Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm gian hàng Nấm Lim xanh do TS.Nguyễn Thị Hồng Gấm cùng các sinh viên trường Đại học Lâm nghiệp nghiên cứu trong bối cảnh dịch Covid-19.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm gian hàng nấm Lim xanh do TS. Nguyễn Thị Hồng Gấm cùng các sinh viên trường Đại học Lâm nghiệp nghiên cứu trong bối cảnh dịch Covid-19.

PV: Phát triển kinh tế rừng mang lại nhiều lợi ích kinh tế, đảm bảo đời sống người dân ở các vùng trồng rừng. Là chuyên gia về lĩnh vực này, xin bà đánh giá cụ thể về lợi ích mà rừng đem lại?

TS. Nguyễn Thị Hồng Gấm: Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc là 45,58% (tăng 0,17% so với năm 2022). Tại Việt Nam, rừng được phân loại theo mục đích sử dụng (quản lý), gồm: Rừng đặc dụng chiếm 15,5% (các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo tồn loài – sinh cảnh) được duy trì cho mục đích bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học. Rừng phòng hộ chiếm 33%, được duy trì cho các chức năng phòng hộ ở các lưu vực đầu nguồn hoặc ven biển. Rừng sản xuất chiếm 53,4 %, được sử dụng để cung cấp gỗ và cung cấp vật liệu khác trong sản xuất và chế biến lâm sản, sản xuất giấy, đem tới công ăn việc làm, sinh kế, của cải cho người dân.

Ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo tồn và phát triển rừng tại Việt Nam
TS. Nguyễn Thị Hồng Gấm

Rừng cung cấp nguồn dược liệu quý, nguồn thực phẩm dinh dưỡng phục vụ đời sống con người như thảo quả, tam thất, nấm hương, các loại lá…; cung cấp nguyên liệu, lương thực chế biến thực phẩm.

Rừng tạo nên cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, mát mẻ, độc đáo… để quốc gia phát triển du lịch. Đặc biệt, rừng là nguồn thu nhập chủ yếu của đồng bào dân tộc miền núi. Tài nguyên rừng là cơ sở quan trọng trong việc phân bổ dân cư, điều tiết lao động trong xã hội.

PV: Mặc dù rất quan trọng với đời sống kinh tế - xã hội, song một thực tế hiện nay là tỷ lệ bao phủ rừng đang thấp dần. Công tác bảo tồn, phát triển rừng, đặc biệt là thực vật trở nên hết sức quan trọng. Bà đánh giá như thế nào về điều này?

TS. Nguyễn Thị Hồng Gấm: Theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2022-2025, cả nước trồng bình quân 204,5 triệu cây/năm, ổn định tỷ lệ rừng che phủ toàn quốc. Tuy nhiên, kết quả công tác bảo tồn, phát triển rừng còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, phổ biến hiệu quả chưa cao. Ngân sách nhà nước, đầu tư xã hội cho hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển rừng còn hạn chế. Chưa khai thác hiệu quả, bền vững giá trị của hệ sinh thái rừng.

Việc thực hiện các giải pháp trồng rừng, phục hồi rừng, nâng cao chất lượng rừng, hạn chế suy thoái rừng chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn đến xói mòn, lũ lụt, sạt lở đất... ngày càng tăng khiến cho tỷ lệ bao phủ rừng đang thấp dần.

Việc ứng dụng công nghệ sinh học để giảm tỷ lệ diện tích rừng tự nhiên nghèo, tăng tỷ lệ diện tích rừng tự nhiên trung bình và giàu; nâng cao hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học và năng lực phòng hộ; nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, tính bền vững của rừng trồng và cây trồng nông nghiệp… là vô cùng cần thiết.

PV: Theo bà, tại Việt Nam hiện nay, việc ứng dụng của công nghệ sinh học trong bảo tồn và phát triển thực vật rừng đang được triển khai như thế nào?

TS. Nguyễn Thị Hồng Gấm: Ở Việt Nam đã có nhiều ứng dụng của công nghệ sinh học trong bảo tồn và phát triển thực vật rừng được các cơ quan nghiên cứu áp dụng. Một số ứng dụng cụ thể như:

Ứng dụng công nghệ tế bào thực vật để nhân giống tạo ra nhiều cây nuôi cấy mô, không những giúp bảo tồn những cây quý hiếm mà còn phát triển nghề trồng rừng từ cây nuôi cấy mô - tế bào thực vật.

Ứng dụng công nghệ nuôi cấy cứu phôi non của những loài cây quý hiếm mà trong tự nhiên chúng hạn chế sinh sản.

Ứng dụng công nghệ nuôi cấy phôi hạt của những loài khó sinh sản trong tự nhiên bằng hạt để duy trì mức độ đa dạng loài của chúng (như nuôi cấy phôi hạt các loài lan - vì trong tự nhiên hạt lan chỉ có phôi mà không có nội nhũ nên rất khó nảy mầm trong tự nhiên).

Ứng dụng công nghệ chuyển gen để tạo ra những giống cây mới, gia tăng mức độ đa dạng loài trong tự nhiên, có khả năng kháng sâu bệnh, chống chịu được những điều kiện bất lợi của môi trường như khô hạn, mặn...

Ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo tồn và phát triển rừng tại Việt Nam
Việt Nam đã có nhiều ứng dụng của công nghệ sinh học trong bảo tồn và phát triển thực vật rừng được các cơ quan nghiên cứu áp dụng.

