TP. Hồ Chí Minh: Nộp ngân sách hơn 8,481 tỷ đồng từ xử phạt hàng hóa vi phạm
Hàng hóa vi phạm an toàn thực phẩm trước khi tiêu hủy. Ảnh: CTV

Theo Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh, trong số 223 vụ vi phạm trong tháng 5, nổi cộm là về vi phạm an toàn thực phẩm với 75 trường hợp, bên cạnh đó là các vi phạm về hàng giả và sở hữu trí tuệ với 68 trường hợp.

Thực hiện “Tháng hành động vì vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2023, các đội Quản lý thị trường đã kiểm tra 83 vụ, trong đó có 34 vụ vi phạm, đã tạm giữ 6.961 đơn vị sản phẩm thực phẩm các loại không hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Riêng đối với mặt hàng đường cát trong tháng 5 năm 2023, các đội Quản lý thị trường đã kiểm tra 6 vụ vi phạm, tạm giữ là 672 kg đường cát không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Thời gian tới, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương và Tổng cục Quản lý thị trường về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trong tình hình dịch Covid-19 vẫn còn tiềm ẩn, phức tạp; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.

Song song với việc triển khai các kế hoạch công tác năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tăng cường công tác quản lý địa bàn, tăng cường kiểm tra, kiểm soát đã kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm.