Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 149/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp với tập thể lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ngày 22/4/2023 về việc tiếp tục đôn đốc, thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ của NHNN.

Triển khai quyết liệt chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng với nhà ở xã hội

Tại Thông báo kết luận này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN tích cực, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao theo thẩm quyền tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và tích cực thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, trong đó có nhiệm vụ xem xét theo thẩm quyền khẩn trương điều chỉnh phù hợp hệ số rủi ro đối với các phân khúc bất động sản khác nhau theo quy định.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tích cực, khẩn trương tổ chức triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng để cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; kịp thời phối hợp chặt chẽ và thống nhất với Bộ Xây dựng về cách thức, phương thức tổ chức triển khai thực hiện tích cực, khẩn trương đồng bộ, hiệu quả, khả thi, kịp thời.

Xem xét mở rộng cho vay tiêu dùng, bổ sung đối tượng cơ cấu nợ

Chiều 22/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã họp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp để rà soát, thúc đẩy việc ban hành ngay 2 thông tư quan trọng.

Tích cực, khẩn trương xây dựng phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) theo đúng trình tự, thủ tục, không để chậm trễ, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền, đúng quy định, không để xảy ra rủi ro, thất thoát tài sản nhà nước, trục lợi chính sách và vi phạm pháp luật trong quá trình tổ chức thực hiện, góp phần lành mạnh hóa và hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, nhất là về lãi suất, qua đó tạo thuận lợi hạ mặt bằng lãi suất.

Khẩn trương kiện toàn bộ máy, nhân sự lãnh đạo cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng

NHNN phải chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng để báo cáo Quốc hội theo quy định. Theo đó, tổng kết kỹ lưỡng, đánh giá và xác định các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, các quy định không còn phù hợp để đề xuất sửa đổi, bổ sung, tăng cường phân cấp, phân quyền cho các cấp, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch, góp phần bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và nhất là góp phần quan trọng tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, khẩn trương kiện toàn ngay bộ máy tổ chức và nhân sự lãnh đạo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng; tăng cường chất lượng và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ngân hàng, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, không để chậm trễ hơn nữa.

Đồng thời khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền về việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại; xem xét điều chỉnh vốn sang các chương trình khác để bảo đảm hỗ trợ kịp thời, hiệu quả.

Xem xét mở rộng cho vay tiêu dùng, bổ sung đối tượng cơ cấu nợ
Ảnh TL minh hoạ

Việc xây dựng và sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo hình thức thông tư thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của NHNN và phải tích cực, chủ động thực hiện theo tinh thần đã chỉ đạo nhiều lần của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, không chậm trễ nữa, cần ban hành ngay trong ngày 23/4/2023, văn bản kết luận nêu rõ.

Theo đó, về việc xây dựng thông tư hướng dẫn các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, trên cơ sở thống nhất ý kiến của các đại biểu dự họp và ý kiến phát biểu đầy đủ đồng thuận của tập thể Ban lãnh đạo NHNN trong cuộc họp, thực hiện theo hướng xem xét mở rộng đối tượng cho vay tiêu dùng là một trong những động lực tăng trưởng và hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong điều kiện khó khăn hiện nay.

Thời hạn cơ cấu lại nợ xem xét kéo dài đến tháng 6 năm 2024 nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân là bên vay vượt qua khó khăn hiện nay (như đã làm trong thời kỳ phòng chống dịch Covid-19). Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, không để lạm dụng, trục lợi chính sách, thất thoát, vi phạm pháp luật.

Thống nhất ý kiến của tập thể Ban lãnh đạo NHNN đề xuất chủ trương bổ sung đối tượng cơ cấu nợ và thời gian thực hiện cơ cấu nợ. NHNN khẩn trương đề xuất và báo cáo Chính phủ trong ngày 22/4/2023.

Cho phép ngân hàng tiếp tục mua trái phiếu doanh nghiệp

Đối với việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021/TT-NHNN, trên cơ sở ý kiến thống nhất cao của các bộ, ngành và tập thể Ban lãnh đạo NHNN, trước mắt xem xét cho phép các tổ chức tín dụng tiếp tục được mua trái phiếu doanh nghiệp để góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong tình hình khó khăn hiện nay (yêu cầu ban hành trong ngày 23/4/2023).

Đối với các nội dung khác còn ý kiến khác nhau, Thủ tướng yêu cầu NHNN khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát sửa đổi, bổ sung theo hướng xem xét thuận lợi hơn cho việc thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp, góp phần tạo ra kênh huy động vốn hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững cho nền kinh tế.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo NHNN và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ, công việc nêu trên.

Ban hành Nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay tiêu dùng

Ngày 23/4, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 59/NQ-CP về giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng.

Tại Nghị quyết, Chính phủ thống nhất chủ trương với kiến nghị của NHNN tại Tờ trình số 57/TTr-NHNN ngày 22/4/2023 về giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng.

NHNN theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao khẩn trương xem xét, quyết định và sớm ban hành thông tư hướng dẫn tổ chức tín dụng thực hiện, bảo đảm phù hợp, chặt chẽ, khả thi, hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm soát và giảm sát thực hiện chính sách theo quy định pháp luật, hạn chế rủi ro, không để lạm dụng, trục lợi, thất thoát, vi phạm pháp luật.