Thúc đẩy nội lực hướng đến mục tiêu tăng trưởng
Nguồn: chinhphu.vn Đồ họa: TL

Nhiều giải pháp khai thác hiệu quả nội lực

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, trong năm 2024, Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội mới. Song nếu chỉ trông chờ vào kinh tế thế giới, hay nguồn lực xuất khẩu thì khó thể vượt lên để đi ngược lại so với xu thế chung. Vì thế, cần khai thác hiệu quả nội lực, làm thế nào biến điều đó thành động lực thực sự cho tăng trưởng để vươn lên. Đồng thời, chúng ta cần có hành động cụ thể nhằm “chớp” được các cơ hội rất lớn đang mở ra, đơn cử về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số…

Tạo môi trường pháp lý để doanh nghiệp dám hành động

Có thể thấy rõ quyết tâm của Đảng, Chính phủ, Quốc hội trong việc hỗ trợ các DN tập trung các nguồn lực để tạo ra bước phát triển mới trong năm 2024. Trong đó không chỉ có thu hút các nhà đầu tư vào mà cần phải có sự đồng hành. Để làm được điều này, cần tiếp tục cải cách về mặt thể chế, tạo ra một môi trường pháp lý để DN dám hành động, dám làm, tạo cơ hội chứ không phải chỉ là tháo gỡ khó khăn nữa.

Chia sẻ về những những quyết tâm, hành động của Chính phủ, Quốc hội để khai thác nội lực và tập trung nguồn lực để đạt được mục tiêu tăng trưởng cho năm 2024, TS. Phan Đức Hiếu - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, nêu 4 điểm nhấn về các giải pháp chính sách hướng đến thực thi quyết liệt các động lực tăng trưởng mới trong năm 2024. Ông Phan Đức Hiếu cho biết, về phương hướng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội năm 2024, trong các nghị quyết của Chính phủ, Quốc hội đã nói rất rõ là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Chính phủ đã đưa ra thông điệp rất rõ ràng qua 8 chữ hành động: “kỷ cương, trách nhiệm, chủ động, kịp thời, tăng tốc, sáng tạo, hiệu quả, bền vững”.

Trong đó về xanh và tăng trưởng bền vững, nghị quyết của Quốc hội đưa ra rất nhiều nhóm giải pháp khá toàn diện. Điểm mới là về vốn với các động lực xanh, bền vững, yêu cầu về vốn tín dụng tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên như đổi mới sáng tạo, xanh, phát triển bền vững….

Liên quan đến hoàn thiện thể chế, TS. Phan Đức Hiếu thông tin, các nghị quyết của Chính phủ và Quốc hội đều nhấn mạnh nhiều đến vấn đề năng lượng, đặc biệt là năng lượng xanh, năng lượng bền vững, an ninh năng lượng và thúc đẩy chuyển đổi năng lượng. Bên cạnh đó, thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo và nhấn mạnh nhiều đến đào tạo nguồn nhân lực cho ngành sản xuất chip bán dẫn, để tận dụng những cơ hội mới từ kết quả ngoại giao kinh tế….

Cũng theo TS. Phan Đức Hiếu, quan trọng nhất để thực thi các nhiệm vụ giải pháp này là vẫn là cộng đồng doanh nghiệp (DN). Trong nghị quyết của Quốc hội đã nhấn rất mạnh đến Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị là làm sao thúc đẩy được động lực từ cộng đồng doanh nghiệp.

Hành động để “chớp” thời cơ

Thúc đẩy nội lực hướng đến mục tiêu tăng trưởng năm 2024
Ảnh minh họa

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, song song với tăng cường nội lực thì điều quan trọng để đạt được mục tiêu tăng trưởng 2024 là làm thế nào tận dụng được những cơ hội mới. Ông cho rằng, cần có sự hành động ở cả phía Chính phủ trong thực thi chính sách và đặc biệt hơn là hành động từ chính các DN, các nhà đầu tư. Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn nên cần phải tạo cho DN, nhà đầu tư niềm tin vào thị trường, vào cơ hội Việt Nam.

