Ứng dụng xác thực sinh trắc, tiết kiệm thời gian, chi phí bảo hiểm
Áp dụng sinh trắc vân tay khi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện An Việt (Hà Nội). Ảnh: BHXHVN

Tiết kiệm cho người bệnh đến 4.500 tỷ đồng/năm

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã triển khai thí điểm tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại cơ sở KCB và tại cơ quan BHXH. Việc thí điểm tại cơ sở KCB được thực hiện tại 2 địa phương là Hà Nội và Quảng Bình, từ cuối năm 2022. Tuy thời gian thí điểm chưa dài, nhưng lợi ích từ việc ứng dụng này mang lại không hề nhỏ cho cả 3 bên: người bệnh, cơ sở y tế và cơ quan BHXH.

Đối với cơ sở y tế, trước đây, cán bộ y tế khi tiếp đón bệnh nhân phải qua tối thiểu 4 bước. Đến nay, khi ứng dụng công nghệ sinh trắc học, việc đón tiếp đã được rút gọn xuống còn 2 bước. Điều này giúp giảm bớt nhân viên, cán bộ y tế trực tại bộ phận đón tiếp, khi chỉ cần 1 người hỗ trợ cho tất cả các quầy xác thực. Qua đó, giảm thời gian, áp lực, hiện tượng ùn tắc cho cơ sở y tế tại bộ phận đón tiếp. Theo tính toán, trung bình 1 buổi cơ sở y tế đẩy nhanh tiết kiệm được tổng thời gian đón tiếp từ 1 - 1,5 giờ.

Khi áp dụng công nghệ sinh trắc học trong KCB BHYT, người dân tự check in và tự xác thực sinh trắc nên người bệnh được phân luồng sớm hơn, giảm tối đa thời gian, các loại giấy tờ khi làm thủ tục KCB. Qua đó, chi phí tuân thủ, di chuyển được tiết kiệm, đảm bảo công bằng trong việc lấy số thứ tự KCB. Thời gian làm thủ tục KCB được rút ngắn từ 10 - 15 phút/điểm trước kia, xuống chỉ còn 6 - 15 giây/điểm. BHXH Việt Nam cho biết, nếu triển khai đầy đủ trong tương lai có thể tiết kiệm cho người bệnh 4.500 tỷ đồng/năm. Trong thời gian triển khai thí điểm, đã có 10.115 lượt xác thực sinh trắc khi đi KCB BHYT thành công.

Đối với cơ quan BHXH, việc áp dụng công nghệ sinh trắc đã khắc phục tình trạng mượn thẻ BHYT, căn cước công dân (CCCD) khi đi KCB, giúp tiết kiệm chi phí in ấn thẻ BHYT… Điều này, cũng giúp cơ quan BHXH quản lý chặt chẽ, chính xác, phục vụ tốt công tác giám định, kiểm tra, thanh tra trên môi trường điện tử, hạn chế gian lận, trục lợi trong khám chữa bệnh BHYT với khoảng 170 triệu lượt KCB BHYT/năm.

Ngăn ngừa và hạn chế trục lợi chính sách bảo hiểm

Không những ứng dụng sinh trắc vân tay trong KCB, hiện BHXH Việt Nam còn đang phối hợp với Bộ Công an triển khai các công nghệ xác thực sinh trắc dựa trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên CCCD gắn chip và trên dữ liệu của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, để hạn chế và ngăn chặn trục lợi khi đóng, hưởng các chế độ BHXH; tiếp nhận và giải quyết TTHC. Hiện việc thí điểm đang được thực hiện tại bộ phận một cửa của BHXH tỉnh Bình Dương và BHXH quận Đống Đa, Hà Nội.

Kết quả bước đầu cho thấy, việc giải quyết TTHC liên quan đến BHXH đã rất nhanh gọn, đảm bảo chính xác, tránh trục lợi. Trước đây, cán bộ bộ phận một cửa kiểm tra CCCD khó xác định thật, giả nhưng hiện nay, người dân thực hiện sinh trắc đã đảm bảo xác thực được chính xác danh tính của người dân khi đến nộp và giải quyết hồ sơ. Khi sử dụng, CCCD được lưu lại phục vụ công tác quản lý, tra cứu sau này. Bên cạnh đó, việc tích hợp xác thực sinh trắc vân tay vào khâu tiếp nhận hồ sơ giải quyết TTHC còn giúp cơ quan BHXH phát hiện kịp thời và hạn chế tình trạng gian lận, giả mạo giấy tờ để trục lợi.

Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, với hơn 11 triệu người dân hưởng các chế độ BHXH mỗi năm thì việc triển khai xác thực sinh trắc học trên CCCD gắn chip trong tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC là rất ý nghĩa, vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân, vừa tiết kiệm chi phí và tăng cường quản lý của các cơ quan, chống lãng phí, trục lợi.

Chia sẻ về Ứng dụng công nghệ sinh trắc trên CCCD gắn chip trong tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC, bà Lê Minh Lý - Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương cho biết, từ tháng 11/2022, BHXH tỉnh Bình Dương được chọn thực hiện thí điểm ứng dụng công nghệ sinh trắc trên CCCD gắn chip trong tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC và thí điểm “Tiện ích đặt lịch làm việc trực tuyến”.

Tính từ khi bắt đầu triển khai thí điểm đến nay, có khoảng 20.000 người đến nộp hồ sơ tại bộ phận “một cửa” được xác thực sinh trắc, trong đó, 100% các trường hợp đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng BHXH một lần, cấp lại sổ, ghép - gộp sổ đều được yêu cầu thực hiện sinh trắc. Qua thực hiện sinh trắc, đã phát hiện 3 trường hợp nghi ngờ sử dụng CCCD gắn chíp giả để làm hồ sơ hưởng BHXH một lần. Về thí điểm Tiện ích đặt lịch làm việc trực tuyến, tính từ khi triển khai đến nay, đã có gần 6.000 lượt đặt lịch làm việc trực tuyến thành công, giảm được 1.500 giờ tiếp đón thông qua đặt lịch làm việc trực tuyến…

Báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy, từ cuối tháng 11/2022 đến nay, qua quá trình thực hiện sinh trắc trong giao dịch thủ tục hành chính, cơ quan BHXH tại Bình Dương đã phát hiện 3 trường hợp nghi ngờ sử dụng thẻ căn cước công dân giả để làm hồ sơ hưởng BHXH một lần.