Giải ngân cho đầu tư, xây dựng cơ bản được gần 1,6 nghìn tỷ đồng
Năm 2025, kế hoạch vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước (NSNN) do TP. Hồ Chí Minh quản lý là 84.313 tỷ đồng, tăng 6,2% so với kế hoạch năm 2024. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương là 3.237 tỷ đồng, chiếm 3,8%; nguồn vốn ngân sách địa phương là 80.912 tỷ đồng, chiếm 96%; nguồn vốn ngân sách cấp huyện là 164 tỷ đồng, chiếm 0,2% do các huyện Hóc Môn, Nhà Bè có dự án đầu tư công sử dụng ngân sách cấp huyện.
![]() |
TP. Hồ Chí Minh tập trung cho các dự án phát triển hạ tầng trong kế hoạch đầu tư công 2025. Ảnh: Việt Dũng |
Theo kế hoạch, nguồn vốn ngân sách trung ương được phân bổ cho dự án xây dựng nút giao thông An Phú (330 tỷ đồng), đường Vành đai 3 đoạn qua địa phương (1.547 tỷ đồng), mở rộng quốc lộ 50 (80 tỷ đồng), cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (1.180 tỷ đồng), dự án Vệ sinh môi trường TP. Hồ Chí Minh - giai đoạn 2 (vốn ODA 100 tỷ đồng).
Thực tế cho thấy, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai sớm, nhanh, quyết liệt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ngay từ đầu năm 2025, trong đó có công tác giải ngân vốn đầu tư công. Theo kế hoạch, TP. Hồ Chí Minh phấn đấu quý I giải ngân được 10 - 12%; Quý II được 30 - 33%; Quý III đạt 60 - 65%; Cuối tháng 12/2025 đạt 85 - 90% và tháng 1/2026 quyết tâm giải ngân đạt 95% vốn đầu tư công. |
Nguồn vốn ngân sách địa phương được phân bổ cho dự án từ nguồn vốn ODA vay lại từ vốn vay nước ngoài của Chính phủ (3.217,2 tỷ đồng), các dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương tập trung (48.782,1 tỷ đồng), các dự án sử dụng vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách thành phố cho ngân sách 5 huyện và TP. Thủ Đức (7.690 tỷ đồng), chi đầu tư phát triển cho kế hoạch đầu tư công của các huyện và TP. Thủ Đức (2.024,4 tỷ đồng)... Đối với 16.753,2 tỷ đồng còn lại, thành phố sẽ bố trí vốn khi các dự án khởi công mới trong năm 2025 đủ điều kiện.
Theo Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh, giải ngân vốn đầu tư thực hiện xây dựng cơ bản và sửa chữa lớn từ nguồn NSNN do địa phương quản lý tháng 1/2025 ước thực hiện được 1.593 tỷ đồng, đạt 1,9% kế hoạch và giảm 6,7% (so với cùng kỳ năm 2024). Trong đó, cấp thành phố ước thực hiện 1.423 tỷ đồng, giảm 14,4%; cấp quận quản lý ước thực hiện 170 tỷ đồng, tăng 276% do vốn ngân sách cấp huyện năm 2025 gấp gần 10 lần so với năm 2024.
![]() |
Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm với vốn đầu tư 17,2 nghìn tỷ đồng sẽ được TP. Hồ Chí Minh khởi công trong năm 2025. Ảnh: Việt Dũng. |
Sẽ giải ngân số vốn kỷ lục
Năm 2025 là năm TP. Hồ Chí Minh có nhiều dự án giao thông, chỉnh trang đô thị quy mô lớn được triển khai như dự án khép kín đường Vành đai 2, đường Vành đai 4, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, nút giao Mỹ Thủy, Ngã tư Đình, cầu Rạch Tôm, cầu đường Nguyễn Khoái, cầu đi bộ qua sông Sài Gòn và tiếp tục đẩy nhanh thi công các dự án trọng điểm như dự án tuyến đường sắt Metro 2, Vành đai 3, nút giao An Phú, hầm chui Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ...
Chia sẻ về công tác giải ngân vốn đầu tư công, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, cho biết nếu cộng với hơn 20% số vốn chưa giải ngân hết của năm 2024 chuyển sang thì mục tiêu năm 2025 của TP. Hồ Chí Minh là giải ngân khoảng 105.000 - 110.000 tỷ đồng. Đây là số vốn lớn.
''Khi thấy số vốn lớn như thế, chúng ta e ngại nhưng so với năm 2023 thì số vốn giải ngân năm 2024 cũng là rất lớn, nhưng TP. Hồ Chí Minh đã giải ngân vượt cả về tỷ lệ và con số tuyệt đối so với năm 2023. Do vậy, với sự chủ động của từng năm, nhất là trong việc hoàn thành các khâu chuẩn bị, chắc chắn năm 2025, TP. Hồ Chí Minh sẽ giải ngân số vốn kỷ lục'' – ông Mãi nhấn mạnh.
Theo đánh giá của ông Mãi, việc giải ngân đầu tư công trong năm 2025 sẽ thuận lợi hơn bởi chính quyền đã yêu cầu những gì thuộc về điều chỉnh quy hoạch thì phải thực hiện trước tháng 6, còn giải phóng mặt bằng chậm nhất là trước tháng 9, nên sẽ còn cả quý IV để triển khai dự án. Riêng những dự án được chuyển tiếp từ năm 2024 thì đã tập trung thực hiện ngay từ quý đầu năm.
Nhiều dự án khánh thành vào ngày 30/4 Theo Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa có tiến độ chung đạt hơn 88% khối lượng. Dự án đã thông xe tại 2 điểm hầm chui Phan Thúc Duyệt và đoạn nối đường Thăng Long - 18E - Cộng Hòa (cửa ngõ Tân Sơn Nhất); phần còn lại đoạn 18E - C12 và mở rộng đường Hoàng Hoa Thám tiến độ chỉ đạt 70% khối lượng do vướng giải phóng mặt bằng của 68 hộ dân. Dự kiến toàn bộ dự án sẽ hoàn thành vào ngày 30/4/2025. Còn dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất gồm 4 hạng mục chính: Nhà ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không, hệ thống cầu cạn trước nhà ga và sân đỗ máy bay với tổng mức đầu tư 10.990 tỷ đồng. Dự án hiện đạt tiến độ trên 85%, đã đóng điện và đưa vào khai thác phần sân đỗ máy bay mở rộng và đang trong quá trình hoàn thiện nội thất, dự kiến sẽ hoàn thành để vận hành và đưa vào khai thác dịp 30/4/2025. |