Thủ tục rút ngắn, ngày càng công khai, minh bạch

Công tác cải cách hành chính (CCHC) của Bộ Tài chính ngày càng được quan tâm và đi vào nề nếp, chất lượng và hiệu quả công việc ngày một rõ nét hơn. Sự chỉ đạo xuyên suốt, linh hoạt, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực tài chính - ngân sách của Bộ Tài chính đã góp phần giữ vững ổn định, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả này đã thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của Bộ Tài chính trong triển khai công tác CCHC năm 2022.

Bộ Tài chính coi công tác cải cách thể chế là nhiệm vụ trọng tâm. Việc nghiên cứu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính đã đáp ứng yêu cầu tiến độ và nội dung theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kịp thời giải quyết những vấn đề lớn phát sinh trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế.

Bộ Tài chính xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có quy định TTHC theo hướng kiểm soát chặt chẽ việc ban hành TTHC, đánh giá tác động đầy đủ kết hợp với nghiên cứu cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, chú trọng đối với lĩnh vực thuế, hải quan, ngân sách nhà nước, cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

Ngành Thuế tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp quản lý hóa đơn điện tử. 	 Ảnh: NM
Ngành Thuế tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp quản lý hóa đơn điện tử. Ảnh: NM

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước ngày càng được nâng lên và phát triển theo hướng hiện đại hóa đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước của Bộ. Nhờ đó, thời gian giải quyết các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp được rút ngắn hơn, công khai, minh bạch và luôn đúng quy định của pháp luật.

Các kết quả đạt được cũng đã được các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận bằng những con số cụ thể. Kết quả chấm điểm Chỉ số CCHC năm 2021 của các bộ, cơ quan ngang bộ do Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ công bố vào tháng 5/2022, thì Bộ Tài chính tiếp tục xếp vị trí thứ 2/17 bộ, cơ quan ngang bộ với kết quả Chỉ số CCHC đạt 91,90/100 điểm. Đây là năm thứ 8 liên tục (từ năm 2014-2021) Bộ Tài chính luôn nằm trong top 3 Bộ đứng đầu về xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính.

Về chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính 2021 (APCI 2021), nhóm TTHC Thuế đạt 92,4 điểm, là nhóm TTHC có điểm APCI cao nhất trong 9 nhóm TTHC được khảo sát năm 2021. Nhóm TTHC Giao dịch thương mại qua biên giới có điểm số APCI 2021 là 77,8 điểm, tăng 7,4 điểm so với APCI 2020 và tăng 2,2 điểm so với kỳ khảo sát đầu tiên. Việc sử dụng dịch vụ hải quan chuyên nghiệp ngày càng tăng giúp tiết kiệm chi phí tuân thủ đối với các doanh nghiệp không có nguồn lực và kinh nghiệm trong việc thực thiện các thủ tục hải quan.

Rà soát, cắt giảm các thủ tục gây khó cho doanh nghiệp

Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, bảo đảm yêu cầu, chất lượng, kịp thời tiến tới xây dựng một nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiệu quả, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch nhằm giảm thiểu chi phí về thời gian và kinh phí của các doanh nghiệp.

Rất nhiều giải pháp cải cách toàn diện được đưa ra nhằm thực hiện mục tiêu trên, từ cải cách thể chế cho đến TTHC, tổ chức bộ máy, cải cách tài chính công, cải cách nhằm xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật, xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người dân làm trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển.

Ngành Tài chính đã đi trước, đi sớm trong chuyển đổi số

Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022 của ngành Tài chính, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá cao nỗ lực trong cải cách hành chính hỗ trợ người dân và doanh nghiệp của ngành. Theo Thủ tướng “ngành Tài chính đã đi trước, đi sớm trong chuyển đổi số, nhưng thời gian tới cần tiếp tục chuyển đổi số nhanh, mạnh hơn, để giảm bớt thủ tục hành chính, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Đây không phải là lần đầu lãnh đạo Chính phủ dành lời ngợi khen cho ngành Tài chính. Để giữ vững phong độ trong cải cách thủ tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, ngành Tài chính đã không ngừng nỗ lực qua từng ngày, từng tháng với những mục tiêu, con số cụ thể.

