Quảng Ninh: Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt hơn 73 triệu đồng/người/năm

Đời sống của người dân vùng nông thôn của tỉnh Quảng Ninh ngày càng được nâng cao. Ảnh: TL

Xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn

Từ thực tiễn có tới 67/177 xã, phường, thị trấn toàn tỉnh là miền núi, biên giới, hải đảo; đồng bào DTTS chiếm 12,31% dân số, nhưng lại cư trú rải rác ở trên 85% diện tích của tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, BCH Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 06 về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Quá trình thực hiện, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các văn bản, cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế tại tỉnh và quy định của trung ương để thực hiện phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới; trong đó tập trung cơ chế, chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.

Đây là nghị quyết thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh trong việc xây dựng, phát triển vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo một cách bền vững trên mọi lĩnh vực, nâng cao chất lượng cuộc sống và mang lại hạnh phúc cho người dân; từng bước hiện thực hóa khâu đột phá về phát triển văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã quyết nghị.

Từ một đồng ngân sách thu hút được 4 đồng ngoài ngân sách

Cũng trong 3 năm qua, Quảng Ninh đã huy động nguồn lực rất lớn, trên 82.000 tỷ đồng, thực hiện các Chương trình MTQG và Nghị quyết 06. Điểm nổi bật và khác biệt của Quảng Ninh là ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp và vốn ngân sách nhà nước lồng ghép chỉ chiếm khoảng 25%, còn vốn tín dụng chiếm tới 73,1%. Như vậy, từ một đồng ngân sách nhà nước, Quảng Ninh thu hút được 4 đồng ngoài ngân sách để thực hiện mục tiêu nâng cao được chất lượng đời sống nhân dân, nhất là vùng đồng bào DTTS.

Tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, chuyển sang giai đoạn xây dựng và triển khai theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. 3 năm qua, có thêm 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; thêm 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Trong đó, 2 huyện Đầm Hà, Tiên Yên là huyện đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 huyện là Hải Hà, Vân Đồn đang hoàn thiện hồ sơ trình. Chương trình xây dựng nông thôn mới khu vực vùng đồng bào DTTS, miền núi, hải đảo đã đạt kết quả cao.

Bộ mặt nông thôn thay đổi rõ nét, đời sống nhân dân được cải thiện, văn hóa xã hội và môi trường khu vực nông thôn có nhiều tiến bộ; dân chủ cơ sở được mở rộng; hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; quốc phòng an ninh trật tự xã hội được giữ vững. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 73,43 triệu đồng/người/năm (trong đó các xã vùng đồng bào DTTS, biên giới, hải đảo đạt 73 triệu đồng/người/năm).

Thu nhập bình quân khu vực nông thôn của Quảng Ninh đạt hơn 73 triệu đồng/người/năm
Học sinh vùng đồng bào DTTS được tiếp cận công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng giáo dục.

Công tác quy hoạch nông thôn mới đã đáp ứng với tốc độ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hoá; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; cơ sở hạ tầng giáo dục văn hóa, y tế, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, hạ tầng thương mại ở vùng đồng bào DTTS được quan tâm đầu tư; chú trọng đào tạo nghề cho lao động trẻ để chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn gắn với tạo việc làm.

Đồng thời, tạo được đột phá về hạ tầng xã hội; đột phá trong tạo ra các mô hình phát triển kinh tế theo hướng gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ, du lịch với nông nghiệp, giữa đô thị với nông thôn, trong đó có việc đào tạo nghề, giới thiệu việc làm.

Qua đó, góp phần giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội nông thôn; tăng cường xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc ở vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.

Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, quá trình tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và Nghị quyết 06 trong 3 năm qua đã khẳng định rõ sự nỗ lực vượt bậc của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, các ngành, địa phương và thể hiện sự thay đổi căn bản trong nhận thức về tổ chức thực hiện, nhận thức về tư duy phát triển, nhận thức về huy động nguồn lực và tổ chức nguồn lực; phát huy được sức mạnh văn hóa, giá trị văn hóa, truyền thống của đồng bào các DTTS.