TP. Hồ Chí Minh: Kinh tế phục hồi, thu ngân sách tăng
Nguồn: Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh. Đồ họa: Văn Chung

Huy động ngân sách nhà nước tăng hơn 13%

Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, kinh tế địa phương 2 tháng đầu năm đang cho thấy nhiều điểm sáng như diễn biến thị trường bất động sản (BĐS) đã có dấu hiệu phục hồi tích cực hơn, với doanh thu kinh doanh ước tăng 20,1% (so với cùng kỳ năm 2023). Tăng trưởng tín dụng trong tháng cũng tăng 0,6% so với tháng kế trước.

Số lượng doanh nghiệp hoạt động trở lại và số doanh nghiệp đăng ký mới đều tăng mạnh so với cùng kỳ; trong khi chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp hơn bình quân cả nước, tạo điều kiện thúc đẩy cầu tiêu dùng nội địa. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 184.888 tỷ đồng, tăng 14,8% (cùng kỳ tăng 6,1%).

Về sản xuất, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trên địa bàn thành phố tăng 4,3% sau 2 năm liên tục giảm.

Riêng 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,3%. Trong đó, ngành hóa dược tăng 12,6%; ngành cơ khí tăng 6,7%; ngành chế biến lương thực, thực phẩm tăng 6,4%; ngành sản xuất hàng điện tử giảm 6,3%.

Theo bà Mai, điểm đáng lưu ý của kinh tế TP. Hồ Chí Minh 2 tháng đầu năm công tác huy động ngân sách nhà nước đạt kết quả khá tích cực, với tổng số thu ước thực hiện lên đến 103.164 tỷ đồng, đạt 21,37% dự toán năm và tăng 13,69%. Trong đó, thu nội địa được 87.664 tỷ đồng, đạt 24,91% dự toán và tăng 25,32%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 15.500 tỷ đồng, đạt 11,85% dự toán, giảm 25,43%...

Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh 2 tháng đầu năm 2024, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, cũng nhìn nhận có nhiều điểm sáng, tín hiệu vui, đặc biệt là kết quả thu, chi ngân sách có tác động lan tỏa và đóng góp cho tăng trưởng chung…

Tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt là đầu tư công

Về triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sắp tới, ông Phan Văn Mãi cho rằng các sở, ban, ngành phải tập trung triển khai công việc một cách quyết liệt, có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả, có đôn đốc, kiểm tra để tháo gỡ; tập trung quyết liệt cho các nhóm giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt là đầu tư công. như tháo gỡ các vướng mắc tồn đọng chuyển sang, giải quyết dứt điểm trong quý I và một số phải chuyển sang quý II, còn lại 6 tháng cuối năm phải triển khai dự án…

Tại phiên họp triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 3/2024 vừa được UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức, ông Phan Văn Mãi cũng đề nghị Chủ tịch UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức rà lại nhiệm vụ giải phóng mặt bằng; đặc biệt phải kiên quyết hoàn tất trước ngày 30/6. Riêng về giải ngân đầu tư công, chủ đầu tư các dự án phải rà soát lại kế hoạch từng dự án, đảm bảo tiến độ theo mục tiêu đã đề ra trong từng quý và cả năm phải đạt từ 95% trở lên.

“Cần kịp thời giải quyết các vướng mắc và kiến nghị các cơ quan chức năng, không để cuối năm nói do vướng này, vướng kia. Đối với các dự án đấu thầu mới, một số dự án trọng điểm, nhà thầu phải thực hiện trong thời gian ngắn nhất, tính đủ vào trong chi phí dự án để tổ chức đấu thầu và giám sát tiến độ” - ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Huy động vốn tín dụng tăng trưởng mạnh

Theo Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tính đến 29/2/2024 ước đạt 3.508,2 nghìn tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vốn huy động bằng VNĐ ước đạt 3.238,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 92,3% tổng vốn huy động, tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 9,8% so với cùng kỳ; vốn huy động bằng ngoại tệ ước đạt 270 nghìn tỷ đồng, chiếm 7,7% tổng vốn huy động, tăng 1,1% so với tháng trước và giảm 4,7% so với cùng kỳ.