Quy định mới về xếp hạng ngân hàng góp phần đánh giá thực trạng các ngân hàng chuẩn xác hơn.

Quy định mới về xếp hạng ngân hàng góp phần đánh giá thực trạng các ngân hàng chuẩn xác hơn.

Hướng đến đánh giá đầy đủ thực trạng ngân hàng

Thông tư 52/2018/TT-NHNN về xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi chung là ngân hàng) được ban hành từ năm 2018.

Theo quy định tại Thông tư 52, các nguyên tắc và phương pháp xếp hạng ngân hàng cần đảm bảo phản ánh đầy đủ thực trạng hoạt động, rủi ro của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Trên cơ sở đó, các ngân hàng được chia thành các nhóm đồng hạng. Nhóm 1 là các ngân hàng thương mại có quy mô lớn (tổng giá trị tài sản bình quân theo quý trong năm xếp hạng trên 100.000 tỷ đồng); nhóm 2 là các ngân hàng thương mại có quy mô nhỏ (tổng giá trị tài sản bình quân theo quý trong năm xếp hạng bằng hoặc thấp hơn 100.000 tỷ đồng).

4 nhóm còn lại gồm các nhóm thuộc về chi nhánh ngân hàng nước ngoài, nhóm công ty tài chính, nhóm công ty cho thuê tài chính và nhóm ngân hàng hợp tác xã.

Các ngân hàng được xếp hạng theo hệ thống tiêu chí. Từng tiêu chí xếp hạng bao gồm nhóm chỉ tiêu định lượng và nhóm chỉ tiêu định tính. Nhóm chỉ tiêu định lượng đo lường mức độ lành mạnh hoạt động ngân hàng trên cơ sở số liệu hoạt động của từng ngân hàng. Nhóm chỉ tiêu định tính đo lường mức độ tuân thủ các quy định pháp luật của ngân hàng.

Một số định hướng xây dựng thông tư sửa đổi:

Căn cứ vào cơ sở pháp lý và thực tiễn, dự thảo thông tư được xây dựng dựa trên các định hướng chính sau:

- Hỗ trợ quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu và nâng cao năng lực quản trị, điều hành, kiểm soát của các tổ chức tín dụng trong thời gian tới.

- Phù hợp với sự phát triển và đặc thù trong hoạt động của các loại hình tổ chức tín dụng.

- Phản ánh đầy đủ thực trạng và mức độ rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

- Tăng cường hiệu quả của công tác giám sát ngân hàng, giúp kịp thời đưa ra các biện pháp xử lý đối với từng tổ chức tín dụng nhằm đảm bảo an toàn, lành mạnh hệ thống.

Qua một thời gian thực hiện, Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 52 sẽ hoàn thiện hơn nữa cơ sở pháp lý về xếp hạng các tổ chức tín dụng nhằm phản ánh đầy đủ thực trạng và mức độ rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Việc này có ý nghĩa quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả của công tác giám sát ngân hàng, giúp kịp thời đưa ra các biện pháp xử lý đối với từng tổ chức tín dụng nhằm đảm bảo an toàn, lành mạnh hệ thống ngân hàng.

Theo đánh giá chung của cơ quan soạn thảo, việc hoàn thiện các quy định tại thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 52 nhằm giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xếp hạng các tổ chức tín thời gian vừa qua. Chẳng hạn, các chỉ tiêu phục vụ xếp hạng cần được xây dựng trên cơ sở đánh giá đầy đủ thực trạng hoạt động, rủi ro của các tổ chức tín dụng trong trường hợp không được chấp thuận thực hiện các cơ chế đặc thù (cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ, phân bổ/hoãn trích lập dự phòng rủi ro, thoái lãi dự thu...).

Cần làm “nổi” hơn sự khác biệt của các ngân hàng

Với những quy định hiện nay của Thông tư 52, các ngân hàng thương mại được phân thành 2 nhóm để xếp hạng: Nhóm ngân hàng có quy mô tổng tài sản trên 100 nghìn tỷ đồng và nhóm ngân hàng có quy mô tổng tài sản từ 100 nghìn tỷ đồng trở xuống.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, hiện nay quy mô tổng tài sản của các ngân hàng không đồng đều và có sự chênh lệch rất lớn về cấp độ. Các ngân hàng khác nhau về quy mô thì cách thức hoạt động, quản trị điều hành và hiệu quả kinh doanh rất khác nhau. Do đó, các quy định về tiêu chí, điểm số và trọng số tại Thông tư 52 là chưa phù hợp để đánh giá, xếp hạng đối với các ngân hàng lớn. “Để tăng cường hiệu quả trong đánh giá, xếp hạng tổ chức tín dụng và làm cơ sở để xây dựng bộ tiêu chí/chỉ tiêu đánh giá tương ứng phù hợp, nên phân nhóm các ngân hàng theo các cấp độ chi tiết hơn”, ông Long nói.

Một số chuyên gia cho rằng, dải điểm trong cùng một hạng quá lớn sẽ khiến nỗ lực của các ngân hàng trong việc cải thiện điểm số chưa được ghi nhận đúng. Theo đó, việc tham khảo cách đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế (như Moody’s, Fitch Ratings, Standard&Poor’s…) cũng là một giải pháp được đề xuất, để điểm đánh giá đối với các ngân hàng Việt Nam được chi tiết và sát với thực tế.

Ngoài những vấn đề về số lượng nấc xếp hạng, cũng có quan điểm cho rằng, tính chất hoạt động của từng ngân hàng cũng là yếu tố không nên “đánh đồng”. Chẳng hạn, các lĩnh vực ưu tiên cần hướng dòng tín dụng cũng nên có những tiêu chí khác so với những lĩnh vực thông thường khác.

Bà Nông Hương Lành, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, lĩnh vực nông nghiệp có tính chất đặc thù riêng. Việc tham gia tín dụng nông nghiệp có thể ngân hàng cũng đối diện nhiều rủi ro cao như thiên tai, dịch bệnh... Tuy nhiên, nếu những rủi ro tín dụng nông nghiệp cũng bị đánh đồng như rủi ro các lĩnh vực khác, chẳng hạn cũng bị đưa vào nợ xấu và nợ xấu tiềm ẩn để giảm hạng ngân hàng, thì sẽ giảm nhiệt tình của ngân hàng cho vay mảng nông nghiệp.

Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, hiện nay quy mô tổng tài sản của các ngân hàng không đồng đều và có sự chênh lệch rất lớn về cấp độ. Các ngân hàng khác nhau về quy mô thì cách thức hoạt động, quản trị điều hành và hiệu quả kinh doanh rất khác nhau. Do đó, các quy định về tiêu chí, điểm số và trọng số tại Thông tư 52 là chưa phù hợp để đánh giá, xếp hạng đối với các ngân hàng lớn.

Chí Tín