bộ Tài nguyên Môi trường phối hợp tổ chức ngày 8/10 tại Hà Nội.

Khoáng sản phải mang lợi ích cho toàn dân

Ông Mai Xuân Hùng, Phó chủ nghiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng Việt Nam là nước có TNKS rất đa dạng, phong phú. Thế nhưng ở đâu có TNKS, ở đó tỷ lệ người dân nghèo cao, môi trường bị hủy hoại, cơ sở hạ tầng kém dần đi.

Mặc dù TNKS là tài sản của toàn dân, nhưng việc người dân được hưởng gì từ TNKS còn chưa rõ. Vì vậy, việc quản trị TNKS phải mang lại được lợi ích cho dân, là tài sản thực sự của toàn dân.

Ông Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch tỉnh Bình Định cho rằng việc người dân vùng có TNKS nghèo là do chúng ta chưa thực hiện công bằng lợi ích. Hiện nay lợi ích chủ yếu thuộc về DN, trong khi trách nhiệm xã hội, trách nhiệm môi trường của DN chưa cao, chưa được quy định chặt chẽ. Mức quy định đóng góp của DN đối với địa phương chưa rõ ràng, cụ thể.

Trong khi đó ông Lại Hồng Thanh, Cục trưởng Cục kiểm soát hoạt động khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, mỗi năm, Bộ cấp khoảng 30- 40 giấy phép về khai thác khoáng sản. Trong khi đó, mỗi năm tại các địa phương có đến 500 – 600, thậm chí cao điểm là có 800 giấy phép được cấp, gia hạn, cấp lại.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng cần phải làm rõ về lợi ích nhóm trong khai thác TNKS ra sao. Trong khi Bộ TN&MT cấp phép rất ít, hạn chế, thì các địa phương cấp phép rất nhiều. Vấn đề sơ hở là người ta có thể chia nhỏ một mỏ lớn thành nhiều mỏ nhỏ, để từ đó xin cấp phép tại địa phương, tránh phải xin phép Bộ TN&MT.

VCCI
Các đại biểu tham gia hội thảo sáng 8/10. Ảnh: VCCI

Thu 5 tỷ, sửa đường hết 30 tỷ đồng

Trong khi đó, lợi ích để lại các địa phương không đáng bao nhiêu so với những thiệt hại từ hoạt động khai thác gây ra. Ông Phạm Gia Túc, Phó Chủ tịch VCCI lấy ví dụ về các DN khai thác khoáng sản của Tuyên Quang nộp cho tỉnh 5 tỷ đồng/năm. Thế nhưng chi phí tỉnh này phải bỏ ra để sửa chữa các con đường bị hư hỏng do vận chuyển, khai thác khoáng sản lên tới 30 tỷ đồng.

Chuyên gia Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Công an cho rằng, việc quản trị TNKS của chúng ta có 2 vướng mắc. Thứ nhất là luật chưa hoàn chỉnh, dù đã ra đời 2 năm nhưng các văn bản kèm theo chưa đầy đủ, khiếm khuyết lớn nhất của các văn bản pháp luật là quy trách nhiệm cá nhân không rõ. Thứ hai là công tác giám sát thực thi thiếu hiệu quả.

“Chúng ta giờ không chỉ trích ai, không phê phán quá khứ, nhưng phải chỉ ra đến cùng vướng mắc ở đâu. Phải bàn đến cùng tại sao chúng ta quản lý TNKS kém như vậy, trách nhiệm giám sát ở đâu?”, ông Lê Văn Cương nói.

Ông Cương cũng đề nghị phải đẩy mạnh hoạt động điều tra thăm dò để làm rõ chúng ta có gì trong tay, có bao nhiêu, từ đó mới quy hoạch, quản trị tốt được công tác khai thác TNKS.

Chính vì vậy, các chuyên gia trong nước và quốc tế đều thống nhất rằng việc tham gia Sáng kiến Minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng – EITI là rất cần thiết với sự hỗ trợ từ quốc tế. Đề nghị Chính phủ và Quốc hội ủng hộ sáng kiến này và sớm đưa ra tổ chức thực hiện công khai, minh bạch, để những lợi ích từ TNKS trở thành lợi ích thực sự của toàn dân thay vì chỉ nằm trong một nhóm nhỏ./.

Hoàng Yến