Trong khó khăn càng đòi hỏi năng lực, bản lĩnh của những người làm báo
Phóng viên tác nghiệp tại bệnh viện đưa tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19, tháng 2/2020. Ảnh: TL

PV: Thưa ông, nhìn lại 3 năm qua, kinh tế - xã hội trong nước và thế giới chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, ông đánh giá như thế nào về những đóng góp của báo chí trong công cuộc phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế đất nước thời gian qua?

Trong khó khăn càng đòi hỏi năng lực, bản lĩnh của những người làm báo
Ông Nguyễn Đức Lợi

Ông Nguyễn Đức Lợi: Đại dịch Covid-19 vừa qua là thời gian rất khó khăn cho cả xã hội, cho cả người dân. Trong khó khăn đó đã nổi bật được vai trò của báo chí. Lực lượng phóng viên, những người làm báo trở thành những lực lượng tiên phong, đi đầu trong cuộc chiến chống lại Covid-19.

Chúng ta đã thấy tấm gương rất nhiều nhà báo, cơ quan báo chí thể hiện được vai trò dấn thân đi vào những vùng sâu, xa, nguy hiểm, các trung tâm y tế, bệnh viện nơi điều trị bệnh nhân Covid-19 để có những thông tin phản ánh hơi thở cuộc sống. Thậm chí có những nhà báo đã nhiễm bệnh vì sự dấn thân đó.

PV: Bên cạnh những đóng góp to lớn của báo chí được ghi nhận, cũng phải thẳng thắn thấy rằng, hoạt động của báo chí bộc lộ không ít mặt hạn chế. Đó là hiện tượng một số tờ báo xa rời tôn chỉ mục đích, ép doanh nghiệp làm quảng cáo..., thậm chí đã có phóng viên, nhà báo bị pháp luật xử lý. Xin ông cho biết nguyên nhân, thực trạng của những tồn tại, hạn chế của báo chí thời gian qua?

Ông Nguyễn Đức Lợi: Bên cạnh thành tích, hoạt động báo chí cũng xuất hiện một số hiện tượng tiêu cực, phản cảm gây ra tác động xấu đến xã hội, gây tổn hại đến uy tín của giới báo chí. Biểu hiện nhiều nhất là vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Xảy ra tình trạng nêu trên có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất là sự buông lỏng quản lý của cơ quan chủ quản, lãnh đạo các cơ quan báo chí và thiếu rèn luyện, tu dưỡng các phóng viên, nhà báo vì những lợi ích tầm thường trước mắt mà dẫn đến hành vi không đáng có.

Thứ hai là thời gian vừa qua, đời sống của những người làm báo gặp khó khăn, nhất là sau đại dịch Covid-19. Nguồn thu của các cơ quan báo chí bị thu hẹp do khó khăn chung của nền kinh tế. Nên cũng có phóng viên, nhà báo, cơ quan báo chí đã có những hành vi vi phạm bất chấp đạo đức, pháp lý.

PV: Hội Nhà báo Việt Nam cũng như các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí cần có những giải pháp gì để phòng ngừa, ngăn chặn các tiêu cực trong tương lai; đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của phóng viên trước sự đe dọa trong quá trình tác nghiệp điều tra, phanh phui các vụ việc tiêu cực, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Lợi: Tôi cho rằng bất luận lý do gì thì vi phạm đạo đức và vi phạm pháp luật cũng cần phải bị xử lý nghiêm khắc và có những biện pháp ngăn ngừa vi phạm.

Hội Nhà báo Việt Nam với tư cách và vai trò của mình trước hết là thực hiện các biện pháp giáo dục về chính trị, tư tưởng, đạo đức. Trên thực tế, hội đã ban hành các văn bản đề nghị người làm báo thực hiện theo Luật Báo chí, ban hành 10 điều đạo đức về nghề nghiệp người làm báo, đặc biệt vừa qua hội đã ban hành văn bản thực hiện quy tắc ứng xử của người làm báo trên mạng xã hội. Gần đây Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông phát động phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí.