Ứng dụng chỉ thị phân tử để xác định đa dạng di truyền thực vật rừng như DNA barcode, ISSR,... Ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gen và công nghệ điều khiển hoạt động của gen để tạo ra những giống cây kháng sâu bệnh, …

Ứng dụng công nghệ vi sinh để tạo ra các chế phẩm sinh học như phân bón sinh học, thuốc trừ sâu bệnh sinh học... Ví dụ chế phẩm EM, chế phẩm thuốc trừ sâu Bt… sẽ hạn chế việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu bệnh hóa học góp phần bảo tồn đa dạng sinh học cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chế phẩm sinh học được tạo ra để kích thích tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao từ thực vật rừng, như chế phẩm sinh học kích thích tạo trầm hương trên cây dó bầu.

Ngoài ra, chúng ta đang áp dụng công nghệ nuôi trồng nấm sử dụng thân cây gỗ và mùn cưa cây gỗ thu được qua quá trình tỉa thưa rừng trồng cũng như cành ngọn cây gỗ sau khai thác gỗ, giúp gia tăng hiệu quả kinh tế từ rừng. Ứng dụng công nghệ sinh học trong các công nghệ chế biến và bảo quản các sản phẩm từ thực vật rừng.

PV: Xin bà nói chia sẻ thêm về một số ứng dụng công nghệ sinh học nổi bật nhất trong bảo tồn và phát triển thực vật rừng ở Việt Nam?

TS. Nguyễn Thị Hồng Gấm: Cho đến nay ngành công nghệ sinh học phát triển ở Việt Nam mới được hơn 20 năm. Vì vậy so với thế giới, ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo tồn và phát triển thực vật rừng ở Việt Nam còn khá khiêm tốn. Tuy nhiên, cũng có một số ứng dụng nổi bật, như:

"Quá trình nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong phát triển, bảo tồn hệ thực vật rừng gặp rất nhiều khó khăn. Phải kể đến đầu tiên là thực vật rừng nhưng chủ yếu là cây sinh trưởng khá chậm và có vòng đời dài, vì thế cần nhiều kinh phí và nhiều thời gian để thực hiện các nghiên cứu, có thể kéo dài thời gian nghiên cứu tới 10 - 20 năm, trong khi đó kinh phí và thời gian của đề tài nghiên cứu các cấp thường chỉ cho 4 - 5 năm. Như vậy cần có ít nhất 2 - 3 đề tài nối tiếp nhau liên tục cho một vấn đề nghiên cứu ứng dụng thì mới cho kết quả tốt. Điều này đòi hỏi nhóm nghiên cứu cũng như cơ quan chủ quản cấp kinh phí cần có lộ trình nghiên cứu dài hạn.

Khó khăn nữa là nhiều loài thực vật rừng phân bố ở những nơi có địa hình đi lại rất vất vả, leo rừng lội suối đến vài ngày, nên cũng hạn chế cho việc nghiên cứu ứng dụng."

TS. Nguyễn Thị Hồng Gấm

Ứng dụng công nghệ tế bào thực vật để nhân giống tạo ra nhiều cây nuôi cấy mô; ứng dụng công nghệ nuôi cấy phôi hạt của những loài khó sinh sản trong tự nhiên bằng hạt; ứng dụng chỉ thị phân tử để xác định đa dạng di truyền thực vật rừng như DNA barcode, ISSR…; ứng dụng công nghệ chuyển gen để tạo ra những giống cây mới; ứng dụng công nghệ vi sinh để tạo ra các chế phẩm sinh học như phân bón sinh học, thuốc trừ sâu bệnh sinh học; công nghệ nuôi trồng nấm ăn và nấm dược liệu.

PV: Theo bà, giải pháp nào để đạt được hiệu quả cao trong công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học như kỳ vọng?

TS. Nguyễn Thị Hồng Gấm: Tôi hiện đang là giảng viên chuyên môn về công nghệ sinh học của trường Đại học Lâm Nghiệp và cũng là một trong những cán bộ đã và đang triển khai thực hiện đề tài cấp Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) “Nghiên cứu phục tráng và phát triển nguồn gen nấm Lim (Ganoderma lucidum (Leyss. Ex Fr.) Karst.) tạo sản phẩm OCOP” sử dụng thân cây gỗ và mùn cưa cây gỗ thu được qua quá trình tỉa thưa rừng trồng cũng như cành ngọn cây gỗ sau khai thác gỗ, giúp làm gia tăng hiệu quả kinh tế từ rừng.

Nhà nước, Bộ NN&PTNT, các đơn vị nghiên cứu về lĩnh vực này cần đầu tư nghiên cứu để có bộ giống cây rừng năng suất cao, đa dạng chủng loài, có khả năng kháng sâu bệnh tốt, trong đó ưu tiên nghiên cứu tạo giống gỗ lớn, cây bản địa, lâm sản ngoài gỗ.

Chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông tin, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật giống gốc cho các đơn vị sản xuất giống, đặc biệt kỹ thuật nhân giống bằng công nghệ mới, có các mô hình giống tốt phối hợp với kỹ thuật lâm sinh tiên tiến phù hợp để nhân rộng. Bên cạnh đó cũng cần có cơ chế chính sách tăng cường gắn kết giữa nghiên cứu và sản xuất (mô hình viện - trường, viện nghiên cứu và doanh nghiệp).

PV: Xin cảm ơn bà!