Bộ Tài chính ban hành và tổ chức triển khai có hiệu quả kế hoạch theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật hàng năm của Bộ; kịp thời xử lý các vấn đề mới phát sinh trong tổ chức thi hành pháp luật, gắn kết với quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật.

Đối với nhiệm vụ về cải cách TTHC, Bộ Tài chính ưu tiên thực hiện các quy định về kiểm soát TTHC, thực hiện đánh giá tác động của TTHC ngay trong quá trình xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và rà soát trong quá trình thực thi; thẩm định, thẩm tra chặt chẽ việc quy định TTHC tại dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thường xuyên rà soát, đánh giá TTHC trong quá trình thực hiện; cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục rườm rà, chồng chéo gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức; tiếp tục rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, loại bỏ các quy định không hợp pháp, không cần thiết, không hợp lý, đảm bảo thực chất.

Lòng tin của người dân, doanh nghiệp là động lực cải cách

Theo nhận định của đại diện một số tổ chức quốc tế, Việt Nam phát triển bền vững, trở thành điểm đến hấp dẫn thì chính sách thuế tạo thuận lợi, khuyến khích kinh doanh phát triển là hết sức quan trọng. Việt Nam đã ban hành nhiều quy định về thuế, hải quan hỗ trợ doanh nghiệp. Đây là hướng đi hợp lý, trong đó, quyết tâm của cơ quan quản lý nhà nước là rất quan trọng để tạo lòng tin của người dân và doanh nghiệp.

Xác định được điều đó, ngành Tài chính trong rất nhiều năm qua, đã không ngừng cải cách để đổi mới công tác quản lý, tạo thuận lợi không chỉ cho doanh nghiệp và người dân và cho chính ngành.

Trước yêu cầu đặt ra ngày càng cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong xu thế hội nhập quốc tế mạnh mẽ, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC một cách chủ động, sáng tạo đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.

Ở thời điểm nhậm chức, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã khẳng định, một trong những ưu tiên trong chỉ đạo điều hành chính sách tài chính – ngân sách nhà nước đó là, các chính sách tài chính bên cạnh việc phải đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, thì điều cốt yếu là phải vì sự phát triển của đất nước, vì dân và vì sự phát triển của doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là trung tâm.

Dám đương đầu với thử thách không dễ làm được nếu không có quyết tâm thay đổi. Trước đây, cơ quan Thuế đã tiên phong chấp nhận sự đánh giá của doanh nghiệp để làm căn cứ thúc đẩy cải cách. Ngành Tài chính cũng là ngành đầu tiên phối hợp với VCCI để tổ chức khảo sát sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Trên thực tế, những cải cách mạnh mẽ về TTHC trên cả nước giai đoạn 2016-2020 đã tiết kiệm cho ngân sách gần 15 nghìn tỷ đồng mỗi năm; hơn 18 triệu ngày công với số tiền tương đương là 6.300 tỷ đồng, trong đó, có đóng góp không nhỏ của ngành Tài chính.

Chiến lược Tài chính đến năm 2030 đã đưa ra 3 đột phá về nâng cao chất lượng thể chế; phát triển nguồn nhân lực, nền tảng tài chính số; khơi thông và phát huy tiềm lực tài chính. Ngành Tài chính đặt ra mục đổi mới cơ chế, chính sách tài chính cho phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh hiện đại hóa, phát triển nền tảng tài chính số trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin gắn với chuyển đổi số.

Có thể nói, chính những kỳ vọng hay thậm chí là sự chưa hài lòng của người dân, doanh nghiệp là động lực để ngành Tài chính bước tiếp.