Báo cáo do Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF) Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) - Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hiện.

Lạm phát cơ bản tăng 4,54% là ẩn số cho việc điều hành ổn định vĩ mô

Phát biểu tại hội thảo, GS. TS. Andreas Stoffers - Giám đốc Quốc gia Viện FNF Việt Nam cho rằng, kể từ thời điểm Đổi mới năm 1986, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa từng có.

"Bên cạnh Ba Lan, Việt Nam là quốc gia đã phát triển nhanh nhất trong những năm gần đây và xu hướng này vẫn chưa kết thúc. Lý do bởi đất nước này đã không đi chệch khỏi những giá trị cơ bản trong cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra" - ông nhận định.

Tuy nhiên, các biện pháp chống lại Covid-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng lớn trên toàn thế giới và làm gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Với vị thế là quốc gia hội nhập kinh tế quốc tế cao, hiện tại là thời điểm khó khăn đối với Việt Nam.

Ba kịch bản cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023
Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo

Trình bày Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2023, TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng VEPR cho biết, dù đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế năm 2022 cũng như những nỗ lực nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi tăng trưởng trong những tháng đầu 2023, song nền kinh tế đã và đang bộc lộ những thách thức và vấn đề nội tại.

Đơn cử như khu vực công nghiệp và xây dựng luôn được coi là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, lại giảm tốc mạnh mẽ từ quý III/2022 đặc biệt lại rơi vào một số ngành công nghiệp và vùng công nghiệp trọng điểm trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Sang đến năm 2023, tính chung 5 tháng đầu năm, chỉ số IIP ước tính giảm 2% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số PMI mặc dù đã tăng lên 51,2 (tháng 2), tuy nhiên lại tiếp tục suy giảm trong những tháng tiếp theo và tụt xa so với mức trung bình 50 điểm, phản ánh khả năng tăng trưởng sản xuất của Việt Nam trong nửa đầu năm 2023 không mấy khả quan.

Theo báo cáo, trong năm 2023, Việt Nam có những cơ hội để phát triển như gia tăng đóng góp số hóa, công nghệ cao vào tăng trưởng, quá trình chuyển đổi xanh, cơ hội trở thành trung tâm trung chuyển. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế sẽ làm tăng thêm cơ hội cho Việt Nam gia tăng xuất khẩu, đầu tư và du lịch.

Theo TS. Việt, lạm phát ở Việt Nam vẫn ở mức cao mặc dù đã hạ nhiệt do áp lực từ lạm phát toàn cầu và giá nguyên liệu đầu vào tăng. Tuy nhiên, CPI năm 2022 chỉ tăng 3,15% và lạm phát cơ bản tăng 2,59%, thấp hơn mức CPI chung. Bước sang 5 tháng đầu năm 2023 tính chung bình quân, CPI tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 4,54% chính là ẩn số cho việc điều hành ổn định vĩ mô của Việt Nam trong thời gian còn lại của năm 2023.

Tăng trưởng của Việt Nam có thể đạt 6,51%

Với những diễn biến của kinh tế Việt Nam và thế giới trong những tháng đầu năm qua, báo cáo đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023.

Ba kịch bản cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023
Dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam 2023

Ở kịch bản cơ sở, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,01%, CPI bình quân của năm khoảng 4%. Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, đây là kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất trong điều kiện các yếu tố bên ngoài: xung đột Nga - Ukraine, sự suy giảm kinh tế Trung Quốc, Mỹ cũng như các đối tác thương mại lớn của Việt Nam không gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế Việt Nam. Chính sách tài chính – tiền tệ được điều hành linh hoạt phù hợp, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định.

Kịch bản cao, tốc độ tăng trưởng GDP khi đó đạt 6,51%, CPI bình quân của năm khoảng 4,2%. Kịch bản này ít khả năng hơn nhưng cũng có thể xảy khi kinh tế thế giới diễn biến tích cực, sự mở cửa của kinh tế Trung Quốc là cú hích quan trọng đối với kinh tế toàn cầu. Các đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam hồi phục kinh tế và các chính sách điều hành nhanh chóng phát huy hiệu quả

Trong kịch bản thấp, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 chỉ đạt 5,5%, CPI bình quân của năm khoảng 3,5%, tuy ít có khả năng xảy ra, nhưng nếu diễn biến xung đột địa chính trị trên thế giới trở nên phức tạp hơn. Điều này không những sẽ gây cản trở tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những trong những tháng còn lại của năm 2023 mà còn là hậu quả xấu cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong trung hạn.

Để đảm bảo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, báo cáo khuyến nghị, trước hết, Chính phủ cần xác định nhiệm vụ trọng tâm và hàng đầu trong thời gian tới là vừa cân bằng giữa mục tiêu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô nhưng đồng thời tìm kiếm các giải pháp chính sách nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế/phục hồi sản suất kinh doanh của doanh nghiệp một cách nhanh chóng và mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục triển khai hiệu quả hơn các chính sách tài khóa, đặc biệt các gói hỗ trợ phục hồi cho nền kinh tế, hướng vào các ngành có tác động tích cực. Chính sách tiền tệ cần duy trì trạng thái thích ứng với hiện trạng của nền kinh tế có nhiều rủi ro, tiếp tục cân bằng giữa rủi ro tài chính với hỗ trợ phục hồi kinh tế, khơi thông sự luân chuyển của dòng vốn.

Ngoài ra, cần quyết liệt nâng cao hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật của bộ máy công quyền các cấp, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, thúc đẩy các chương trình nâng cao chất lượng doanh nghiệp, năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh…

Theo Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2023, có 4 cơ hội cho tăng trưởng năm 2023 của kinh tế Việt Nam. Đó là: các chính sách điều hành nền kinh tế gần đây cho thấy những quyết tâm thúc đẩy kinh tế trong nước; tăng điều kiện xuất nhập khẩu cho nhiều ngành hàng trong bối cảnh Trung Quốc mở cửa trở lại; cơ hội từ làn sóng dịch chuyển chuỗi đầu tư và các hiệp định thương mại tự do tiếp tục là động lực tăng trưởng thương mại.