Theo bà Phạm Chi Lan: Về bản chất, dù là công nghệ cao nhưng Việt Nam vẫn đang làm gia công và giá trị tạo ra qua sản phẩm cũng rất thấp. Đóng góp của Việt Nam là một phần rất nhỏ bé, giá trị gia tăng tạo được rất ít. Việt Nam được hưởng lợi cũng rất khiêm tốn từ sản phẩm đang XK mang danh xuất xứ made in Việt Nam.

Xuất khẩu điện thoại vượt xa dệt may: Chớ vội mừng!
Việt Nam được hưởng lợi cũng rất khiêm tốn từ sản phẩm đang XK mang danh xuất xứ made in Việt Nam. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. Ảnh: T.L

* Bà có bình luận gì khi XK điện thoại đã vượt xa ngành dệt may, dầu thô, giày dép…, những ngành gia công truyền thống của VN?

- Lâu nay khi quốc tế nhìn vào bản đồ XK của các nước trong khu vực thường nhìn thấy Malaysia, Philippines, Indonesia… các nước có sản phẩm công nghệ cao vượt lên các sản phẩm chế tạo thông thường, thì nay đã có thêm Việt Nam, đánh dấu sự dượt đuổi nhất định của Việt Nam so với những nước xung quanh. Nhìn một cách tổng thể, đây là một bước phát triển đáng mừng của Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu nhìn sâu xa thì chúng ta phải cẩn trọng hơn, không nên quá háo hức, tự hào cho rằng như thế là ổn bởi về cơ bản người hưởng lợi vẫn là công ty nước ngoài, lợi ích thuộc về họ, họ lắm giữ những khâu then chốt trong việc XK mặt hàng này.

* Như bà phân tích thì chúng ta chưa thể vội mừng về kết quả XK của mặt hàng công nghệ cao. Phải chăng cùng với sự lớn mạnh của các DN đầu tư nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực công nghệ cao (điển hình như Samsung) thì các DN Việt Nam đang mất dần lợi thế?

- Để đạt được tỷ trọng XK của hàng điện tử, chúng ta đã phải có những ưu đãi rất lớn đối với những DN này, điển hình như Công ty Samsung được ưu đãi về thuế, đất đai, nguồn điện, nhân công… Không chỉ có vậy, để Samsung tiếp tục mở rộng, chúng ta đã chấp nhận cho những công ty cung cấp hàng phụ trợ của Samsung cũng được hưởng những ưu đãi tương tự. Điều này có nghĩa là Samsung có thể mang vào theo mình một loạt những DN nhỏ và vừa, những DN này cũng được ưu đãi như nhau.

Điều này làm mất đi khá nhiều cơ hội cho các DN Việt Nam hoạt động trong ngành công nghiệp phụ trợ .

Xuất khẩu điện thoại vượt xa dệt may: Chớ vội mừng!
Công nhân Công ty Samsung kiểm tra sản phẩm trước khi xuất xưởng. Ảnh: Khôi Linh.

Trong tình hình hiện nay, để giữ chân các DN FDI, cũng như khuyến khích họ mở rộng thì chúng ta đã có những ưu đãi như vậy, nhưng đừng biến nó thành một chiến lược lâu dài theo cách đó. Nếu không trong tương lai 5-7 năm nữa, Việt Nam sẽ tiếp tục có các DN FDI hoạt động về công nghệ cao khác vào đầu tư như NC hay hãng này hãng khác vào…, Việt Nam sẽ được danh tiếng là có hàng công nghệ cao, XK với tỷ trọng rất lớn, nhưng trên thực tế là thuộc về nước ngoài. Phần của Việt Nam ngày càng lùi bước so với phần của các công ty nước ngoài ở Việt Nam.

Đến một lúc nào đó khi Việt Nam không có những lợi thế, không còn dành những ưu đãi tương tự cho họ nữa thì rất có thể họ lại chuyển sang một nước khác. Phần công nghệ cao tạm thời mà Việt Nam đang có đó sẽ biến đi rất nhanh. Đấy là rủi ro cần phải tính điến.

* Theo bà, Chính phủ nên làm gì để vừa tận dụng được công nghệ phát triển của các DN nước ngoài, vừa phát huy được thế mạnh sẵn có của các DN trong nước?

- Tôi nghĩ điều cơ bản nhất vẫn là tạo môi trường cho các DN trong nước, đặc biệt là khu vực tư nhân có thể phát triển. Khuyến khích tối đa, ưu đãi thực sự cho các DN dám đi vào công nghệ, đi vào sản xuất các linh kiện, các bộ phận của công nghệ. Thực tế là chúng ta hô hào cả chục năm nay, khuyến khích các DN trong nước đầu tư phát triển công nghệ phụ trợ, theo hướng công nghệ, nhưng trên thực tế các DN tiếp cận những ưu đãi rất khó khăn.

Chính sách của Nhà nước đang dồn ưu ái cho các DN nhà nước đặc biệt là các Tập đoàn kinh tế và các DN đầu tư nước ngoài hơn khu vực tư nhân. Khi hai khu vực kia to như vậy, ngốn nguồn lực kinh khủng như vậy, thì chẳng còn phần đâu cho các DN vừa và nhỏ. Chính cách đó đã đẩy tiếp các DN này vào tình trạng khó khăn hơn. Khi các DN vừa và nhỏ còn khó khăn như vậy cũng đồng nghĩa với việc không thu hút được lao động có trình độ, sẵn sàng tham gia vào những ngành công nghệ cao để trở thành một bộ phận trong chuỗi của các DN sản xuất sản phẩm công nghệ, phục vụ XK ./.

Xin cảm ơn bà!

Nhật `Minh (thực hiện)