![]() |
Nguồn: Cục Thống kê Đồ họa: Văn Chung |
PV: Ông đánh giá như thế nào về công tác quản lý, điều hành giá quý I/2025?
![]() |
Ông Nguyễn Minh Tiến: Để thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra, thực hiện lộ trình giá thị trường các dịch vụ công và mặt hàng do Nhà nước quản lý, ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai quyết liệt nhiều giải pháp. Trong đó, đảm bảo thông suốt thị trường; chú trọng, tăng cường công tác quản lý, điều hành giá trong dịp lễ, tết; chuẩn bị sớm phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường...
Trên cơ sở mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm 2025 trong khoảng 4,5 - 5%; tổng hợp thông tin và cập nhật dự báo xu hướng giá các mặt hàng quan trọng thiết yếu kết hợp với kịch bản điều chỉnh giá một số mặt hàng nhà nước định giá, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành xây dựng và cập nhật các kịch bản lạm phát để làm cơ sở kiến nghị, tham mưu các biện pháp quản lý, điều tiết giá phù hợp nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Trong quý I/2025, giá cả thị trường diễn biến theo quy luật hàng năm. Giá cả tăng vào tháng Tết Nguyên đán Ất Tỵ do nhu cầu mua sắm của người dân tăng; thị trường hàng hóa sau tết tương đối ổn định, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu vẫn được đảm bảo, giá các mặt hàng không có biến động lớn và theo hướng giảm so với giai đoạn tết.
Theo số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), CPI so với tháng trước: Tháng 1/2025 tăng 0,98%, tháng 2/2025 tăng 0,34%, tháng 3/2025 giảm 0,03%. CPI bình quân quý I/2025 tăng 3,22% so cùng kỳ năm trước, vẫn nằm trong các kịch bản lạm phát để kiểm soát chỉ số CPI cả năm 2025 theo mục tiêu Quốc hội đề ra với dư địa lạm phát còn lại mỗi tháng so tháng trước tăng khoảng 0,44% - 0,57% trong 9 tháng còn lại của năm 2025.
PV: Trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới hiện nay, theo ông có những yếu tố nào sẽ tác động làm tăng hoặc giảm CPI?
Ông Nguyễn Minh Tiến: Trong thời gian còn lại của năm 2025 có một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá. Cụ thể, giá xăng dầu dự báo còn biến động phức tạp theo diễn biến giá và cung cầu thế giới. Giá một số loại vật liệu xây dựng có nguồn cung hạn chế như cát, đá có thể tăng giá do nhu cầu vật liệu xây dựng tăng trong khi lượng khai thác đối với các mặt hàng này khó tăng đột biến. Giá thành một số nguyên vật liệu nhập khẩu có thể chịu áp lực từ biến động giá thế giới, biến động tỷ giá và chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ, từ đó làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu và có thể gây sức ép đến giá hàng hóa trong nước; đồng thời với đó là việc tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường một số dịch vụ công.
Tuy nhiên, cũng có những yếu tố thuận lợi giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá. Thứ nhất, lạm phát toàn cầu hạ nhiệt giúp nước ta giảm bớt áp lực từ nhập khẩu lạm phát, đồng thời cải thiện tâm lý kỳ vọng của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Thứ hai, Việt Nam có nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Công tác chỉ đạo của Chính phủ và các bộ ngành luôn sát sao, kịp thời để có thể linh hoạt điều chuyển nguồn hàng giữa các vùng miền để bù đắp lượng hàng bị thiếu hụt cục bộ tại các địa phương trong trường hợp bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ góp phần bình ổn giá cả.
Thứ ba, các chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực giáo dục tiếp tục được triển khai sâu rộng, trong đó mức thu học phí đối với giáo dục mầm non và phổ thông công lập năm học 2024 - 2025 được giữ ổn định so với năm học trước, đồng thời với việc giảm giá sách giáo khoa từ 5% - 20% giúp giảm bớt áp lực lên mặt bằng giá.
Thứ tư, các chính sách hỗ trợ giảm thuế như giảm thuế môi trường đối với xăng dầu, giảm thuế giá trị gia tăng sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm, giúp ổn định giá cả hàng hóa và dịch vụ…
PV: Trước bối cảnh diễn biến phức tạp của thị trường thế giới, với vai trò cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ, công tác điều hành giá của Bộ Tài chính sẽ thực hiện như thế nào trong thời gian tới để kiểm soát lạm phát, thưa ông?
Ông Nguyễn Minh Tiến: Công tác quản lý, điều hành giá trong thời gian tới cần tiếp tục phát huy các thành công đạt được trong những năm vừa qua để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ứng phó với những biến động phức tạp, khó dự báo của tình hình kinh tế thế giới, trong đó có chính sách thuế quan của Mỹ, hỗ trợ tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá sẽ chủ động phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá và thực hiện theo thẩm quyền đồng bộ các giải pháp.
Trong đó, tập trung các nhiệm vụ như: Theo dõi sát diễn biến giá các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới để kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá trong nước, chủ động thực hiện theo thẩm quyền hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền kịch bản ứng phó phù hợp.
Bên cạnh đó, điều hành chính sách tài khóa, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá để bình ổn thị trường; tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường trên cơ sở đánh giá, tính toán kỹ tác động để tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả…
PV: Xin cảm ơn ông!
Minh bạch thông tin, hạn chế lạm phát kỳ vọng Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá để hạn chế gia tăng lạm phát kỳ vọng. |