Theo đó, các dịch vụ hàng không mà ACV đang cung cấp cho các hãng hàng không bao gồm dịch vụ cất hạ cánh; phục vụ hành khách; soi chiếu an ninh hành khách, hành lý; soi chiếu an ninh hàng hoá; cho thuê quầy làm thủ tục hành khách…

Tính đến cuối năm 2023, ACV đã phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi gần 3.600 tỷ đồng từ các hãng hàng không trong nước chiếm 40% các khoản phải thu khách hàng. Trong đó, phần lớn khoản nợ từ các hãng hàng không phát sinh trong giai đoạn dịch COVID-19.

Khẳng định trong năm 2023, mặc dù đã đẩy mạnh công tác thu hồi nợ, tuy nhiên phía ACV thừa nhận kết quả thu hồi nợ và kế hoạch trả nợ của các hãng hàng không vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi đơn vị cung cấp dịch vụ phải áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn để tiến tới thực hiện chế tài xử lý các hãng hàng không vi phạm hợp đồng.

ACV tính phương án khởi kiện hãng bay nợ tiền
Phối cảnh nhà ga hành khách sân bay Long Thành.

Cụ thể, ACV cũng xây dựng 5 tiêu chí khởi kiện, dừng cung cấp dịch vụ đối với hãng bay vi phạm để xin ý kiến của các cơ quan quản lý có thẩm quyền gồm: không có kế hoạch trả nợ cho ACV; không thực hiện đúng kế hoạch trả nợ đã cam kết; kết quả kinh doanh không bị lỗ nhưng không trả nợ; có phát sinh công nợ mới trong năm 2023; có số dư nợ lớn hơn các hãng hàng không khác.

Trước đó, liên quan đến thông tin sân bay Long Thành không có ga ngầm đường sắt, phía ACV cũng khẳng định các kết cấu công trình xây dựng không ảnh hưởng đến nhau và đã có phương án kết nối giữa các công trình này để đảm bảo hành khách di chuyển thuận lợi từ các ga đường sắt đến nhà ga hành khách.

Cụ thể, theo quy hoạch được duyệt, hai tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành đều đi dọc và nằm hoàn toàn ở trong phạm vi giữa tuyến đường trục nội cảng của Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Trong khi đó, giai đoạn 1 xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành không thi công xây dựng công trình nào trong phạm vi quy hoạch này. Ngoài ra, ACV cũng đã dự trù khoảng đất trống để cho các công trình xây dựng đường sắt và ga tàu đường sắt trong tương lai, theo quy hoạch.

Các nhà ga hành khách T1, T2, T3, T4 và các công trình xây dựng khác như các nhà để xe đều nằm ngoài và ở hai bên của tuyến đường trục giao thông nội cảng này.

Bên cạnh đó, theo đề xuất tại nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao hiện nay do Tổng công ty Thiết kế công trình giao thông vận tải (TEDI) đang thực hiện, ga đường sắt sẽ được bố trí ngầm trong phạm vi giữa đường trục chính, về phía trước và cách Nhà ga hành khách T1 - Cảng hàng không quốc tế Long Thành là 220m, cách Nhà để xe T1 là 35m.

Mặt khác, công trình sau khi đưa vào khai thác sẽ được kết nối bởi hệ thống cầu bộ hành đảm bảo hành khách di chuyển thuận lợi từ Nhà ga hành khách T1 thông qua Nhà để xe T1 để kết nối tiếp với ga đường sắt.

“Như vậy, công trình Nhà ga hành khách T1 - Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các ga đường sắt tốc độ cao, đường sắt nhẹ là các công trình độc lập với nhau về vị trí. Do đó, các kết cấu công trình xây dựng không ảnh hưởng đến nhau và đã có phương án kết nối giữa các công trình này để đảm bảo hành khách di chuyển thuận lợi từ các ga đường sắt đến nhà ga hành khách (không liên quan đến phần móng cọc nhà ga)” - lãnh đạo ACV khẳng định.

Được biết, theo nghiên cứu, tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành dài 37,35 km, với 20 ga, trong đó đoạn qua TP. Hồ Chí Minh dài 11,8 km, qua Đồng Nai dài 25,55 km. Điểm đầu là Ga Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức), điểm cuối là Ga cảng hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai).

Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến khoảng 40.500 tỷ đồng. Tuyến đường sắt này chủ yếu phục vụ vận tải hành khách giữa trung tâm TP. Hồ Chí Minh với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tốc độ tối đa 80 km/giờ, vận tốc khai thác 60 km/giờ. Tuyến đường sắt này được Bộ GTVT đặt mục tiêu phấn đấu thông qua chủ trương đầu tư năm 2025, triển khai giai đoạn 2025-2030.

Tại buổi kiểm tra hiện trường thi công Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào ngày 13/2 (mùng 4 tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024) vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh nếu năm 2022-2023 là năm khởi động thì 2024 là năm tăng tốc và 2025 sẽ là năm bứt phá và 6 tháng đầu năm 2026 phải hoàn thành, đưa công trình sân bay Long Thành vào sử dụng.

Với kinh nghiệm đã có, Thủ tướng yêu cầu xây dựng lại tiến độ, phấn đấu rút ngắn thời gian thêm từ 3 đến 6 tháng, bù lại thời gian bị chậm, phát động thi đua từ nay tới 30/4/2025 (kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước).

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư khái toán khoảng 336.630 tỷ đồng, chia làm ba giai đoạn.

Giai đoạn 1 xây một đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách/năm. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của dự án dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2026.

Giai đoạn 2, sân bay được xây thêm một đường cất hạ cánh cấu hình mở và nhà ga để đạt công suất 50 triệu khách/năm.

Giai đoạn 3 hoàn thành hạng mục còn lại để sân bay đạt công suất 100 triệu khách/năm và trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai và hướng tới trở thành một trong những cảng hàng không trung chuyển nhộn nhịp trong khu vực./.