Ngân hàng số hỗ trợ khách hàng mùa dịch

Làn sóng Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã tác động khá tiêu cực lên sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành tài chính – ngân hàng nói riêng. Song không phủ nhận đó cũng là tác nhân tác động tích cực, thúc đẩy tiến trình số hóa nhanh hơn bởi sự cấp thiết của việc duy trì hoạt động lưu thông tiền tệ thường xuyên, liên tục.

Việc ứng dụng công nghệ số giúp thay đổi diện mạo của ngân hàng, tạo ra nhiều giá trị mới như trải nghiệm khách hàng tốt hơn; chất lượng vận hành, dịch vụ tốt hơn, hiệu quả hơn; giảm chi phí vận hành; nhiều dịch vụ sáng tạo và an toàn bảo mật hơn.

Các diễn giả chia sẻ giải pháp số hóa lĩnh vực Tài chính-Ngân hàng. Ảnh ĐD
Các diễn giả chia sẻ giải pháp số hóa lĩnh vực Tài chính-Ngân hàng. Ảnh ĐD

Ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, khẳng định hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam đã và đang có những chuyển biến tích cực trong việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) một cách năng động, sáng tạo vào hoạt động kinh doanh và vận hành tác nghiệp.

Ông Hùng đơn cử, nếu như cách đây 2 - 3 năm, các NHTM tại Việt Nam chỉ mới tiếp cận đến khái niệm thì hiện nay những công nghệ này đã và đang mang lại những lợi ích về tự động hóa quy trình, nâng cao năng suất lao động, tăng trải nghiệm khách hàng, giảm chi phí vận hành cho các ngân hàng.

Đặc biệt, cuộc đua về lĩnh vực ngân hàng số (digital bank) đã và đang diễn ra khá sôi nổi tại Việt Nam. Ứng dụng ngân hàng di động (Mobile Banking) nay đã được nâng cấp lên thành ứng dụng ngân hàng số, với đầy đủ tính năng từ mở tài khoản, giao dịch tài chính, đầu tư đến các dịch vụ ngoài tài chính (beyond banking services) như mua sắm, giáo dục, y tế, giao thông…. Dịch vụ ngân hàng đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống, kết hợp với các lĩnh vực, ngành nghề để xây dựng hệ sinh thái thông minh, toàn diện.

Chuyển đổi số hướng đến khách hàng

Nhờ chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn mà các hoạt động ngân hàng "không tiếp xúc" cũng trở nên phổ biến hơn, việc sử dụng dịch vụ online (trực tuyến) của khách hàng cũng dần trở thành thói quen.

Ngay trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hàng loạt ứng dụng Mobile Banking của các ngân hàng đã tích hợp dịch vụ đi chợ online (mà trước đó chưa có) để đáp ứng kịp thời và tốt nhất nhu cầu đảm bảo an toàn của thực tiễn, gia tăng sự tiện lợi cho khách hàng.

Như vậy, có thể thấy ngành ngân hàng Việt Nam đã có sự chuẩn bị, chủ động vào cuộc và khả năng thích ứng tốt trước những biến động, rủi ro trong công cuộc chuyển đổi số. Đặc biệt là từ khi dịch Covid-19 bùng phát, các hệ thống thanh toán, hệ thống thông tin tín dụng và các ngân hàng vẫn hoạt động bền bỉ, thông suốt, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp (DN) cùng các cơ quan Chính phủ một cách nhanh chóng, an toàn.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, xét một cách khách quan và trực diện, chuyển đổi số tại các ngân hàng Việt Nam còn chưa có tính tổng thể, việc đầu tư hạ tầng theo phương thức on-premies (lưu dữ liệu tại chỗ) vẫn là chính nên năng lực về hạ tầng công nghệ hiện chưa đáp ứng kịp tốc độ ứng dụng công nghệ số. Một số ngân hàng đã tiếp cận dịch vụ điện toán đám mây, song vẫn còn những tranh luận liên quan đến việc sử dụng công nghệ mới này.

"Trước bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" và ngày 11/5/2021, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định 810/QĐ-NHNN phê duyệt "Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" để nâng cao năng lực cạnh tranh và thực hiện chuyển đổi số thành công. Các ngân hàng cần năng động, đổi mới mô hình kinh doanh, tăng cường hợp tác, phát triển mở rộng hệ sinh thái ngân hàng số, sáng tạo đổi mới nhằm mang đến cho khách hàng các sản phẩm, dịch vụ tài chính số đa dạng, đáp ứng nhu cầu và gắn kết khách hàng…" – ông Nguyễn Quốc Hùng nói./.