VBF

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2019 (VBF) đã diễn ra sáng 10/1 với chủ đề "Vai trò và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp FDI trong phát triển nhanh và bền vững".

Thiết lập thể chế tốt để nắm bắt cơ hội từ hội nhập

VBF kỳ này có 3 phiên thảo luận chính, trong đó phiên 1 sẽ thảo luận về cơ chế điều tiết cho sự bền vững của các nhóm công tác như đầu tư thương mại, du lịch, thuế và hải quan. Phiên 2 thảo luận về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh của các nhóm công tác về nông nghiệp, điện và năng lượng. Phiên 3 thảo luận về hạ tầng cơ sở cho sự đổi mới với sự tham gia của các nhóm công tác về thị trường vốn và ngân hàng, cơ sở hạ tầng, nguồn lực và giáo dục - đào tạo.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Diễn đàn lần này mong muốn nhấn mạnh vai trò trách nhiệm đóng góp của doanh nghiệp (DN) FDI trong tiến trình phát triển của Việt Nam, nhất là trách nhiệm tạo mối liên kết, hợp tác với DN trong nước, tương trợ lẫn nhau cùng phát triển.

"Chúng tôi mong muốn lắng nghe những đề xuất của cộng đồng DN trong việc thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, thu hút và sử dụng có hiệu quả hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh các nhà đầu tư, các tập đoàn đa quốc gia đang cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Theo bà Virginia Foote, đồng Chủ tịch Liên minh VBF, hội nhập toàn cầu tạo cơ hội để Việt Nam áp dụng các tiêu chuẩn có lợi cho Việt Nam và thu hút đầu tư nước ngoài như mong muốn. Các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã tham gia có thể đảm bảo thành công của Việt Nam trong hội nhập thương mại. Tuy nhiên, hội nhập cũng dẫn đến những lo ngại về thâm hụt thương mại, ảnh hưởng đến sự ổn định tiền tệ, việc làm khu vực trong nước…

Việt Nam đang ở vị thế tốt để nắm bắt các cơ hội tích cực trong dài hạn nhưng cần thiết lập các hệ thống chuẩn bị cho chuyển đổi (chuyển đổi số - PV) và cách mạng công nghiệp 4.0, thu hút thêm FDI, và tăng cường liên kết chuỗi để đạt được nhiều lợi ích hơn từ những cơ hội này.

Tại diễn đàn, nhiều đại diện DN, Nhóm công tác hoan nghênh và cũng chúc mừng việc Việt Nam đã và đang xúc tiến tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng như CPTPP, EVFTA và tới đây là RECP... Theo Trưởng Nhóm công tác đầu tư và thương mại, ông Fred Burke, để tận dụng tối đa các cơ hội này, các bộ ngành liên quan và cộng đồng các nhà tài trợ nên xem xét và cung cấp các khóa tập huấn về các hiệp định này để tạo điều kiện cho DN, nhà đầu tư có thể áp dụng với sự gián đoạn tối thiểu.

Nhiều dự án hạ tầng, năng lượng bị trì hoãn vì vướng Luật

Một trong những nội dung được nhiều Hiệp hội, đại diện DN tại Diễn đàn đề cập là các sửa đổi mới tại Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Theo ông Fred Burke, những đổi mới diễn ra nhanh chóng, cùng lúc liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau và không ai vào năm 2007 (năm Việt Nam gia nhập WTO) có thể lường trước hết những gì xảy ra kể từ thời điểm đó. Tuy nhiên, sẽ thật đáng tiếc nếu Việt Nam bị sa vào những cuộc tranh luận về việc thế nào là "nhà đầu tư nước ngoài" và cố gắng áp đặt cách thức tiến hành kinh doanh của ngày hôm nay vào khuôn khổ của ngày hôm qua.

Theo Nhóm Công tác đầu tư và thương mại, các DN yêu cầu thêm sự bảo đảm đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật và áp dụng hồi tố đối với các luật mới hoặc thực hiện các luật cũ. Các dự thảo Luật sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp hiện không giải quyết vấn đề này, chỉ bàn về "các ưu đãi" và không thay đổi nhiều so với quy định hiện hành. Nhóm cũng khuyến nghị loại bỏ sự không thống nhất trong quy định về phương thức thanh toán giao dịch chuyển nhượng cổ phần/ phần vốn góp bằng cách xóa Khoản 3 Điều 36 của Luật Doanh nghiệp, bởi đó là một quy định dư thừa vì các quy định ngoại hối điều chỉnh các giao dịch ngoại hối của các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, Luật hiện tại vẫn chưa quy định rõ về việc liệu một công ty TNHH 2 thành viên trở lên có thể quy định tỷ lệ biểu quyết thấp hơn 65% - 75% hay không. Do đó, Nhóm khuyến nghị dự thảo Luật sửa đổi Luật DN đưa vào điều khoản làm rõ ràng hơn cho phép các công ty TNHH hai thành viên trở lên có thể đặt ra một tỷ lệ biểu quyết thấp hơn 65% - 75% trong điều lệ. Nguyên tắc tự chủ của mỗi bên, là nền tảng cho tất cả các khuyến nghị này được đưa ra để tạo điều kiện cho phép các DN đổi mới, tạo ra một hệ sinh thái có khả năng nuôi dưỡng những ý tưởng mới, sự đổi mới, công nghệ mới và cách thức kinh doanh tốt hơn.

Đối với Luật Quy hoạch, nhiều DN bày tỏ lo ngại về việc thực thi Luật Quy hoạch và các tác động của Luật này trong việc trì hoãn quá trình phê duyệt cho các dự án điện, năng lượng và cơ sở hạ tầng. Mặc dù gần đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ban hành Nghị quyết số 751 và Chính phủ có ban hành Nghị quyết 110 về điều khoản chuyển tiếp của Luật Quy hoạch, song các DN cho rằng quy trình cấp giấy phép cho các dự án điện và năng lượng và việc đưa các dự án này vào quy hoạch vẫn quá phức tạp và rất mất thời gian. Đây cũng là điều chưa phù hợp để khai thác và phát triển hiệu quả và bền vững các nguồn năng lượng mặt trời và gió cho phát điện.

Cuối cùng, về tài chính liên quan đến Luật Đất đai, các thành viên của Nhóm công tác Đầu tư và thương mại cho rằng việc không cho phép thế chấp quyền sử dụng đất của họ cho các bên cho vay ở nước ngoài đã ngăn chặn họ tiếp cận một nguồn vốn lớn và hạn chế sự đổi mới. Đây là một chủ đề cần được đưa vào thảo luận khi sửa đổi Luật Đất đai năm 2020.

D.A