Đây là nhận định được đưa ra trong Báo cáo Chiến lược năm 2016 “TTCK Việt Nam: Nâng tầm chất lượng – Kỳ vọng tăng trưởng” của Công ty Chứng khoán Maritime (MSI) mới phát hành gần đây.
Kỳ vọng dòng tiền ngoại tốt hơn năm 2015
Báo cáo MSI cho biết, dòng tiền năm 2016 sẽ tiếp tục tác động mạnh bởi dòng vốn ngoại, tuy nhiên, kỳ vọng dòng tiền năm nay từ khối ngoại sẽ tích cực hơn năm 2015, theo đó kết hợp và cộng hưởng tác động tích cực với dòng vốn nội trong nước.
Theo thống kê, dù đầu năm 2016, dòng tiền nước ngoài đang bán ròng trên thị trường chứng khoán, tuy nhiên mức độ không đáng kể và chủ yếu tập trung vào một vài mã cổ phiếu đơn lẻ. Dòng tiền từ khối các nhà đầu tư này có thể sớm quay trở lại với thị trường và mức độ lớn hơn.
![]() |
Mức P/E của TTCK Việt Nam vẫn ở mức khá hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư. Ảnh: DT |
MSI cũng đưa ra 6 nguyên do có thể kéo nhà đầu tư ngoại vào TTCK Việt Nam. Thứ nhất, định giá TTCK Việt Nam vẫn còn khá hấp dẫn so với các nước. Thứ hai, tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm cao nhất trên thế giới và duy trì mức tăng trưởng trong nhiều năm. Thứ ba, các yếu tố kinh tế vĩ mô ổn định. Thứ tư, sự chuyển giao lãnh đạo trong nhiệm kỳ mới 2016-2020 cũng sẽ tạo những nội lực mới và động lực mới cho sự tăng trưởng kinh tế. Thứ năm, các doanh nghiệp lớn tiếp tục IPO và niêm yết trên thị trường thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới. Thứ sáu, cơ chế điều hành tỷ giá mới, điều chỉnh biến động chủ động hơn và giảm những rủi ro biến động mạnh như những năm qua tạo sự yên tâm hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Do đó, “dòng vốn nước ngoài tiếp tục chảy vào TTCK Việt Nam như là một địa điểm đầu tư hấp dẫn, vào các công ty IPO, các doanh nghiệp nhà nước thoái vốn”, MSI dự báo.
Định giá còn rẻ so với khu vực và tiềm năng
Theo MSI, với mức P/E (hệ số giá trên thu nhập của một cổ phiếu) của VN-Index ở mức 11 lần, đây là mức khá rẻ so với các nước trong khu vực, ghi nhận mức bình quân 16,8 lần. Đây là mức khá hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư ngoại khi nội tại các công ty niêm yết được dự báo vẫn duy trì được mức tăng trưởng tốt trong năm 2016.
“Chúng tôi cũng thống kê nhóm 100 công ty có vốn hóa lớn nhất thị trường, cổ phiếu lớn thuộc nhóm này chỉ có mức P/E bình quân quanh mức 12 lần, đây là mức khá rẻ hiện nay so với thị trường thuộc nhóm cận biên như Việt Nam, trong khi các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục tăng trưởng và tiềm năng tăng trưởng cao sau giai đoạn đổi mới là rất lớn”, báo cáo của MSI viết.
Bên cạnh đó, MSI cũng kỳ vọng các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tích cực trong năm 2016 cho hầu hết các nhóm ngành, (trừ các cổ phiếu thuộc nhóm ngành dầu khí). Theo đó, dự báo doanh thu và lợi nhuận sẽ tăng lần lượt 12% và 19%.
VN-Index bao nhiêu điểm vào cuối năm?
MSI cho rằng, TTCK Việt Nam đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất nếu tính từ thời điểm 2010 đến nay. Nếu VN-Index rơi sâu nhất dưới mốc 340 điểm trong năm 2011 thì cho đến hiện tại, Công ty này vẫn cho rằng, TTCK đang ở giai đoạn xu hướng tăng lớn. Trong 2 năm 2014 và 2015, VN-Index đã 4 lần rơi về ngưỡng hỗ trợ mạnh quanh mốc 515 điểm và đây có thể được coi là ngưỡng hỗ trợ trung hạn đối với chỉ số VN-Index và xác suất để VN-Index giảm qua ngưỡng hỗ trợ này là thấp.
Xem xét dưới góc độ thời điểm thì các sóng hồi phục của TTCK thường diễn ra vào 2 giai đoạn đầu năm và cuối năm. Do đó, MSI cho hay, khả năng thị trường sẽ lên đến ngưỡng kháng cự 600 (+/- 10 điểm) trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2016.
Tuy nhiên, dưới tác động xấu từ việc dự báo khả năng tiếp tục tăng lãi suất từ FED cũng như việc điều chỉnh biên độ tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước khoảng 3 – 5% ở giai đoạn giữa năm, thì việc TTCK có khả năng điều chỉnh mạnh ở các tháng giữa năm và việc điều chỉnh có thể dao động từ vùng 600 (+/- 10 điểm) về vùng 570 (+/- 10 điểm). MSI cho rằng, TTCK sẽ hồi phục tốt ở giai đoạn cuối năm, khi mà chỉ số VN-Index sẽ quay đầu tăng điểm vượt ngưỡng 610 điểm và có thể quay lại ngưỡng kháng cự 640 điểm giai đoạn cuối năm 2016./.
Duy Thái