KTDQ

Đối thoại chính sách với chủ đề: "Những vấn đề kinh tế trong chính sách và luật pháp đất đai ở Việt Nam", diễn ra tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Ảnh: H.Y

Sáng 17/1, Trường Đại học (ĐH) Kinh tế quốc dân đã phối hợp cùng Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tọa đàm đối thoại chính sách với chủ đề: "Những vấn đề kinh tế trong chính sách và luật pháp đất đai ở Việt Nam".

Tăng hiệu quả nguồn lực đất đai bằng công cụ chính sách

Tiếp nối các cuộc tọa đàm chính sách hàng quý, nội dung cuộc tọa đàm này tập trung về các vấn đề kinh tế trong chính sách và luật pháp đất đai ở Việt Nam, đứng từ các góc nhìn khác nhau từ các bên liên quan, từ đó sẽ đóng góp vào quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai sắp tới.

Theo PGS.TS Tô Trung Thành (ĐH Kinh tế quốc dân), quản lý nhà nước về kinh tế đất được coi như linh hồn của quản lý nhà nước về đất đai trong cơ chế thị trường, để nguồn tài nguyên đất thực sự trở thành động lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo hài hoà lợi ích, tăng nguồn thu ngân sách, thúc đẩy sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn lực đất đai.

Ở Việt Nam, các chính sách kinh tế đất nói chung và huy động nguồn thu từ đất cho phát triển nói riêng đã liên tục được điều chỉnh, tạo chuyển biến tích cực trong quản lý nhà nước về đất đai; các khoản thu từ đất đã trở thành một nguồn thu quan trọng cho nhiều địa phương để đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vai trò quản lý nhà nước về kinh tế đất và các chính sách kinh tế đất ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, là nguyên nhân căn bản không chỉ làm thất thoát nguồn thu từ đất mà còn tạo nên những bất cập trong công tác quản lý đất đai.

PGS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, có rất nhiều bất cập trong thu hồi, đền bù, quản lý đất đai. Chẳng hạn, với các dự án, người dân thường không hài lòng với việc đền bù của nhà đầu tư vì cho rằng nhà đầu tư hưởng lợi nhiều, trong khi nhà đầu tư cho rằng họ phải bỏ nhiều chi phí để có cơ sở hạ tầng… Hay những bất cập trong quản lý chuyển đổi đất, bán tài sản công hoặc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước cũng là vấn đề nóng được dư luận quan tâm.

Vấn đề ở đây là cần giải quyết các mâu thuẫn này bằng công cụ luật pháp để đất đai thực sự là nguồn lực phát triển. Trong đó, PGS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh vai trò quản lý nhà nước trong điều tiết quyền lợi đất đai phải được coi trọng hơn nữa.

Đơn cử như, khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất làm tăng mức sinh lợi thì quyền chuyển đổi thuộc về Nhà nước và lợi ích mới cũng phải thuộc về Nhà nước. Đây cũng là vấn đề đang có nhiều mâu thuẫn lâu nay, nhất là trong thu hồi đất nông nghiệp.

Theo PGS.TS Hoàng Văn Cường, khi người có đất đang sử dụng làm nông nghiệp bị thu hồi thì phải được đền bù theo giá đất nông nghiệp, còn người nhận đất làm đô thị thì phải trả tiền sử dụng đất theo giá đất đô thị, thay vì đưa ra mức giá đền bù "lưng chừng". Khi đó, chênh lệch địa tô mới khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất thuộc về Nhà nước.

Một bất cập nữa liên quan đến thu hồi đất đai là Nhà nước chỉ thu hồi những dự án công cộng, còn các dự án khác nhà đầu tư và người dân tự thoả thuận. Như vậy vai trò của Nhà nước trong quản lý đất đai, trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất không còn nữa. Điều này vừa gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong thoả thuận dự án, mặt khác cũng tạo ra bất bình đẳng giữa các dự án được đầu tư sinh lợi, đền bù giá cao với các dự án thu hồi đất với mục đích công cộng, đền bù thấp hơn. "Luật Đất đai cần nghiên cứu để có xử lý thoả đáng những vấn đề này" - ông Hoàng Văn Cường đề nghị.

Vẫn còn tư duy bao cấp trong chính sách kinh tế đất đai

Tham gia ý kiến về vấn đề này, GS.TS Đặng Hùng Võ cho biết nguồn lực chủ yếu cho phát triển trong giai đoạn tích luỹ tài chính ban đầu của các quốc gia đều là đất đai dưới dạng đất công và thuế đất. Các nước có nền kinh tế chuyển đổi có cơ hội lớn trong tận dụng giá trị cao nhất của đất đai khi chuyển đổi đất công theo giá thị trường, tuy nhiên ở hầu hết các nước đều xảy ra tình trạng thất thoát lớn.

Với Việt Nam, GS Đặng Hùng Võ cũng chỉ ra rằng phần lớn các "đại gia" đều bắt đầu làm giàu từ đất đai. Dù đã được cải thiện qua những lần sửa đổi, song vấn đề tài chính đất đai vẫn còn bất cập do "người làm luật vẫn sử dụng tư duy bao cấp trong bối cảnh kinh tế thị trường".

"Định giá đất ở Việt Nam khá yếu kém so với các nước Đông Nam Á. Về thuế đất, Việt Nam thu rất thấp, 0,03% theo bảng giá nhà nước trong khi các nước thu 1% theo giá thị trường. Do đã quen với việc thu thuế thấp nên khi đề xuất các thuế suất cao hơn đã vấp phải sự phản đối" - ông Đặng Hùng Võ cho biết.

Để nâng cao hiệu quả quản lý tài chính đất đai, GS.TS Đặng Hùng Võ đề xuất nên quản lý dựa trên giá đất do người dân tự đăng ký, kết hợp với những quy định, điều kiện để người dân đăng ký sao cho phù hợp. Điều này vừa để người dân tham gia vào quản lý đất thông qua đăng ký giá và vừa để họ công khai tư duy về giá trị mảnh đất mình đang sử dụng. Đây cũng là kinh nghiệm quản lý của Đài Loan mà chúng ta có thể tham khảo.

Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc xác định giá đất, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Cục trưởng Cục Kinh tế và phát triển quỹ đất, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho rằng, xác định giá đất theo thị trường sẽ giải quyết hầu hết các vướng mắc về đất đai hiện nay.

Vì vậy cần thay đổi phương pháp định giá đất và công bố công khai. Bên cạnh đó, người dân, nhà đầu tư chỉ được hưởng lợi theo đúng mục đích họ được sử dụng. Đây cũng là kinh nghiệm quản lý ở các nước, khi chênh lệch do đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất thuộc về Nhà nước./.

Hoàng Yến