Đã giảm cả lãi, phí khoảng gần 40.000 tỷ đồng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã nêu, chương trình này là các chính sách bổ sung ngoài khuôn khổ Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm cũng như thực hiện đề án tái cơ cấu của nền kinh tế trong 5 năm.

Vì vậy, trong quá trình thiết kế chính sách, Chính phủ đã cân nhắc hết sức kỹ lưỡng trên cơ sở đánh giá tổng thể và dư địa của các chính sách trong các chương trình. Theo đó, khi triển khai Chương trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, Chính phủ đã trình các cấp có thẩm quyền cho sử dụng dư địa của chính sách tiền tệ.

Triển khai gói hỗ trợ, sẽ giảm lãi suất từ 0,5% - 1% trong 2 năm
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: Sẽ giảm 0,5% - 1% lãi suất trong 2 năm. Ảnh: TL.

“Bởi vậy, trong chương trình này, dư địa chính sách tiền tệ ít và chủ yếu là dựa vào chính sách tài khóa”, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Làm rõ thêm, theo Thống đốc NHNN, yêu cầu khi thực hiện chương trình này là phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Chính phủ đã cân nhắc kỹ lưỡng để bảo đảm sự linh hoạt của chính sách tiền tệ.

Đối với vấn đề giảm lãi suất, đây là vấn đề mà doanh nghiệp và đại biểu Quốc hội rất quan tâm. Đối với ngành Ngân hàng đây cũng được coi là một nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành. Ngay sau khi dịch Covid-19 bùng phát, NHNN đã tập trung giảm nhanh 3 lần so với lãi suất điều hành cũng như chỉ đạo các tổ chức tín dụng điều tiết tiền tệ để giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong năm 2020 là khoảng 1%, vào năm 2021 tiếp tục giảm khoảng 0,8%.

“Thực tế NHNN cũng động viên, khuyến khích, kêu gọi các tổ chức tín dụng miễn, giảm lãi vay và giảm các loại phí. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã giảm cả lãi, phí đạt khoảng gần 40.000 tỷ đồng từ chính nguồn tài chính của các tổ chức tín dụng để hỗ trợ cho doanh nghiệp, của người dân”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết thêm.

Nỗ lực giảm lãi suất trong bối cảnh khó khăn

Người đứng đầu ngành Ngân hàng cũng thừa nhận một thực tế rằng, trong bối cảnh hiện nay, lạm phát trên thế giới có xu hướng gia tăng và các ngân hàng trung ương trên thế giới đã bắt đầu thu hẹp chính sách tiền tệ, tăng lãi suất.

“Trước thực thế đó, nền kinh tế của chúng ta đặt ra yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất thì đây là một vấn đề khó khăn. Tuy nhiên, trong xây dựng Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội lần này Chính phủ cân nhắc đưa ra giải pháp phấn đấu hệ thống các tổ chức tín dụng giảm từ 0,5% - 1% lãi suất trong 2 năm”, bà Nguyễn Thị Hồng nói.

Theo Thống đốc, trong thời gian tới, NHNN sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung nguồn lực cho các nhóm đối tượng phù hợp, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, khắc phục những hạn chế của những gói hỗ trợ trước.

“Về vấn đề huy động nguồn lực đòi hỏi sự phối hợp rất chặt chẽ của chính sách tiền tệ đối với chính sách tài khóa”, bà Nguyễn Thị Hồng cho hay.

Đối với vấn đề tăng vốn điều lệ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước đó có đại biểu cho rằng, sự cần thiết tăng vốn của ngân hàng này cũng như các ngân hàng thương mại nhà nước có vốn nhà nước chi phối là cần thiết. "Trong chương trình này, chúng tôi đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước để nuôi dưỡng nguồn thu", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng giải thích.

Trên thực tế, chương trình hỗ trợ đã đưa ra giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, sẵn sàng điều chỉnh, thích ứng với diễn biến thị trường là phù hợp để vừa hỗ trợ triển khai chương trình, nhưng vẫn phải bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Được biết, trong năm 2020-2021, nhiều giải pháp chính sách tiền tệ - tín dụng được triển khai quyết liệt, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, nền kinh tế vượt qua khó khăn của dịch bệnh như: giảm 1,5-2%/năm các mức lãi suất; cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ trên 600 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm lãi suất cho 3,87 triệu tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng; cho vay tái cấp vốn lãi suất 0% để hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ… Đồng thời, duy trì thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dồi dào nhưng không làm tăng lạm phát./.