Thời gian qua, trong một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng, Hội Nhà báo cũng có một số chế tài như phê bình cảnh báo đến các hội viên, các tổ chức hội, thậm chí thu hồi thẻ và khai trừ hội viên Hội Nhà báo.

Không chỉ quan tâm đến phòng ngừa vi phạm của người làm báo, Hội Nhà báo Việt Nam luôn quan tâm, bảo vệ quyền lợi chính đáng của phóng viên, nhà báo trước sự đe dọa trong quá trình tác nghiệp điều tra, phanh phui các vụ việc tiêu cực. Khi có sự việc xảy ra, hội nhanh chóng tìm hiểu sự việc, có văn bản gửi sang cơ quan chính quyền, cơ quan chức năng, kể cả sang cơ quan công an yêu cầu có biện pháp bảo vệ thân thể, tính mạng cho nhà báo. Sau đó, Ban Kiểm tra Hội Nhà báo sẽ có hành động đề nghị, phối hợp với cơ quan cụ thể nhằm giải quyết đến cùng vụ việc liên quan đến quyền lợi nhà báo khi tác nghiệp...

PV: Hoạt động báo chí, truyền hình, phát thanh hiện đang phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ của các loại hình truyền thông mới, mạng xã hội... Xin ông có thể chia sẻ những định hướng, giải pháp mà báo chí phải hướng tới, cần thực hiện để bắt nhịp xu thế phát triển mới?

Ông Nguyễn Đức Lợi: Hoạt động báo chí hiện nay rất thách thức. Đó là vừa phải làm tốt vai trò chức năng, công cụ thông tin, tuyên truyền của Đảng, Nhà nước vừa thực hiện đúng tôn chỉ mục đích của mình, đồng thời lại phải đảm bảo được đời sống vật chất tinh thần cho anh em làm báo. Điều này đòi hỏi khả năng bản lĩnh của lãnh đạo cơ quan báo chí và bản lĩnh của những người làm báo.

Tôi nghĩ cũng cần phải tăng cường công tác quản lý của các cơ quan chủ quan, cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu cơ quan báo chí.

Đồng thời, cơ quan báo chí đang đau đáu vấn đề phát triển báo chí số để bắt kịp xu thế phát triển mới. Theo tôi, chuyển đổi số là nhiệm vụ của toàn xã hội hiện nay, bộ, ngành, cơ quan nào cũng tích cực thực hiện mục tiêu này, báo chí không thể đứng ngoài cuộc. Phương thức tiếp nhận thông tin hiện nay đã khác xưa rất nhiều, báo chí nếu không đẩy mạnh chuyển đổi số thì không thể theo kịp sự phát triển hiện nay.

Tuy nhiên, nói đến chuyển đổi số không thể chỉ là hô hào chung chung. Theo tôi, mỗi cơ quan báo chí, tùy chức năng nhiệm vụ của mình, quy mô của mình để lựa chọn phương thức chuyển đổi số phù hợp. Chuyển đổi số là nhu cầu, xu thể không thể đảo ngược được, nhưng chuyển đổi số thế nào thì tùy thuộc vào mục tiêu phát triển và nguồn lực tài chính, phù hợp với chức năng, quy mô.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hỗ trợ nguồn lực cho cơ quan báo chí hoạt động bền vững

"Với vai trò của mình, Hội Nhà báo Việt Nam đã có nhiều khuyến nghị đến Đảng, Nhà nước, các cơ quan quản lý nhà nước để làm thế nào hỗ trợ cho cơ quan báo chí, các phóng viên trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Thời gian qua, cơ quan quản lý nhà nước đã thực hiện quyết liệt việc quy hoạch lại báo chí, tuy nhiên hiệu quả đến đâu còn phải bàn nhiều. Nhưng đây vẫn là những biện pháp để ngăn ngừa, xử lý những trường hợp vi phạm đạo đức cũng như vi phạm pháp luật" - ông Nguyễn Đức Lợi.