![]() |
Chính sách giảm thuế góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, tăng khả năng kích cầu. Ảnh: Lê Toàn |
PV: Thưa ông, chính sách gia hạn, miễn giảm thuế, phí và tiền thuê đất thời gian qua để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế đã cho thấy hiệu quả thực tiễn. Với vai trò là chuyên gia trong lĩnh vực, ông đánh giá thế nào về các chính sách này?
![]() |
TS. Nguyễn Đình Chiến: Có thể nói, trong thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách từ gia hạn thời hạn nộp một số loại thuế, tiền thuê đất đến miễn, giảm thuế với số tiền lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn từ các tác động bên trong lẫn bên ngoài. Đây là những chính sách được ban hành rất kịp thời và phù hợp.
Thực tế cho thấy, chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, phí và tiền thuê đất tại Việt Nam thời gian qua đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19 và những biến động kinh tế toàn cầu. Điều này được thể hiện trên nhiều góc độ.
Trước hết, chính sách gia hạn, miễn, giảm các nghĩa vụ tài chính này đã góp phần làm giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho họ tiết kiệm chi phí, hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh; đồng thời có thêm nguồn lực tài chính để duy trì, mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, từ năm 2020 - 2024, tổng số tiền miễn, giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất đã ước đạt gần 900.000 tỷ đồng; riêng trong 3 tháng đầu năm 2025, con số này khoảng 22.200 tỷ đồng. Đây là các nguồn tài chính được để lại một phần và có tác dụng quan trọng trong hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tiếp đến, chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, phí và tiền thuê đất (nhất là giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng) còn giúp giảm giá thanh toán hàng hóa và dịch vụ, từ đó tạo điều kiện thúc đẩy sức mua xã hội, tăng tổng cầu và đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng GDP của cả nước. Các số liệu về tốc độ tăng GDP của Việt Nam giai đoạn 2020 - 2024, về mức độ tăng của tổng mức doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng những tháng đầu năm 2025 so với cùng kỳ năm trước (khoảng 9,4%) đã thể hiện được điều đó.
Như vậy, sau nhiều năm thực hiện, chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế, miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất được đánh giá là giải pháp hiệu quả nhất trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
PV: Mới đây, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng cuối năm 2025 và năm 2026, trong đó mở rộng thêm các mặt hàng được giảm thuế. Theo ông, chính sách này sẽ tác động đến nền kinh tế ra sao trước bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn và thách thức trong thời gian tới?
TS. Nguyễn Đình Chiến: Tôi cho rằng, trong những năm qua, nhất là trong năm 2024, kinh tế Việt Nam đã có những bước tăng trưởng khá, song nền kinh tế vẫn chưa thực sự đảm bảo sự ổn định, bền vững. Với bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, rủi ro và thách thức hiện nay cũng như trong thời gian tới, tình hình kinh tế nói chung, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, các vấn đề như chi phí sản xuất còn cao, sức mua trong nước vẫn còn hạn chế, xuất khẩu đang gặp những trở ngại từ các thị trường quan trọng… đã ảnh hưởng đến mức tăng của tổng cầu - là một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, việc tiếp tục sử dụng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo sự ổn định, tăng trưởng của nền kinh tế là rất cần thiết.
Trong giai đoạn từ năm 2022 đến 6 tháng đầu năm 2025, Quốc hội đã quyết nghị giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với hầu hết các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%), trừ các nhóm hàng hóa, dịch vụ: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (trừ than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng cùng với các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí khác đã và đang tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026, trong đó mở rộng thêm các mặt hàng được giảm thuế suất như công nghệ thông tin, sản phẩm kim loại đúc sẵn, than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, xăng dầu. Các đề xuất này chắc chắn sẽ tiếp tục phát huy những kết quả và tác động tích cực của chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ trước đến nay, tiếp tục góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, thúc đẩy tiêu dùng, tăng tổng cầu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
PV: Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên, bên cạnh những chính sách tài khóa, cần chú trọng những giải pháp nào, thưa ông?
TS. Nguyễn Đình Chiến: Theo tôi, để đạt được mức tăng trưởng kinh tế 8% trở lên trong năm nay, bên cạnh những chính sách tài khóa, Việt Nam cần một chiến lược phát triển toàn diện, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm khác nhằm cải cách mạnh mẽ về thể chế, nâng cao năng lực sản xuất và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Trong đó, các giải pháp cụ thể cần được triển khai đồng bộ như: Thúc đẩy đầu tư công, tạo tác động lan tỏa để khuyến khích, thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sản xuất, kích thích tiêu dùng, tạo công ăn việc làm và thu nhập.
Cùng với đó, sử dụng chính sách tiền tệ nới lỏng có kiểm soát, chính sách điều hành lãi suất, tỷ giá chủ động nhằm ổn định môi trường vĩ mô và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn; thúc đẩy cải cách thể chế và môi trường kinh doanh, đẩy mạnh số hóa trong các dịch vụ công, cải cách tư pháp trong lĩnh vực kinh doanh.
Ngoài ra, đẩy mạnh xuất khẩu thông qua việc mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do; tăng năng suất lao động và đổi mới sáng tạo thông qua đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp, kỹ năng lao động, áp dụng công nghệ mới, chuyển đổi số và nghiên cứu phát triển…
PV: Xin cảm ơn ông!
Gia hạn thuế hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp trong nướcNgày 2/4/2025, Chính phủ liên tiếp ban hành 2 nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế. Cụ thể, tại Nghị định số 81/2025/NĐ-CP, Chính phủ đồng ý gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 2 đến tháng 6/2025 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Thời gian gia hạn kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế đến hết ngày 20/11/2025. Theo Bộ Tài chính, việc thực hiện nghị định không ảnh hưởng đến dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2025, do thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày 20/11/2025. Tại Nghị định 82/2025 /NĐ-CP, Chính phủ đồng ý gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế giá trị gia tăng phát sinh phải nộp của kỳ tính thuế từ tháng 2 đến tháng 6/2025. Đối với tiền thuê đất được gia hạn từ tháng 2 - 6/2025. Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn thời hạn nộp thuế của quý I và quý II kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2025. Thực hiện Nghị định 82, theo tính toán ước tính tổng số thuế được gia hạn là gần 102.000 tỷ đồng. |