Các chuyên gia, nhóm nghiên cứu của Đại học Kinh tế Quốc dân mới đây đã đưa ra tập hợp các kiến nghị chính sách, theo hướng một lộ trình toàn diện để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP hai con số, đồng thời đảm bảo tính bền vững trong dài hạn cho Việt Nam.
Cán bộ phải “muốn làm, làm được và được làm”
Trong đó, vấn đề đầu tiên là phải đổi mới mô hình tăng trưởng và cải cách thể chế, tạo nền tảng cho bứt phá của nền kinh tế.
Theo các chuyên gia, bài học từ các quốc gia Đông Á thành công cho thấy tầm quan trọng của việc triển khai chính sách phát triển đồng bộ và có chiến lược, bao gồm xây dựng kế hoạch dài hạn, ưu tiên các ngành công nghiệp then chốt, linh hoạt chuyển dịch cơ cấu kinh tế và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.
Để khắc phục những bất cập, hạn chế hiện nay trong nền kinh tế, Việt Nam cần đổi mới mô hình tăng trưởng để tăng cường nội lực và giảm thiểu rủi ro từ bên ngoài.
Trong mô hình này, Nhà nước phải có vai trò định hướng mạnh mẽ hơn trong việc xác định các ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn và tạo chính sách hỗ trợ cụ thể về thuế, tín dụng, môi trường kinh doanh.
![]() |
Nguồn vốn đầu tư công cần được tăng cường cho các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm. Ảnh tư liệu |
Nguồn vốn đầu tư công cần được tăng cường cho các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, cải thiện hệ thống giáo dục và đào tạo để nâng cao kỹ năng cho người lao động, thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao.
Tuy nhiên, nhóm chuyên gia cũng nhấn mạnh cần thận trọng trong việc chuyển từ mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu sang đầu tư công, bởi còn những vấn đề hạn chế về tài khoá và tiền tệ. Để có đủ nguồn lực tài chính cho các dự án hạ tầng lớn, yếu tố then chốt đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số, Việt Nam cần thực hiện đồng thời nhiều giải pháp quan trọng như thu hẹp chi thường xuyên của bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy, tích cực tìm kiếm các nguồn thu bền vững mới để thay thế một phần cho các nguồn thu truyền thống…
Để huy động được trí tuệ và tránh song trùng trong tổ chức bộ máy, cần phân rõ 2 nhóm chức năng. Một là những quyết sách chính trị là do Đảng đưa ra và hai là những vấn đề kỹ trị giao cho nhà nước pháp quyền. Cùng với đó là đổi mới mạnh mẽ tư duy trong xây dựng và thi hành pháp luật, xác định rõ trách nhiệm, chú trọng lấy ý kiến, tăng cường kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. |
Đối với việc nâng cao chất lượng thể chế, kiến nghị của Đại học Kinh tế Quốc dân là quán triệt chủ trương của Đảng về hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển là đột phá đầu tiên trong ba đột phá chiến lược. Trong đó, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; xác định đầu tư cho xây dựng thể chế là đầu tư cho phát triển.
Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức ở tất cả các cấp. Ba điều kiện tiên quyết để đội ngũ cán bộ phát huy tài năng trong kỷ nguyên vươn mình là họ phải có “năng lực, động lực, và môi trường”. Nói cách khác, cán bộ phải “muốn làm, làm được và được làm”. Trong gia đoạn tới, Việt Nam cần đột phá bằng được ở 3 điều kiện này, bản kiến nghị nêu rõ.
Kinh tế nhà nước là đường ray, kinh tế tư nhân là đầu tàu
Trong 4 nhóm kiến nghị tiếp theo, các chuyên gia tập trung vào chủ đề về: tháo gỡ nút thắt để phát triển kinh tế tư nhân thành động lực tăng trưởng; cải thiện chất lượng đầu tư công; tăng trưởng phát triển kinh tế xanh và kinh tế số; phát triển các vùng kinh tế động lực.
Theo nhóm chuyên gia, “nếu ví nền kinh tế như một đoàn tàu, thì kinh tế nhà nước là “đường ray kết nối với đích đến”, định hướng và dẫn dắt đoàn tàu, kinh tế tư nhân là đầu tàu quyết định tốc độ đến đích của đoàn tàu, còn khu vực FDI là những động lực bổ trợ tiếp thêm lực cho con tàu đi nhanh hơn”. |
Đối với kinh tế tư nhân, các chuyên gia cho rằng phải xác định đây là động lực chính trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng hai con số, cùng vai trò định hướng, dẫn dắt của khu vực kinh tế nhà nước và sự hỗ trợ thúc đẩy quan trọng của khu vực kinh tế FDI. Kinh tế tư nhân phải có khả năng đóng vai trò chủ lực quyết định đến quy mô, tốc độ phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế mang tính thị trường thuần túy, có tính cạnh tranh cao.
![]() |
Phát triển kinh tế xanh là tất yếu để tăng trưởng cao và bền vững. Ảnh tư liệu |
Các kiến nghị tập trung vào việc tháo gỡ nút thắt về thể chế, chính sách trong phát triển kinh tế tư nhân với các bộ phận kinh tế khác.
Theo đó, cần hoàn thiện chính sách tạo bình đẳng cho các doanh nghiệp tư nhân so với các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI; tăng cường các chính sách hỗ trợ phát triển với các mục tiêu khác nhau đối với từng nhóm doanh nghiệp tư nhân (doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ); hoàn thiện các mô hình gắn kết lực lượng kinh tế tư nhân của người Việt Nam; phát triển đội ngũ doanh nhân Việt đáp ứng được yêu cầu mới của nền kinh tế, đào tạo, phát triển tinh thần doanh nhân và văn hóa kinh doanh lành mạnh.
Về phát triển kinh tế số và kinh tế xanh, đây là yêu cầu tất yếu để vừa duy trì tốc độ tăng trưởng cao và vừa đảm bảo bền vững.
Nhóm chuyên gia kiến nghị Nhà nước ban hành chiến lược phát triển kinh tế số cấp quốc gia với mục tiêu cụ thể, có tính liên kết giữa các bộ, ngành. Song song với đó, thiết lập cơ chế tài chính thuận lợi, ưu tiên hỗ trợ thuế, tín dụng cho doanh nghiệp ICT, khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt trong các lĩnh vực AI, dữ liệu lớn, điện toán đám mây và an ninh mạng.
Nguồn lực tài chính cũng là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế xanh. Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ, bao gồm việc tạo ra các công cụ tài chính như trái phiếu xanh, các quỹ đầu tư vào năng lượng tái tạo và các dự án bảo vệ môi trường. Đồng thời, cần khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, vào các dự án xanh thông qua các ưu đãi về thuế và tín dụng.