PV: Ông đánh giá như thế nào về sự nỗ lực trong điều hành của Chính phủ thời gian qua?

ĐBQH Phạm Văn Hòa: Tôi đánh giá rất cao vai trò chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ và của Chính phủ trong thời gian qua, mặc dù những tháng đầu năm dịch Covid-19 vừa được kiềm chế, nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, đặc biệt là Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tổ chức thực hiện khẩn trương theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Có thể thấy rằng, trong thời gian qua chúng ta gặp rất nhiều khó khăn đến từ ảnh hưởng bởi dịch bệnh, từ khủng hoảng địa chính trị trên thế giới, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao…, nhưng kinh tế - xã hội vẫn đạt được nhiều chuyển biến tích cực và khá toàn diện trên các lĩnh vực, đó là tiền đề để phục hồi kinh tế trong thời gian tới, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân.

Thúc đẩy tăng trưởng để có nguồn thu bền vững hơn
ĐBQH Phạm Văn Hòa

Trong đó, giải ngân gói hỗ trợ đã phần nào đến tận tay các đối tượng hưởng thụ. Vai trò trách nhiệm của Chính phủ trong phát triển kinh tế và ổn định đời sống nhân dân được thể hiện rõ rệt. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện tốt. 6 tháng năm 2022, GDP tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020 và tốc độ tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021.

Có thể khẳng định, kết quả trên đến từ nỗ lực và quyết tâm rất cao từ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương cho đến các địa phương và sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân. Trong đó, không thể không kể đến các chính sách được ban hành kịp thời, chưa từng có tiền lệ như: Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ; hay mới đây là Nghị định 34/2022/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022…

PV: Như ông vừa đề cập, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được tổ chức thực hiện khẩn trương, vậy ông có nhận xét gì về gói hỗ trợ chính sách tài khóa thực hiện chương trình này?

ĐBQH Phạm Văn Hòa: Tại kỳ họp bất thường vào đầu năm nay, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Quốc hội đã đồng ý việc tăng bội chi ngân sách nhà nước trong năm 2022 - 2023 để thực hiện gói chính sách tài khóa, tiền tệ quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử, lên tới 291 nghìn tỷ đồng. Nhiều chính sách đến nay đã được ban hành, như: giảm 2% thuế giá trị gia tăng; hỗ trợ lãi suất 2% từ gói 40 nghìn tỷ đồng…

Tôi được biết, Bộ Tài chính cũng đã trình các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chính sách, như: giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng để thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp; gia hạn thời hạn một số loại thuế và tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2022; giảm từ 50% - 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu; giảm nhiều khoản phí, lệ phí...

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng đối tác, phục hồi kinh doanh sau đại dịch.
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng đối tác, phục hồi kinh doanh sau đại dịch.

Đây là những nỗ lực rất lớn của Bộ Tài chính trong bối cảnh nguồn thu còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, kinh tế tăng trưởng chậm lại, doanh nghiệp chưa kịp phục hồi. Việc giãn, giảm, gia hạn thuế, phí và lệ phí như khoản đầu tư trở lại đối với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn vốn để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, phát triển ổn định trở lại, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và từ đó sẽ có thêm nguồn thu cho ngân sách. Trong khó khăn, muốn đi đường dài thì những chính sách về tài khóa hết sức quan trọng, góp phần vào phục hồi và phát triển kinh tế.

PV: Thực hành tiết kiệm chống lãng phí luôn là mối quan tâm của các đại biểu Quốc hội, cũng như của cử tri cả nước. Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, thời gian qua chúng ta đã đạt nhiều kết quả trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhưng những tồn tại vẫn chưa hết, quan điểm của ông về vấn đề này ra sao, thưa ông?

ĐBQH Phạm Văn Hòa: Trên thực tế, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần huy động thêm nguồn lực từ ngân sách nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân để phục vụ công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức.

Để thực hiện có hiệu quả chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thời gian qua Quốc hội đã giao Chính phủ khẩn trương ban hành các giải pháp thực hiện, phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn lực phải tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp.

Tuy nhiên, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn nhiều tồn tại, hạn chế xảy ra ở hầu hết các cấp, các ngành, các lĩnh vực, dẫn đến thất thoát, lãng phí nguồn lực nhà nước, như: còn tình trạng ách tắc, sai phạm trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, đấu thầu mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, giải ngân chậm, nguồn vốn ODA chưa được khắc phục...

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải triển khai trên rất nhiều lĩnh vực, nhưng tôi cho rằng, cần chỉ ra cụ thể hơn, từ đó có biểu dương những đơn vị làm tốt và làm rõ trách nhiệm những nơi làm chưa tốt. Bên cạnh đó, cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế

Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa, dịch bệnh nay đã dần được kiểm soát, kinh tế đang vào đà phục hồi, nhưng theo dự báo cũng còn rất nhiều khó khăn đến từ thế giới và nội tại của nền kinh tế. “Tôi đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội khi thẳng thắn nhận diện đất nước còn đối diện với không ít khó khăn, thách thức” - ĐB Phạm Văn Hòa chia sẻ.

Trong ngắn và dài hạn, cần đặc biệt quan tâm ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cũng như kiểm soát giá cả thị trường, chống đầu cơ, tăng giá, trục lợi; ưu tiên dòng vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu nguyên liệu, máy móc; giữ ổn định lãi suất, không để lãi suất tăng cao gây ảnh hưởng tới các hoạt động phục hồi kinh tế…

“Nhiệm vụ của chúng ta hết sức nặng nề khi vừa phải tập trung xử lý hàng loạt vấn đề tồn đọng, vừa triển khai một khối lượng đồ sộ các nhiệm vụ mới. Bối cảnh này đặt ra những yêu cầu hết sức cấp bách và khẩn trương. Theo tôi, ưu tiên quan trọng nhất hiện nay là đẩy nhanh tốc độ để tăng tính kịp thời trong triển khai các biện pháp, hỗ trợ theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ” - ĐB Phạm Văn Hòa nhận định.

ĐB Hòa cũng cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, nâng cao trách nhiệm và năng lực của bộ máy quản lý thực chất, nhất là người đứng đầu; có giải pháp thích hợp mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chống lãng phí trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Về thu ngân sách, cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển để có nguồn thu bền vững từ sản xuất kinh doanh.

Còn rất nhiều thách thức trong thời gian tới, nên trong chỉ đạo điều hành phải linh hoạt, sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, kích thích sản xuất và tiêu dùng, kêu gọi đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược, đầu tư vào Việt Nam, từ đó, phục hồi nền kinh tế.