Cử tri tỉnh Thanh Hóa cho rằng, để tránh lãng phí, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trung ương hướng dẫn sớm xử lý các cơ sở hạ tầng dư thừa chuyển đổi mục đích sử dụng, sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Bộ, ngành, địa phương phải sắp xếp lại nhà, đất dôi dư
Sắp xếp lại nhà, đất dôi dư phải lập phương án để xử lý. Ảnh tư liệu minh họa

Bộ Tài chính cho biết, tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công đã quy định trường hợp nhà, đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị khi thực hiện sắp xếp lại nếu không còn nhu cầu sử dụng thì thực hiện bán, chuyển nhượng hoặc điều chuyển, hoặc thu hồi hoặc chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý.

Thực hiện Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 117/NQ-CP.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 557/CĐ-TTg ngày 18/6/2023, Công điện số 616/CĐ-TTg ngày 4/7/2023, Công điện số 771/CĐ-TTg ngày 29/8/2023 và Bộ Tài chính đã có Công văn số 9899/BTC-QLCS ngày 15/9/2023, Công điện số 02/CĐ-BTC ngày 18/12/2023 đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát tài sản công, các cơ sở nhà, đất đang quản lý, sử dụng và căn cứ các hình thức xử lý tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ để thực hiện sắp xếp lại, xử lý tài sản công, cơ sở nhà, đất đảm bảo quản lý, sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí, tiêu cực, tham nhũng.

Các bộ, ngành, đơn vị có tài sản, nhà, đất, dôi dư khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính phải chủ động, quyết liệt trong việc kê khai, đề xuất, lập phương án sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện sắp xếp.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu xây dựng nghị định thay thế Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP theo hướng tăng cường phân cấp thẩm quyền trong lập, phê duyệt, quyết định xử lý nhà, đất./.