Muôn hình vạn trạng hình thức tội phạm

Chống tội phạm công nghệ mới: Cuộc chiến không khoan nhượng

Thời gian qua, cơ quan công an thường xuyên nhận được tin báo tố giác tội phạm của người dân phản ánh về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tiền trên không gian mạng.

Điển hình như đầu năm 2022, ông Trần Đức Thành, trú tại thành phố Vinh đến Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Nghệ An) trình báo việc bị các đối tượng lừa lấy số tiền 500 triệu đồng từ sổ tiết kiệm. Đối tượng lừa đảo tự giới thiệu là công an yêu cầu nạn nhân khai báo số tài khoản ngân hàng, mật khẩu, mã OTP vào một ứng dụng được gửi đến. Lúc đó, nạn nhân vì quá hoảng hốt đã làm theo đúng yêu cầu của các đối tượng, trong phút chốc số tiền 500 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng của ông Thành đã bị các đối tượng rút sạch.

Những kiểu lừa đảo theo hình thức mạo danh như trên không phải là hi hữu, mới đây Ngân hàng Quân đội (MB) cũng mới cảnh báo các thủ đoạn giả danh nhân viên ngân hàng, yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân nhằm đánh cắp tiền của khách hàng từ thẻ tín dụng.

Các đối tượng tội phạm công nghệ cao sử dụng nhiều thủ đoạn để lừa tiền.
Các đối tượng tội phạm công nghệ cao sử dụng nhiều thủ đoạn để lừa tiền.

Trong khi đó, một hình thức lừa đảo khác cũng mới xuất hiện gần đây là tình trạng lừa đảo mạo danh tin nhắn thương hiệu ngân hàng gửi thông báo về việc tài khoản của khách bị khóa, hoặc đã đăng nhập ở một thiết bị khác… và mời khách hàng bấm vào đường link để xác thực, từ đó chiếm đoạt thông tin dịch vụ và tiền trong tài khoản của khách hàng. Đơn cử như theo chia sẻ mới đây của Ngân hàng Vietcombank, tin nhắn giả mạo Vietcombank thường có các đường link bất thường (ví dụ: www.vcbdiogebink.com, www.vcbdingtanbink.com, www.vcbdigirabink.com…). Tuy nhiên, Vietcombank chỉ có một website chính thức duy nhất tại địa chỉ: https://vietcombank.com.vn/.

Ngoài ra, các hình thức tội phạm khác qua mạng internet cũng xuất hiện nhiều, chẳng hạn đầu tháng 5/2022, Công an tỉnh Hải Dương đã triệt phá đường dây đánh bạc và tổ chức đánh bạc thông qua mạng internet dưới hình thức chọn quyền nhị phân, với số tiền giao dịch đặt cược lên đến gần 2.000 tỷ đồng.

Cần cảnh giác để tự vệ

Đối diện với những thách thức này, việc trang bị kiến thức và tinh thần cảnh giác đang là vấn đề cần truyền thông mạnh mẽ để người dân ý thức hơn trong việc tự bảo vệ bản thân khi tiếp cận các dịch vụ tài chính là quan trọng. Bên cạnh đó, cuộc chiến chống tội phạm công nghệ mới cũng dần trở thành một mặt trận nóng bỏng, cam go và thử thách đòi hỏi sự phối hợp của nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, ngân hàng, các tổ chức tài chính.

Trước những thủ đoạn lừa đảo của tội phạm thời gian qua, Trung tá Trần Thiện Giang - Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Nghệ An, khuyến cáo người dân nên chấm dứt nhận cuộc gọi từ số thuê bao có đầu số lạ, hoặc đầu số không phải của Việt Nam (+84) gọi đến. Ngoài ra, ông Giang cũng khuyên người dân nên trao đổi với người thân trong gia đình, bạn bè có am hiểu kiến thức pháp luật nhất định để tư vấn rõ hơn trong những trường hợp có nghi ngờ.

Ông Ngô Tấn Vũ Khanh - Giám đốc quốc gia Kaspersky Việt Nam cho biết, khảo sát của Kaspersky gần đây cũng chỉ ra rằng, chủ yếu vấn đề rủi ro xảy ra trong giao dịch thanh toán điện tử là tới từ phía người dùng cuối chưa có đủ nhận thức về tính an toàn thông tin, tính bảo mật trên các thiết bị của bản thân mình, cũng như cách họ sử dụng và vận hành không gian mạng.

App “Bộ Công an” cũng có thể là phần mềm gián điệp

Bộ Công an cũng đã từng khuyến cáo người dân cảnh giác việc tội phạm sử dụng phần mềm gián điệp để ngụy tạo, giả danh ứng dụng điện thoại (App) mang tên “Bộ Công an”.

Thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng là: Các đối tượng sử dụng công nghệ VOIP tạo lập các số điện thoại ảo, giả mạo số điện thoại công khai của cơ quan thực thi pháp luật (chỉ khác ở đầu số như +0096, +884), để gọi điện cho bị hại, thông báo họ đang bị điều tra vì có liên quan đến một vụ án, chuyên án, nếu không hợp tác sẽ bị bắt giữ, khởi tố. Sau đó, đối tượng yêu cầu nạn nhân cài đặt App mang tên “Bộ Công an” để chiếm đoạt thông tin cá nhân như tên đăng nhập, mật khẩu, tài khoản ngân hàng, họ tên, căn cước công dân...

Với thực trạng này, việc khuyến nghị người dùng cần nâng cao cảnh giác tự phòng vệ đang được các tổ chức cung cấp dịch vụ liên tục cảnh báo trong thời gian gần đây.

Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) cho biết khách hàng nên đổi mật khẩu giao dịch trực tuyến ít nhất 3 tháng 1 lần, hoặc có thể đổi thường xuyên hơn nếu có thể. SSI cũng cho biết, để hạn chế rủi ro và tăng cường tính bảo mật, mật khẩu cần có tối thiểu 8 ký tự, bao gồm ít nhất 1 ký tự số, 1 ký tự chữ thường, 1 ký tự chữ viết hoa và 1 ký tự đặc biệt (#, $, @...). Mật khẩu đặt lệnh phải khác biệt với mật khẩu đăng nhập và nên được thay đổi thường xuyên để đảm bảo an toàn.

Ngân hàng Việt Á (VietABank) khuyến cáo khách hàng thực hiện theo một số nguyên tắc nhằm sử dụng thẻ an toàn, đúng cách. VietABank khuyên người sử dụng nên kiểm tra thẻ các thông tin để đảm bảo đúng với thông tin đã đăng ký, đổi ngay mã PIN đối với các thẻ ngân hàng cung cấp để kích hoạt, chủ động mở/khóa tính năng thanh toán onlines để kiểm soát giao dịch… Trong khi đó, Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank) vừa điều chỉnh quy định về mật khẩu truy cập dịch vụ Ngân hàng điện tử (Flexiapp, Internet Banking). Theo đó, mật khẩu truy cập ngân hàng điện tử của PGBank có hiệu lực tối đa 12 tháng và khách hàng bắt buộc phải đổi mật khẩu sau khoảng thời gian này.