Cộng đồng doanh nghiệp tiên phong hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh

Triển khai nhanh chóng Quy hoạch Điện 8

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2024 (VBF 2024), ông Denzel Eades - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam (BritCham) cho biết, các doanh nghiệp Anh hoan nghênh cam kết của Việt Nam cho mục tiêu phát thải ròng bằng không và phát triển bền vững, cũng như những nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện chương trình nghị sự này.

“Khu vực tư nhân Vương quốc Anh sẵn sàng đóng góp đáng kể trong các lĩnh vực quan trọng như năng lượng, tài chính, dược phẩm và hàng tiêu dùng” - ông cho hay.

Thủ tục hành chính phức tạp là cản trở lớn nhất với môi trường đầu tư Việt Nam
Toàn cảnh VBF 2024 diễn ra sáng 19/3. Ảnh: MPI

Trong đó, về lĩnh vực năng lượng, BritCham khuyến nghị Việt Nam triển khai nhanh chóng Quy hoạch Điện 8 (PDP8), đặc biệt liên quan đến phát triển LNG, năng lượng mặt trời và gió cùng với việc xây dựng các quy định pháp lý cho phép việc thực hiện, ví dụ như các quy định liên quan đến Hợp đồng mua bán điện trực tiếp (“DPPA”).

Ở lĩnh vực tài chính, ông Denzel Eades đánh giá việc phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế (International Financial Centre - IFC) tại Việt Nam với sự hỗ trợ của Nhóm Công tác Anh - Việt Nam là một sáng kiến mang tính thay đổi cuộc chơi.

Để đảm bảo sự thành công của sáng kiến này, BritCham khuyến cáo Việt Nam cần nâng cao năng lực và điều kiện hoạt động dịch vụ tài chính, đảm bảo sự phát triển của ngành phù hợp với các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, theo đuổi các chính sách thuận lợi về kế toán, thuế, chứng khoán, ngân hàng.

"Tầm quan trọng của nâng hạng thị trường mới nổi cho thị trường vốn của Việt Nam và việc áp dụng Chuẩn mực Báo cáo Tài chính quốc tế (IFRS) trên khắp Việt Nam là những vấn đề quan trọng cần cân nhắc tới và các doanh nghiệp Vương quốc Anh sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đạt được những mục tiêu này" - ông Denzel Eades khẳng định.

Đánh giá cao những nỗ lực và tiến bộ của Chính phủ Việt Nam trong cải cách hành chính, đại diện doanh nghiệp Anh quốc cũng lưu ý cần những động thái mạnh mẽ hơn để phục vụ doanh nghiệp và người dân tốt hơn.

Cụ thể như: tăng cường Chính phủ điện tử trong quản lý các hoạt động xúc tiến và thông báo; đơn giản hóa thủ tục và thời gian cấp giấy phép kinh doanh; thống nhất giữa các quy định của trung ương và địa phương; bỏ yêu cầu phê duyệt trước quảng cáo, chuyển sang kiểm soát sau thị trường…

Đảm bảo tiến độ triển khai PDP8 cũng là một trong những khuyến nghị của Hiệp hội Thương mại & Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) để Việt Nam đạt mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh, bền vững.

Theo khảo sát của JETRO năm 2023, “các thủ tục hành chính phức tạp như cấp giấy phép” được coi là rủi ro lớn nhất tại môi trường đầu tư của Việt Nam đối với các công ty Nhật Bản. Mặc dù Hội đồng cố vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng đã xác định các vấn đề và thực hiện nhiều cải cách khác nhau như đơn giản hóa luật và các quy định, số hóa thủ tục hành chính, nhưng JCCI vẫn mong muốn được thấy nhiều nỗ lực hơn nữa để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính

Theo ông Muto Shiro - Phó Chủ tịch JCCI, Việt Nam cần sớm xây dựng khung pháp lý và các hướng dẫn thực hiện cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án phát triển điện lực, bao gồm quy định liên quan đến việc sử dụng vùng biển cho các dự án nhà máy điện gió ngoài khơi quy mô lớn, nới lỏng điều kiện cho Hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) trong các dự án năng lượng tái tạo và xem xét cơ chế định giá hiện tại đối với sản xuất điện sinh khối/điện rác.

