Giải đáp 16 vấn đề liên quan đến chính sách thuế, hải quan

Thông tin tại hội nghị, đại diện Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (Kocham) cho biết, nhiều doanh nghiệp (DN) phát sinh giờ làm thêm vượt 200 giờ/người khiến DN phát sinh chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Cụ thể, quy định mức trần giờ làm thêm 16 giờ/tháng khiến DN gặp khó khăn khi làm thủ tục xin tăng giờ làm việc làm thêm bởi cơ quan quản lý tại địa phương không đồng ý. Trong khi đó, nhiều DN phải cho người lao động làm thêm để đảm bảo đơn hàng, vì không tìm đủ người lao động.

Bộ Tài chính giải đáp nhiều kiến nghị về thuế, hải quan của doanh nghiệp Hàn Quốc

Bộ Tài chính giải đáp nhiều kiến nghị về thuế, hải quan đến doanh nghiệp Hàn Quốc. Ảnh: Đức Minh

Theo đó, Kocham đặt câu hỏi, trường hợp do nhân tố bên ngoài, người lao động chủ động làm thêm vượt mức quy định có được tính vào chi phí trừ thuế TNDN hay không?

Giải đáp về vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết, quy định pháp luật nêu rõ, người lao động có trần làm thêm không quá 200 giờ/người/năm, công việc đặc thù không quá 300 giờ/người/năm. Vì vậy, DN cần tìm giải pháp khác để hài hoà giữa quy định pháp luật và đảm bảo sức khoẻ cho người lao động.

Một số câu hỏi khác cũng được DN nêu ra tại hội nghị như: Đại diện Công ty Dong Yang Vina hỏi, DN chế xuất (EPE) khi mua căn hộ đã nhận đầy đủ hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) 10%. Vậy khi bán căn hộ này không phải mục đích kinh doanh bất động sản thì phải dùng loại hóa đơn nào và đăng ký với cơ quan nào để xin cấp hóa đơn?

Đại diện Công ty Hanhwa Vision cho rằng, do hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ không được thực hiện nên DN EPE tại Việt Nam có ký kết hợp đồng với công ty mẹ cũng không thể tiến hành giao hàng trực tiếp cho khách hàng tại Việt Nam, không xin được giấy chứng nhận xuất xứ. Vì vậy, những thiết bị lưu trữ sản xuất tại Việt Nam khi bán cho khách hàng trong nước sử dụng đang phải chịu mức thuế suất 35% (nếu có CO là 5%). Do đó, DN mong muốn loại bỏ đối tượng là DN EPE trong điều khoản dừng hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ.

Công ty may mặc Ivory cho biết, đã đầu tư vào huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa và đang đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, ngày 27/3/2021 đã xảy ra vụ hỏa hoạn lớn tại Nhà máy Ivory Triệu Sơn, khiến công ty rơi vào khó khăn. Tại thời điểm đó, vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi tổng diện tích khoảng 7.000 m² bao gồm nhà xưởng và tòa nhà văn phòng 2 tầng, với tổng thiệt hại ước tính khoảng 86,8 tỷ đồng.

Ngay sau vụ hỏa hoạn, Công ty Ivory Triệu Sơn đã nỗ lực hết sức nhằm đảm bảo an toàn cho cán bộ nhân viên và phục hồi hoạt động của nhà máy, một mặt phối hợp cùng công ty bảo hiểm xác định tổn thất. Đến nay, việc xác định giá trị tổn thất cuối cùng vẫn đang được tiến hành.

Tuy nhiên, theo quy định của Nghị định 134/2016/NĐ-CP được áp dụng tại thời điểm xảy ra vụ hỏa hoạn, việc xác định nguyên nhân và tổn thất vụ hỏa hoạn được quy định phải được hoàn tất và báo cáo hải quan liên quan đến DN xuất khẩu trong thời gian 30 ngày kể từ ngày phát sinh hỏa hoạn, trường hợp báo cáo khi đã quá thời hạn này thì phải nộp phạt theo quy định.

Từ những quy định trên, cơ quan hải quan địa phương vẫn xem xét phương án xử phạt số tiền khoảng 4,4 tỷ đồng đối với Công ty Ivory Triệu Sơn, do công ty không thể xác định tổn thất và báo cáo trong thời hạn 30 ngày. Vì vậy, công ty kiến nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan cân nhắc đến tình hình khó khăn do vụ hỏa hoạn gây ra và xem xét tích cực phương án miễn số tiền phạt nêu trên cho Công ty Ivory Triệu Sơn.

Ngay tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường đã trực tiếp giải đáp 16 vấn đề liên quan đến hoàn thuế GTGT, thuế GTGT, thuế TNDN, hóa đơn,... các DN Hàn Quốc kiến nghị.

Tạo bình đẳng, minh bạch cho doanh nghiệp

Cùng với việc giải đáp kiến nghị của DN, tại buổi đối thoại, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đã giới thiệu những nội dung, kết quả chủ yếu về công tác trong lĩnh vực thuế, hải quan thời gian vừa qua.

Bộ Tài chính giải đáp nhiều kiến nghị về thuế, hải quan của doanh nghiệp Hàn Quốc
Đại diện doanh nghiệp Hàn Quốc đặt câu hỏi kiến nghị tại hội nghị đối thoại. Ảnh: Đức Minh

Phát biểu tại hội nghị, ông Choi Youngsam - Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, cho rằng việc tạo ra một nền sinh thái kinh tế ổn định trong đó có nhiều chủ thể kinh tế có thể hoạt động năng động là chìa khóa quan trọng nhất để đảm bảo cơ sở thuế rộng rãi, hay nói cách khác là đảm bảo nguồn thuế ổn định. Trong những năm gần đây, do môi trường thuế thay đổi nhanh chóng, các quy định pháp luật về thuế và thủ tục hành chính thuế không ngừng thay đổi.

"Bộ Tài chính mong muốn DN Hàn Quốc chủ động tận dụng hơn nữa các cơ hội để đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh và phát triển, đồng thời tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về thuế, hải quan, đóng góp vào mục tiêu chung về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong bối cảnh đầy thách thức như hiện nay" - Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nhấn mạnh.

“Tuy nhiên, nhờ có sự quan tâm và hỗ trợ của các cơ quan thuế và hải quan Việt Nam trong những năm qua các DN Hàn Quốc đã tạo dựng được nền tảng kinh doanh trong nhiều lĩnh vực và tại nhiều địa phương ở Việt Nam” - Đại sứ Hàn Quốc khẳng định.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn khẳng định, trong thời gian tới, Bộ Tài chính Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa trong lĩnh vực thuế và hải quan theo hướng tiếp tục tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thuận lợi trong việc thực hiện các nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước./.