Theo đánh giá của các chuyên gia, tốc độ đô thị hóa cao dẫn đến áp lực quản lý và cung cấp các dịch vụ công đô thị, bao gồm những vấn đề liên quan đến giao thông đô thị và môi trường. Hệ thống đường đô thị hiện tại thiết kế dành cho giao thông cơ giới, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với những nhóm tham gia giao thông dễ bị tổn thương, trong đó có người đi xe đạp. Trong khi đó, các đường phố nhỏ lại không có đủ không gian và cơ sở vật chất cho người đi xe đạp và người đi bộ.

Việt Nam công bố hướng dẫn kỹ thuật thiết kế đường dành cho xe đạp trong đô thị
Việt Nam ra mắt định hướng thiết kế đường dành cho xe đạp trong đô thị. Ảnh: TL

Chính vì vậy, việc cần thiết kế đường dành cho xe đạp trong đô thị dựa trên bài học kinh nghiệm từ các dự án an toàn đường bộ và thí điểm phát triển hạ tầng xe đạp tại các thành phố của Việt Nam gần đây cũng như các nghiên cứu điển hình trên thế giới.

Theo đó, các nhà chuyên môn đã xây dựng hướng dẫn thiết kế đường dành cho xe đạp đảm bảo tiêu chuẩn 13592:2022 đường đô thị - yêu cầu thiết kế mới được ban hành; độ rộng làn đường, nút giao thông khi có cho xe đạp lưu thông, tín hiệu giao thông, vạch kẻ đường và biển báo giao thông, công trình phụ trợ.

Bà Nguyễn Thị An - Giám đốc Quốc gia của HealthBridge Việt Nam chia sẻ, với vai trò là một phương tiện giao thông bền vững, xe đạp không những giảm ô nhiễm và giảm thiểu lượng khí thải ra môi trường mà còn mang đến niềm vui, cải thiện sức khỏe, nâng cao tính bình đẳng trong tham gia giao thông cho mọi người.

"Phát triển cơ sở hạ tầng xe đạp nên được coi là một trong các nội dung cơ bản hướng đến việc phát triển thành phố trở nên đáng sống, an toàn và bền vững hơn. Xây dựng và triển khai cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp phối hợp với các dự án giao thông công cộng khác sẽ nâng cao hiệu quả của hệ thống giao thông và tối đa hóa lợi ích từ các khoản đầu tư" - Giám đốc Quốc gia của HealthBridge Việt Nam Nguyễn Thị An nhấn mạnh.