Bộ Tài chính đã chủ động, kịp thời hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Ngành Tài chính: Nỗ lực vượt bậc, thu ngân sách đạt hơn 940 nghìn tỷ đồng

Hỗ trợ 82.000 tỷ đồng cho gần 50 triệu người lao động

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng cho biết, trong Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương vừa qua, Chính phủ đã thống nhất đánh giá những kết quả đạt được 6 tháng đầu năm là rất đáng khích lệ.

Trong đó, nổi bật ở một số kết quả như tăng trưởng GDP quý II tăng 7,72% so cùng kỳ, cao nhất kể từ năm 2011 và vượt khá cao so với kịch bản ở Nghị quyết 01. Kinh tế vĩ mô được đảm bảo cân đối ổn định, lạm phát được kiểm soát. CPI quý II tăng 2,96% so với cùng kỳ, là mức tương đối thấp so với cùng kỳ trước dịch. Đây là một cố gắng lớn trong việc chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, trong bối cảnh lạm phát nhiều nước trên thế giới tăng cao.

Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 371,17 tỷ USD, tăng 16,4%, xuất siêu 710 triệu USD; an ninh lương thực được bảo đảm, xuất khẩu gạo trên 3,5 triệu tấn; đáp ứng đủ điện, xăng dầu; cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu, thị trường lao động phục hồi nhanh…

Các chính sách tài khóa hỗ trợ kinh tế được triển khai nhiều nhất từ trước đến nay
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Đức Minh

Cùng với đó, chúng ta đã thực hiện hỗ trợ 82.000 tỷ đồng cho gần 50 triệu lao động, mức hỗ trợ chính sách an sinh xã hội lớn và rộng nhất từ trước đến nay. Hiện tại, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ về việc phân bổ gói hỗ trợ tiền thuê nhà trị giá 6.600 tỷ đồng để kịp thời triển khai sớm trong thời gian tới. Theo đó sẽ góp phần hỗ trợ người lao động, kích thích thị trường việc làm phục hồi… Nhờ những kết quả đạt được trong khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, chỉ số chất lượng sống của Việt Nam đã tăng 39 bậc…

"Ngoài những nhiệm vụ theo quyền hạn, Bộ Tài chính đã chủ động cùng với các ngành khác xử lý các điểm nghẽn của nền kinh tế. Theo đó, Bộ đã cùng các bộ, ngành khác tập trung tìm giải pháp xử lý các tồn đọng như 4 ngân hàng yếu kém, xử lý tài chính các dự án, các tập đoàn yếu kém khác như SBIC… Xử lý các công việc bình thường đã khó, xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài này càng khó hơn, mất rất nhiều thời gian, công sức", Phó Thủ tướng cho hay và một lần nữa biểu dương những nỗ lực, kết quả đạt được của ngành Tài chính.

Trong tất cả những thành tích chung này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh có sự đóng góp lớn của ngành Tài chính, bởi tất cả các chính sách, chương trình triển khai nếu không có tài chính sẽ không thể làm được. Ghi nhận những nỗ lực của ngành Tài chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhiệt liệt chúc mừng toàn thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên ngành Tài chính đã thực hiện thành công nhiệm vụ thời gian qua, đóng góp quan trọng vào thành công chung của cả nước.

Nói về những nhiệm vụ của ngành Tài chính, Phó Thủ tướng cho rằng, chưa bao giờ các chính sách tài khóa lại được triển khai cùng lúc nhiều như thời gian gần đây. Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch, ngành Tài chính đã rất chủ động, tích cực, nhanh chóng nghiên cứu tìm giải pháp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi kinh tế. Đơn cử như kịp thời tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 15 về miễn, giảm thuế GTGT chỉ sau 18 ngày kể từ khi Nghị quyết 11 của Chính phủ được ban hành. Nhờ được ban hành và triển khai kịp thời ngay từ đầu năm, đến nay gói chính sách hỗ trợ trị giá 64.000 tỷ đồng này đã được giải ngân tích cực.

