Các hoạt động đầu tư trong xã hội sẽ luôn cần nguồn vốn làm nền tảng và cơ chế tín dụng sẽ có vai trò trong việc định hướng đầu tư hướng vào các dự án thân thiện môi trường. Do đó, việc thúc đẩy tăng trưởng xanh thông qua hoạt động tín dụng sẽ là động lực cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tạo ra tiềm năng to lớn để Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững và giảm đói nghèo.

Định hướng từ chính sách

Để phát triển bền vững nền kinh tế, Việt Nam đã đưa ra chiến lược phát triển nền kinh tế xanh, được thể hiện rõ trong Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

TS. Nguyễn Thị Hòa - Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, để thực thi tăng trưởng xanh thì không thể không đề cập đến tín dụng xanh. Bà Hòa cho biết, sự đóng góp của ngân hàng đối với tăng trưởng xanh thể hiện ở hai khía cạnh. Thứ nhất, các tổ chức tín dụng (TCTD) là một trong các trung gian trên thị trường vốn, nên có thể đóng vai trò trọng yếu trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư, góp phần thúc đẩy các khách hàng vay vốn chuyển đổi dự án và mục đích sử dụng vốn vay sang các dự án thân thiện với môi trường. Thứ hai là bản thân hoạt động của các ngân hàng cũng tác động trực tiếp tới môi trường, thông qua việc ứng dụng công nghệ để số hóa hoạt động ngân hàng, áp dụng ngân hàng điện tử, phát triển mô hình ngân hàng không giấy (paperless bank)... giúp tiết kiệm tài nguyên và giảm phát thải.

Hệ thống ngân hàng thương mại tích cực hướng dòng tín dụng vào các dự án xanh.
Hệ thống ngân hàng thương mại tích cực hướng dòng tín dụng vào các dự án xanh.

Thực tế, các định hướng phát triển kinh tế xanh với sự vào cuộc của các ngân hàng cũng đã được thể hiện một phần trong một số văn bản chính sách lĩnh vực ngân hàng. Từ năm 2015, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Tiếp đến, ngày 7/8/2018, Thống đốc NHNN ban hành Quyết định số 1604/QĐ-NHNN về việc phê duyệt “Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam”. Ngày 4/7/2022, Thống đốc NHNN đã ký Quyết định số 1124/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch hành động của NHNN triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ; trong đó, có quy định về tín dụng xanh, ngân hàng xanh nhằm thúc đẩy vốn tín dụng ngân hàng vào các ngành sản xuất và tiêu dùng ít carbon…

Một số thành tựu bước đầu

Với những định hướng, chỉ đạo từ Đảng, Nhà nước và của NHNN, với sự nỗ lực của các TCTD, tín dụng xanh đang có những chuyển biến tích cực, ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm và hạn mức đầu tư ngày càng cao.

Theo NHNN, Việt Nam được xếp vào nhóm thứ 2 các quốc gia có sự tiến bộ đáng kể trong tiến trình phát triển bền vững tại Báo cáo Đánh giá tiến bộ quốc gia giai đoạn 2020-2021 của Mạng lưới tài chính và ngân hàng bền vững (SBFN). Kết quả khảo sát của NHNN đối với các TCTD về lĩnh vực tăng trưởng xanh, tín dụng xanh cũng cho thấy sự hiểu biết của các ngân hàng đã được cải thiện đáng kể.

Dư nợ cấp tín dụng xanh chiếm khoảng 4,1% tổng dư nợ nền kinh tế

Theo Ngân hàng Nhà nước, giai đoạn 2017-2021, dư nợ cấp tín dụng xanh có tăng trưởng bình quân đạt hơn 25%/năm. Đến giữa năm 2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 474.000 tỷ đồng (chiếm 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế), tăng 7,08% so với năm 2021, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (47%), nông nghiệp xanh (32%).

Nhiều TCTD đã xây dựng chiến lược quản lý rủi ro môi trường và xã hội; tích hợp nội dung quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong quy trình thẩm định tín dụng xanh; xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng cho các lĩnh vực xanh và đã quan tâm dành nguồn vốn huy động của ngân hàng để cấp tín dụng cho các lĩnh vực này với kỳ hạn chủ yếu là trung, dài hạn và có sự ưu đãi về lãi suất cho các dự án xanh...

Thời gian qua, khá nhiều ngân hàng đã tham gia các dự án xanh với sự hợp tác với các tổ chức quốc tế, hoặc hợp tác liên ngân hàng. Một trong những dự án đáng chú ý là Dự án chuyển hóa cacbon thấp sang lĩnh vực tiết kiệm năng lượng được BIDV, ANZ triển khai với nguồn vốn do Chính phủ Đan Mạch tài trợ theo Chương trình hỗ trợ đầu tư xanh (GIF). Ngoài ra, một số dự án có sự hợp tác với ngân hàng Việt Nam và các tổ chức quốc tế có sản phẩm cho vay công trình xanh từ nguồn vốn của Công ty Tài chính quốc tế (IFC) tại VPBank; sản phẩm cho vay lại để triển khai các dự án năng lượng tái tạo từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) thông qua Vietcombank. Trong khi đó, một trong những chương trình hợp tác liên ngân hàng về tín dụng xanh là sản phẩm cho vay dự án phát triển năng lượng tái tạo tại các ngân hàng Vietcombank, BIDV, Vietinbank, SHB, HDBank.