Cùng với việc đảm bảo tiến độ triển khai PDP8, Việt Nam cũng cần đảm bảo môi trường hấp dẫn “có khả năng huy động vốn” để thu hút vốn đầu tư dài hạn vào phát triển cơ sở hạ tầng, cụ thể là bằng việc sửa đổi Luật Đầu tư và Luật PPP để nâng cao khả năng huy động vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng.

Thủ tục hành chính phức tạp là cản trở lớn nhất với môi trường đầu tư Việt Nam
Ông Muto Shiro, Phó Chủ tịch JCCI. Ảnh: DĐDN

Có những dự án hạ tầng mất 10 năm để hoàn thành thủ tục

Liên quan đến cải cách hành chính, JCCI kiến nghị với Chính phủ đẩy nhanh tiến độ cấp giấy phép kinh doanh và các loại giấy phép khác. Đồng thời, chấm dứt tình trạng yêu cầu nhà đầu tư thực hiện những điều kiện không hợp lý hoặc nộp hồ sơ ngoài quy định của pháp luật.

Trong nhiều trường hợp, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện chặt chẽ hơn và nộp thêm hồ sơ ngoài quy định của pháp luật khi đăng ký hoạt động với cơ quan liên quan hoặc xin giấy phép kinh doanh, dẫn đến thủ tục hành chính bị chậm trễ.

Đại diện JCCI cũng cho hay, trong phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn, như các dự án xây dựng nhà máy điện, phát triển đô thị, có những trường hợp phải mất hơn 10 năm mới hoàn thành thủ tục do chậm trễ trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và cấp các giấy phép liên quan, dẫn đến chậm trễ trong dự án cơ sở hạ tầng.

Cải cách thủ tục hành chính cũng là một vấn đề mà các thành viên của Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) quan tâm.

Theo Amcham, yếu tố quan trọng nhất tạo nên môi trường đầu tư thuận lợi là môi trường pháp lý công bằng, minh bạch, dễ dự đoán và tinh giản, coi trọng sự đổi mới để không chỉ thu hút đầu tư mới mà còn để duy trì và phát triển các dự án đầu tư hiện tại.

Ủng hộ tích cực các nỗ lực cải cách thủ tục hành chính ở Việt Nam trong hơn 15 năm qua, Amcham đánh giá đã có một số thủ tục hành chính được loại bỏ và đơn giản hóa, tuy nhiên một số luật và quy định mới vẫn tiếp tục đưa ra các thủ tục hành chính mới. Do đó, hiệp hội này khuyến nghị tất cả các luật và quy định mới nên được xem xét và hạn chế đưa ra các thủ tục hành chính mới.

Các thành viên Amcham cho biết phải đối mặt với sự chậm trễ trong thủ tục phê duyệt và các gánh nặng hành chính tốn thời gian. Điều này gây cản trở hoặc đình trệ các dự án của họ và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của Việt Nam.

Vì vậy, Amcham cho rằng, cần có sự phê duyệt kịp thời đối với giấy phép về quy hoạch và các giấy phép liên quan, giấy phép kinh doanh, đầu tư, phát triển bất động sản, thị thực cho người lao động nước ngoài... Ngoài ra, mặc dù Chính phủ thúc đẩy số hóa nhưng nhiều thủ tục hành chính như báo cáo, đăng ký, thông báo vẫn phải nộp bằng giấy hoặc thậm chí bằng cả hình thức giấy và điện tử.

Theo Amcham, nền kinh tế Việt Nam năm 2023 đã bộc lộ một số điểm yếu, bao gồm sự phụ thuộc mạnh mẽ vào xu hướng thị trường nước ngoài, khu vực tư nhân trong nước dễ bị tổn thương, thủ tục hành chính còn một số bất cập và tình trạng thiếu nguồn cung cấp điện. Để có thể lấy lại được động lực và phát triển chuỗi cung ứng, Việt Nam cần tiến hành thêm cải cách cơ cấu trong các doanh nghiệp nhà nước, quy trình quản lý đối với khu vực tư nhân, nâng cao hiệu quả điều hành quản lý nhà nước.