15

Nguồn: Bộ Công thương Đồ họa: Hồng Vân

>> Kiểm soát lạm phát góp phần phục hồi tăng trưởng, hỗ trợ người dân

Là những mặt hàng đầu vào của nền kinh tế, những “cú đấm bồi” này đè nặng lên doanh nghiệp, phải oằn lưng gánh chịu trong khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Những đe dọa “tứ phương tám hướng” này đã được cơ quan chức năng linh hoạt điều hành, giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp, góp phần ngăn lạm phát, phục hồi tăng trưởng.

Giá xăng dầu, thép “nóng” cùng dịch

Theo thống kê của Bộ Công thương, giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường thế giới dùng để tính giá cơ sở từ kỳ điều hành ngày 11/1/2021 đến giữa tháng 7/2021 đã tăng từ 35 - 50%, trong khi giá xăng dầu trong nước chỉ điều chỉnh tăng 28,5 - 33,6% so với đầu năm.

Không quá lo ngại lạm phát

sẽ “vượt trần”


Trước những lo lắng về giá tăng tác động lạm phát, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính), đã trấn an dư luận bằng những con số. Ông cho rằng, dù giá một số loại nhiên nguyên vật liệu tăng, nhưng không quá lo ngại lạm phát sẽ “vượt trần” và dự báo, CPI năm 2021 tăng khoảng 3% so với năm 2020 và lạm phát cơ bản bình quân năm 2021 tăng khoảng 2% so với bình quân năm 2020.

Diễn biến giá xăng dầu nửa đầu năm liên tục tăng. Theo tính toán, trong hơn 7 tháng qua, giá xăng đã tăng rất cao, như xăng E5 RON92 tăng tổng cộng 5.875 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 6.215 đồng/lít. Kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 26/6, giá xăng tăng mạnh, trong đó xăng RON95 tăng lên gần 21.000 đồng/lít. Đây là mức tăng cao kỷ lục trong vòng 1,5 năm trở lại đây.

Có thời điểm, nếu không chi từ quỹ, giá các loại xăng sẽ tăng từ 1.217 - 2.150 đồng/lít. Do liên tục trích quỹ trong suốt nửa năm qua, rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đã âm quỹ, doanh nghiệp có tiềm lực mạnh nhất số dư quỹ cũng không còn nhiều và cũng dần cạn kiệt.

Trong khi phải xoay xở với giá xăng tăng, thì giá thép xây dựng cũng “nóng” không kém. Ở thời điểm tăng cao nhất, chỉ số giá sản xuất nhóm sản phẩm sắt, thép tháng 5/2021 tăng 40,47% so với cùng kỳ năm trước; nhôm tăng khoảng 50 - 60%, vật tư điện nước gồm ống nhựa các loại, dây điện tăng khoảng 15 - 25%... ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xây dựng.

Nếu ví xăng dầu là mặt hàng đầu vào quan trọng của nền kinh tế, thì giá thép cũng là đầu vào quan trọng của ngành xây dựng. Giá thép tăng kéo theo nhiều loại vật liệu xây dựng khác đi lên, có thể gây ngừng trệ sản xuất và giảm tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, việc những mặt hàng quan trọng, thiết yếu và là đầu vào của nền kinh tế tăng giá không chỉ khiến người làm công tác quản lý đau đầu, mà các doanh nghiệp, người dân cũng lâm vào thế khó càng thêm khó.

Phản ứng nhanh chặn đà tăng giá

Trả lời báo chí, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội cho rằng, xăng dầu chiếm đến 40% chi phí cước vận tải của mỗi doanh nghiệp. Giá xăng dầu trong nước chịu sự chi phối của giá xăng dầu nhập khẩu, do đó liên tục tăng nên các doanh nghiệp vận tải đang rất khó khăn do dịch Covid-19 nay lại càng khó khăn hơn. Theo ông Liên, “nếu giá xăng dầu cứ tăng, các doanh nghiệp vận tải cũng sẽ đến lúc không cầm cự được”.

