chi tiêu ngân sách

“Các bộ, ngành, địa phương khi được phân bổ ngân sách thực hiện các nhiệm vụ chi phải có trách nhiệm quản lý chi đúng mục tiêu, quy định và hiệu quả, chứ không thể dồn trách nhiệm quản lý chi tiêu ngân sách lên “vai” Bộ Tài chính”.

PV: Thưa ông, tốc độ thu NSNN bình quân những năm qua luôn tăng khoảng 11 - 12% mỗi năm, nhưng bên cạnh đó chi tiêu cũng tăng mạnh, bình quân tăng 13 - 14%, điều này dẫn đến NSNN luôn trong tình trạng căng thẳng. Ông đánh giá thế nào về việc thực hiện kỷ luật kỷ cương tài chính - NSNN, nhất là tình trạng chi tiêu ngân sách thời gian qua?

Ông Trần Du Lịch
Ông Trần Du Lịch
- Ông Trần Du Lịch:
Theo nhìn nhận của tôi, thời gian qua Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đã đưa ra những quyết sách quyết liệt trong điều hành tài chính - NSNN, trong đó đặc biệt chú ý đến thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật chi tiêu ngân sách. Nhưng trên thực tế, việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật ngân sách của chúng ta còn rất kém. Qua các cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cho thấy, chi tiêu vô tội vạ ở nhiều bộ máy công quyền.

Nhiều cơ quan vẫn chi những khoản tiếp khách, giao lưu học tập, nghiên cứu kinh nghiệm, sơ kết, tổng kết, kỷ niệm ngành, đi nước ngoài… gây tốn kém cho ngân sách. Đặc biệt, thâm hụt ngân sách một phần cũng là do chúng ta phải chi quá nhiều để nuôi bộ máy công chức, viên chức cồng kềnh; bao cấp, trợ cấp quá nhiều tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp… Một số cơ quan phân bổ nhân sự không hợp lý, không quy trách nhiệm đến cùng dẫn đến hiệu quả công việc thấp, nhưng chi tiêu cho nhân lực lại lớn gấp nhiều lần, do công vụ chồng chéo. Thậm chí, mỗi khi ban hành luật mới lại “đẻ” thêm tổ chức quản lý. Từ những chi tiêu của cả bộ máy của chúng ta hiện nay, tôi rất chia sẻ với Bộ Tài chính luôn ở thế khó trong việc cân đối các nguồn chi lương, chi an sinh xã hội, đầu tư phát triển và các nguồn chi khác…

PV: Vậy theo ông, giải pháp căn cơ nào để “giải bài toán” thu chi ngân sách và kỷ cương, kỷ luật NSNN được giữ nghiêm?

- Ông Trần Du Lịch: Theo tôi, cần phải cải cách một cách căn bản về ngân sách trên một số giác độ. Một là cải cách nguồn thu, phải chuyển dần từ thuế gián thu sang thuế trực thu, cơ cấu những nguồn thu ổn định. Ví dụ, tôi đề nghị phải tính toán thuế bất động sản đối với những người có 2, 3 căn nhà ở đô thị, để chính quyền các đô thị có ngân sách. Đây là cách nhiều nước áp dụng.

Thứ hai là phải chống thất thu, tạo công bằng trong việc thu thuế. Việc này ngành Tài chính vẫn đang tích cực triển khai thực hiện.

Ba là về cơ cấu chi, không thể chấp nhận tình trạng thu chỉ đủ chi thường xuyên, còn đầu tư, trả nợ phải đi vay, như vậy ngân sách không thể ổn định. Để giảm chi thường xuyên, trước hết phải tinh giản bộ máy, qua đó giảm chi về lương. Với bộ máy hiện nay, ngân sách không thể “kham” được.

Thứ tư, đối với đơn vị sự nghiệp y tế, giáo dục, phải thay đổi hoàn toàn cơ chế quản trị. Ví dụ, về y tế, Nhà nước nên lo về y tế dự phòng, còn các bệnh viện quản lý theo định chế công, phi lợi nhuận, tính đúng tính đủ chi phí. Nhà nước trợ cấp cho người nghèo thông qua cấp bảo hiểm y tế, còn người có tiền sẽ tự mua bảo hiểm, hoặc tự trả phí.

PV: Thưa ông, việc quản lý chi NSNN ngoài trách nhiệm của Bộ Tài chính theo phân cấp quản lý NSNN được quy định tại Luật NSNN, còn những cơ quan nào phải chịu trách nhiệm?

- Ông Trần Du Lịch: Bộ Tài chính là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý điều hành thu, chi NSNN theo đúng quy định của pháp luật (Luật NSNN, Luật Quản lý nợ công, Luật Quản lý tài sản công…). Hàng năm, việc thu, chi như thế nào đều thực hiện theo dự toán được Chính phủ, Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, các bộ, ngành, địa phương khi được phân bổ ngân sách thực hiện các nhiệm vụ chi cũng phải có trách nhiệm quản lý chi đúng mục tiêu, quy định và hiệu quả, chứ không thể dồn trách nhiệm quản lý chi tiêu ngân sách lên “vai” Bộ Tài chính.

Thực tế quy định đã rõ, bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân nào vi phạm trong quản lý NSNN gây thất thoát, lãng phí thì xử lý nghiêm theo pháp luật.

Chúng ta duy trì quá lâu thể chế “ngân sách nhà nước lồng ghép giữa trung ương và địa phương”, mà thiếu cơ chế phân quyền rạch ròi về NSNN. Cụ thể là không phân định ngân sách địa phương và ngân sách trung ương. Dù một đồng chi cho địa phương nào, nhưng về bản chất thuộc nguồn ngân sách trung ương (quốc gia) thì Quốc hội phân bổ và giám sát, nhưng dù một đồng về bản chất thuộc nguồn ngân sách địa phương thì thuộc quyền của HĐND cấp tỉnh chịu trách nhiệm phân bổ và giám sát.

Về kỷ luật chi, có một nguyên tắc cứng là không được chi bất cứ đồng nào, nếu không nằm trong dự toán được phê duyệt, dù có sẵn nguồn thu. Trên nguyên tắc đó, ai vi phạm phải chế tài nghiêm. Chúng ta mới xử lý người “tư túi” tiền công quỹ, chứ chưa xử lý người chi sai, mà không “tư túi”. Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước là tiền của dân, nên vấn đề minh bạch trong thu chi, trách nhiệm giám sát của các cơ quan dân cử phải được đề cao.

PV: Xin cảm ơn ông!

Huyền Trang (thực hiện)