Bộ Tài chính giữ vững vị thế top đầu về cải cách hành chính
Doanh nghiệp cảm nhận rõ lợi ích từ cải cách, hiện đại hóa hải quan
Các giải pháp tháo gỡ cải cách thủ tục hành chính và môi trường kinh doanh
Cải cách môi trường đầu tư, tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp
Doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực cải cách hành chính. Ảnh: TL

PV: Cải cách môi trường kinh doanh là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục được Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp. Bà đánh giá như thế nào về công tác này trong thời gian qua?

Cải cách môi trường đầu tư, tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp
TS. Nguyễn Thị Minh Thảo

TS. Nguyễn Thị Minh Thảo: Theo kết quả rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tổng số điều kiện kinh doanh đến hết năm 2016 có khoảng 6.000 điều kiện kinh doanh; trong đó khoảng 3.000 điều kiện kinh doanh không cần thiết, không rõ ràng, không hợp lý, không có hiệu quả về quản lý nhà nước, hoặc can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành rà soát, đề xuất cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh. Đến hết năm 2019, hầu hết các nghị định sửa đổi về điều kiện kinh doanh đã được ban hành (dưới hình thức một nghị định sửa nhiều nghị định quy định về điều kiện kinh doanh) và cắt bỏ, đơn giản hóa 3.425/6.191 điều kiện kinh doanh.

Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh chững lại, ít được bộ, ngành, địa phương quan tâm. Nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chưa đáp ứng yêu cầu như Chính phủ đã chỉ đạo và cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng.

Trong 2 năm qua, rào cản về điều kiện kinh doanh đang có xu hướng mở rộng. Một số bộ, ngành ban hành và thực thi các quy định về điều kiện kinh doanh với mức độ khắt khe và khó khăn hơn. Đáng chú ý là số lượng ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (theo Danh mục của Luật Đầu tư) giảm, nhưng nội hàm của ngành nghề mở rộng hơn, bao trùm hơn. Đi cùng với đó là hệ thống các quy định về điều kiện kinh doanh và vô vàn thủ tục hành chính kèm theo... Tình trạng này nếu không sớm được khắc phục có thể làm xói mòn các kết quả cải cách giai đoạn trước.

PV: Việc chậm cải cách điều kiện kinh doanh và gia tăng thủ tục bất hợp lý đã và đang tác động bất lợi ra sao đối với hoạt động của doanh nghiệp. Bà có thể dẫn chứng cụ thể về vấn đề này?

TS. Nguyễn Thị Minh Thảo: Kết quả rà soát sơ bộ về điều kiện kinh doanh trong 15 lĩnh vực kinh doanh của CIEM mới đây cho thấy, vẫn còn nhiều điều kiện chung chung, thiếu rõ ràng, khó xác định.

Một số khó khăn, bất cập lớn cụ thể được doanh nghiệp phản ánh là mâu thuẫn, chồng chéo, khác biệt giữa pháp luật về đầu tư, đất đai, đấu thầu, quy hoạch, tài nguyên, môi trường, xây dựng.

Trong khi đó, rào cản kinh doanh rất phổ biến mà doanh nghiệp bức xúc phản ánh là phải thực hiện thủ tục điều chỉnh các giấy phép con nhiều lần ngay cả khi không thay đổi về nội dung ảnh hưởng đến phạm vi hoạt động đã được cấp phép. Trong đó, bất cập nổi cộm là quy định về phòng cháy, chữa cháy, giấy phép môi trường, kinh doanh xăng dầu, quy định về chứng chỉ năng lực xây dựng, kinh doanh vận tải… Điều này đã tác động trực tiếp tới tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế.

PV: Trước thực tế nêu trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đang là yêu cầu cấp bách, cần được xem như một gói hỗ trợ thiết thực nhất cho doanh nghiệp. Bà bình luận thế nào về nhận định này?

TS. Nguyễn Thị Minh Thảo: Có thể thấy, nhiều điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, không có ý nghĩa và hiệu quả về mặt quản lý nhà nước đã gây trở ngại cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 6 tháng đầu năm, tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, rút lui khỏi thị trường cao hơn trung bình các năm. Vốn đăng ký của doanh nghiệp sụt giảm cũng kéo theo cơ hội việc làm của người lao động giảm theo. Với bức tranh này, việc cải thiện môi trường kinh doanh cần thúc đẩy hơn nữa.

Tôi đồng thuận với đề nghị cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đang là yêu cầu cấp bách, cần được xem như một gói hỗ trợ thiết thực nhất cho doanh nghiệp.

Thực hiện hiệu quả mục tiêu này, Chính phủ cần khôi phục chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh; chỉ đạo liên tục, nhất quán việc thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh. Trong đó, có việc sửa đổi các quy định pháp lý về điều kiện kinh doanh; giải quyết kịp thời, triệt để các bất cập, khó khăn của doanh nghiệp; đồng thời tăng cường giám sát, đánh giá độc lập về kết quả thay đổi, cải cách.

PV: Xin cảm ơn bà!

Tiếp tục cắt giảm thủ tục đầu tư, kinh doanh

Để cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, CIEM kiến nghị các bộ, ngành tiếp tục đề xuất cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2022 và Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2023.

CIEM kiến nghị Chính phủ kiểm soát việc đề nghị bổ sung ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh mới; không quy định thêm các điều kiện tạo rào cản cho đầu tư, kinh doanh khi ban hành văn bản pháp luật mới hay sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật hiện hành.