Ông Cường khẳng định: “2024 là năm cơ hội hiếm có không lặp lại của Việt Nam. Nếu nhà đầu tư không tranh thủ chớp lấy cơ hội thì có thể không chỉ đất nước lỡ cơ hội mà những nhà đầu tư cũng có thể bỏ lỡ cơ hội chuyển đổi thành những DN đứng vào chuỗi cung ứng giá trị cao hay những ngành sản xuất đang mở ra những cơ hội mới, Vì vậy, đây là thời kỳ rất cần có sự hành động đồng bộ từ Chính phủ cho đến các DN”.

Còn theo TS. Phan Đức Hiếu, năm 2024, Chính phủ cần phát huy tinh thần và tâm thế mà đã có. Đó là tính quyết liệt, quyết đoán, hành động mạnh mẽ. Về cách làm, ông nhấn mạnh nhiều tới cải cách thể chế cần nhanh hơn, đột phá hơn. “Trước khi chúng ta thiết lập một hệ thống thể chế mới thì nên rà soát và bãi bỏ ngay lập tức (nếu có) những quy định gây cản trở đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, không ban hành mới những quy định tạo thêm rào cản và chi phí cho hoạt động kinh doanh của DN” - TS. Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Từ góc độ DN, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc DN chủ động khai thác các cơ hội là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, ông cũng khuyến nghị Chính phủ và bộ máy chính quyền các cấp cần nâng cao hơn nữa chất lượng thực thi. Cần tạo ra được không khí mới, khí thế mới thuận lợi hơn cho DN, cải cách không phải chỉ để gỡ bỏ, cắt bớt mà phải tạo ra một môi trường mới. Đây là yếu tố rất quan trọng trong năm 2024 và trong thời gian tới.

Thêm ý kiến, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, chia sẻ cần phải xây dựng giải pháp chiến lược liên kết chuỗi toàn diện trong nền kinh tế để sử dụng các sản phẩm của nhau. Đồng thời, chúng ta cần hoạch định chiến lược, xây dựng, “nuôi” các thương hiệu, quy hoạch các thương hiệu, để đến năm 2035-2040 Việt Nam có những thương hiệu mang tầm vóc quốc tế hàng đầu trên thị trường thế giới.

Đại diện cho các nhà đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam, nhấn mạnh tới việc cần biến những dòng đầu tư từ châu Âu trở thành nội lực cho phát triển của đất nước, chứ không chỉ đón đầu tư từ châu Âu như trước nữa. Theo ông, những yêu cầu mới xanh hơn, bền vững hơn từ thị trường EU không phải tất cả chúng đều là rảo cản đối với quốc gia. Việt Nam vẫn có một lợi thế cạnh tranh nhất định. Điều quan trọng nhất là cần có cơ chế để tạo cho các DN có thể nắm vững được các quy định đó để tiếp tục xuất khẩu được vào các thị trường lớn trong tương lai.

Mở rộng hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp

Thông tin về định hướng chính sách tiền tệ trong năm 2024, bà Bùi Thúy Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), cho biết năm 2024, về điều hành chính sách tiền tệ, NHNN sẽ theo dõi chặt chẽ các chính sách diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ cũng như các cân đối lớn của nền kinh tế, lạm phát để điều hành công cụ chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, thực hiện mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế gắn với việc kiểm soát lạm phát cũng như ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ cho thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối ổn định.

Về điều hành lãi suất, NHNN sẽ tiếp tục điều hành lãi suất theo hướng phù hợp với diễn biến thị trường. Đồng thời, NHNN khuyến khích các tổ chức tín dụng tăng cường tiết giảm các chi phí hoạt động, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào trong các quy trình cấp tín dụng để rút ngắn quy trình cho vay, tiếp tục giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới. Về tỷ giá, NHNN sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm hỗ trợ ổn định thị trường ngoại tệ, đảm bảo thông suốt các giao dịch về ngoại hối.

Về tín dụng, ngay từ đầu năm NHNN đã đặt mục tiêu định hướng về tăng trưởng tín dụng 15%. Đây cũng là mức tăng trưởng có điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với diễn biến của thị trường. Bên cạnh đó, NHNN cũng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp về điều hành tín dụng, chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, các lĩnh vực tạo động lực cho nền kinh tế, tăng khả năng tiếp cận vốn đối với người dân và DN./.