Ngoài ra, còn nhiều chính sách khác cũng được đánh giá tích cực như Nghị định 34 về gia hạn thuế; Nghị định 36 về hỗ trợ lãi suất với Ngân hàng xã hội; trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 18 về giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu; ban hành thông tư giảm 37 loại phí, lệ phí…

“Rất nhiều công cụ tài chính phải sử dụng trong quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế. Cần nghiên cứu nhanh, đề xuất nhanh mới kịp. Nếu Nghị đinh 15 mà ban hành chậm thì sẽ ảnh hưởng tới lạm phát thế nào, giải ngân có kịp không ? Cho nên tôi đánh giá rất cao” - Phó Thủ tướng nói.

Xây dựng Đề án huy động nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế

Về công tác điều hành thu chi ngân sách, Phó Thủ tướng nhấn mạnh kết quả thu ngân sách đạt 66,1% dự toán, tăng hơn 18% so với cùng kỳ, các sắc thu đều đạt khá so với dự toán. Cùng lúc đó, thực hiện các chính sách miễn, giãn, giảm thuế ước khoảng 45,9 nghìn tỷ đồng, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành 6.600 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi để đảm bảo nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế.

Các chính sách tài khóa hỗ trợ kinh tế được triển khai nhiều nhất từ trước đến nay
Phó Thủ tướng biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm và chúc mừng ngành Tài chính đã đạt được các kết quả tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ tài chính – NSNN 6 tháng đầu năm 2022. Ảnh: Đức Minh

Phó Thủ tướng nhận xét, nguồn lực cho phục hồi từ ngân sách không nhiều, Bộ Tài chính đã chủ động sử dụng nguồn tăng thu để bố trí luôn, tính toán sao cho đầy đủ, phù hợp với tình hình thực tế. Bộ Tài chính cũng đã rất tích cực thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi, đề xuất Chính phủ ban hành các giải pháp tiết kiệm chi để sử dụng nguồn lực nhà nước hiệu quả.

Đánh giá về tình hình thời gian tới, Phó Thủ tướng lưu ý, xung đột Nga – Ukraine ảnh hưởng tới lương thực, năng lượng, việc Mỹ tăng lãi suất cũng gây ảnh hưởng không nhỏ… Do đó, phải tập trung đánh giá để có giải pháp phù hợp, không gây cú sốc với nền kinh tế, đảm bảo việc làm, đời sống của người dân. Các ngành, các cấp, Bộ Tài chính phấn đấu theo dõi sát tình hình, kịp thời ứng phó các diễn biến mới, để đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 đã được Quốc hội thông qua.

Đối với công tác quản lý thu, Phó Thủ tướng đề nghị làm tốt công tác quản lý thu, làm tốt nguồn thu, chống thất thu, chuyển giá, hiện đại hóa phương thức quản lý thuế, đề nghị lãnh đạo các địa phương vào cuộc chỉ đạo sát sao để thực hiện các giải pháp tài chính ngân sách đã được Quốc hội thông qua. Tích cực xử lý, thu hồi nợ đọng thuế trên địa bàn. Mặc dù công tác thu đã làm tốt trong 6 tháng qua, nhưng với tình hình diễn biến phức tạp cần phải tăng cường trách nhiệm.

Nhất trí với những đánh giá của Bộ Tài chính về những hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân và giải pháp đề ra cho 6 tháng tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nội dung.

Trong đó, có tiếp tục nghiên cứu các chính sách tài khóa về thuế, phí để trình cấp thẩm quyền, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phối hợp hiệu quả chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ để kịp thời tham mưu, cập nhật các kịch bản tăng trưởng, giải pháp điều hành trong phạm vi nhiệm vụ được giao.

Kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền các nhiệm vụ giải pháp để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Phối hợp các bộ, ngành tập trung triển khai kịp thời các giải pháp, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng năm 2022 đề ra.

Liên quan đến giá xăng dầu, Phó Thủ tướng lưu ý sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường, phải chuẩn bị để kịp thực hiện ngay từ 11/7. Còn lại các giải pháp về thuế GTGT, tiêu thụ đặc biệt, thuế MFN… cần tiếp tục nghiên cứu đánh giá tác động để đề xuất cho phù hợp.

Với chương trình phục hồi, Phó Thủ tướng yêu cầu phải có đề án huy động vốn từ xã hội cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Theo đó, thông qua các kênh huy động, trái phiếu Chính phủ, căn cứ tiến độ chương trình phục hồi để có đề án huy động kịp thời hợp lý./.