Đối với giá xăng dầu, không lúc nào chủ quan, liên Bộ Công thương - Tài chính đã thận trọng, linh hoạt và nhờ bề dày kinh nghiệm trong điều hành, nên điều chỉnh tăng, giảm có kiểm soát, tính toán kỹ các tác động đến mục tiêu kiểm soát lạm phát. Do đó, về cơ bản không lo ngại yếu tố bất thường, ảnh hưởng trực tiếp đến CPI. Ví như ở kỳ điều hành ngày 27/7, giá xăng dầu đã được điều chỉnh giảm nhẹ theo giá dầu thế giới. Nhiều ý kiến cho rằng, mức hơn 100 đồng/lít xăng là mức “giảm như không giảm”, nhưng nếu không tiếp tục chi Quỹ Bình ổn giá ở mức từ 350 - 1.300 đồng/lít, giá xăng E5RON92 sẽ tăng ở mức 1.138 đồng/lít, RON95 sẽ tăng 198 đồng/lít so với giá hiện hành.

Hay như đối với mặt hàng sắt thép, dù không nằm trong danh mục các mặt hàng Nhà nước quản lý giá, nhưng Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời hiện tượng lợi dụng tăng giá nguyên liệu đầu vào để tăng giá bất hợp lý. Mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng này với mức giảm còn 10 - 15%, thay vì mức 15 - 25% so với hiện hành.

Các bộ, ngành khác ngay lập tức cũng đã vào cuộc dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Một loạt giải pháp nhằm ổn định thị trường thép cũng được Bộ Công thương, Bộ Xây dựng đưa ra. Bộ Công thương đã xây dựng các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng; tăng cường quản lý thị trường để ngăn chặn, xử lý kịp thời hiện tượng đầu cơ tăng giá thép, thao túng giá thép trên thị trường, gian lận thương mại làm thất thu ngân sách và ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Các doanh nghiệp cũng cần tiết giảm chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành, tăng công suất sản xuất thép để đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước, hạn chế xuất khẩu…

Đến thời điểm cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2021, giá thép đã hạ nhiệt sau sự vào cuộc rốt ráo của các cơ quan chức năng. Giá xăng dầu thế giới gần đây sau 3 tuần liên tiếp giảm giá cũng bớt gây áp lực lên giá trong nước, tránh tác động xấu đến đời sống của người dân, doanh nghiệp.

“Nhìn bệnh bốc thuốc”


Có người từng ví, chống lạm phát là một cuộc đấu tranh phức tạp, quyết liệt, gian khổ. Ở nước ta đã có thời kỳ, mặc dù Nhà nước ban hành nhiều biện pháp quyết liệt song giá thị trường vẫn tăng mạnh, tới 300 - 400% rồi gần 500%/năm, tức là đã xấp xỉ mức siêu lạm phát. Tuy nhiên, do biết “nhìn bệnh bốc thuốc”, tìm được nguyên nhân ở đâu sẽ bắt đầu từ đó, nên dù có ở thời điểm nào, chúng ta cũng hóa giải được khó khăn.

Những năm gần đây, khi chúng ta vừa cùng lúc giải được 2 bài toán khó đó là thực hiện được mục tiêu kép, vừa tăng trưởng vừa giữ lạm phát ổn định. Kìm giữ lạm phát luôn dưới mức 4% nhiều năm qua, cộng với việc điều hành giá dịch vụ công định hướng thị trường theo lộ trình là một thành công, sự khéo léo trong điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính, của những người làm công tác quản lý, điều hành giá.

Vẫn nói là điều hành linh hoạt, nhịp nhàng, nhưng giá cả đôi khi là “thực tế phũ phàng”, không giống như trong lý thuyết. Khi giá cả tăng cao, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và cả người tiêu dùng phải chịu đựng sự tăng giá, có cả hợp lý lẫn vô lý, trong điều kiện họ đang phải tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh và chi phí tiêu dùng. Nguy hiểm hơn, giá cả tăng còn dễ gây nguy cơ khó kiểm soát lạm phát cũng như bất ổn nền kinh tế.

Nhiều năm qua, các cơ quan quản lý đã làm tốt trong công tác quản lý, điều hành giá. Việc chủ động lên phương án cho các kịch bản giá khác nhau trên cơ sở phân tích khoa học, đã không khiến các nhà quản lý bất ngờ hay rơi vào tình trạng “trở tay không kịp”. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), những biến động giá gần đây đều trong tầm kiểm soát và dự đoán của cơ quan quản lý giá. Tuy nhiên, không chủ quan trước tình hình, bởi vẫn còn tiềm ẩn rủi ro đối với kiểm soát lạm phát. Do đó, công tác điều hành giá vẫn nhất quán theo hướng linh hoạt, thận trọng, đúng theo chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Ban Chỉ đạo điều hành giá, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Minh Anh