Bố trí vốn ngân sách hỗ trợ khu công nghệ cao Hòa Lạc

Đại biểu Quốc hội (ĐB) Lý Thị Lan (Hà Giang) tán thành với các quy định vượt trội để phát triển đồng bộ các khu công nghệ cao trên địa bàn Thủ đô.

Cần cơ chế đặc thù cho Thủ đô Hà Nội phát triển vượt trội, xứng tầm
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng tại phiên họp chiều nay của Quốc hội.

ĐB Lý Thị Lan bày tỏ đồng tình cao đối với các quy định về chính sách vượt trội trong dự thảo Luật Thủ đô nhằm phát triển đồng bộ các khu công nghệ cao trên địa bàn Hà Nội theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đồng thời, hoàn thiện các biện pháp đặc thù để khu công nghệ cao Hòa Lạc phát triển bền vững và có bước đột phá sau khi được chuyển giao về UBND TP. Hà Nội quản lý, tương xứng với vị trí, vai trò.

Một số ý kiến ĐBQH cũng bày tỏ tán thành với các quy định phân quyền cho UBND TP. Hà Nội quyết định thành lập, mở rộng khu công nghệ cao, ban hành quy chế hoạt động của các khu công nghệ cao do mình thành lập phù hợp với năng lực, nhu cầu phát triển của Thủ đô. Việc thực hiện với nguyên tắc áp dụng mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất cho các dự án, hoạt động đầu tư vào khu công nghệ cao, các biện pháp ưu đãi để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến làm việc tại các khu công nghệ cao.

“Tôi đồng tình cao với việc bổ sung, hoàn thiện các quy định mang tính đột phá, vượt trội của dự thảo Luật giúp cho khu công nghệ cao Hòa Lạc có nhiều hơn nữa cơ hội, lợi thể để phát triển” - ĐB Lý Thị Lan nói.

Trong đó, nổi bật là hai nhóm giải pháp chính sách về quy định vượt trội bố trí vốn ngân sách của thành phố hỗ trợ khu công nghệ cao Hòa Lạc nhanh chóng xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, đặc biệt là xây dựng khu nhà ở lưu trú cho người lao động thuê.

Ngoài ra, cho phép nhà đầu tư sản xuất sản phẩm trong khu công nghệ cao Hòa Lạc được chuyển đổi mục tiêu sang nghiên cứu phát triển, ươm tạo, đổi mới sáng tạo; quy định đặc thù về xác nhận tài sản công của các đơn vị sự nghiệp công lập trong khu công nghệ cao Hòa Lạc.

ĐB Bùi Hoài Sơn (TP. Hà Nội) cho biết, ông đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo trong hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đặc biệt là những điều, khoản liên quan đến văn hóa để văn hóa Thủ đô thực sự tỏa sáng, dẫn dắt sự phát triển văn hóa của đất nước.

Tuy nhiên, ĐB Bùi Hoài Sơn cho rằng, hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn trong phát triển văn hóa, không chỉ đúng đối với văn hóa của Thủ đô, mà còn đúng với văn hóa của cả nước. Chính vì vậy, đại biểu mong muốn, một số chính sách, giải pháp đặc thù vượt trội cho phát triển văn hóa Thủ đô cũng sẽ được áp dụng cho các thiết chế, các hoạt động văn hóa của các cơ quan Trung ương ở Hà Nội.

Cụ thể như Điều 39 về thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư của thành phố Hà Nội, hay Điều 41 về quản lý, sử dụng tài sản công và khai thác công trình hạ tầng quy định cho các cơ quan, tổ chức của thành phố Hà Nội, trong đó có các hạ tầng về văn hóa, thể thao được ký hợp đồng nhượng quyền khai thác, quản lý với các nhà đầu tư, doanh nghiệp để khai thác công trình, hạng mục công trình trong một thời gian nhất định.

“Tôi mong rằng, phạm vi áp dụng của những chính sách này sẽ được mở rộng hơn cho các dự án, các thiết chế văn hóa, thể thao của Trung ương ở Hà Nội để giải quyết những vấn đề bức xúc ở các dự án, các thiết chế văn hóa, thể thao hiện nay như tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam hay một số thiết chế văn hóa, thể thao khác… Khi những chính sách này thực sự có ý nghĩa, có thể giải quyết khó khăn cho các thiết chế văn hóa, thể thao này thì chúng ta không nên chờ đợi lâu hơn nữa” - ĐB Bùi Hoài Sơn nói.

Được quyết định biên chế, tổ chức, có kiểm tra kiểm soát của Trung ương

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng bày tỏ ủng hộ Thủ đô có những cơ chế đặc thù nhưng cần rà soát chặt chẽ, thận trọng.

Cần cơ chế đặc thù cho Thủ đô Hà Nội phát triển vượt trội, xứng tầm
ĐBQH đồng tình ủng hộ Thủ đô cần có những cơ chế đặc thù để phát triển vượt trội, xứng tầm. Ảnh TL

Về mở rộng lĩnh vực HĐND thành phố được quy định mức tiền xử phạt vi phạm hành chính cao hơn, áp dụng trên địa bàn thành phố và về áp dụng biện pháp dừng cung cấp dịch vụ điện đối với một số công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh trong trường hợp thật cần thiết, ĐB Phạm Văn Hòa cơ bản thống nhất với hướng quy định này. Đồng thời, ĐB đề nghị HĐND thành phố xác định cụ thể trường hợp nào, cơ sở nào trong phạm vi áp dụng sẽ bị ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để áp dụng đúng và tránh trường hợp áp dụng tùy tiện.

ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) quan tâm đến quy định về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy vai trò tự chủ, tự quản của chính quyền Thủ đô. ĐB đề nghị Quốc hội nên đẩy mạnh phân cấp, quản lý về biên chế, giao cho Hà Nội được quyền quyết định về biên chế cán bộ công chức, viên chức, đi liền với đó phải có cơ chế báo cáo, kiểm tra, kiểm soát của Trung ương trong quá trình thực hiện.

Về phân cấp, ủy quyền, có ý kiến đề nghị cần chú ý, tập trung vào những quy định liên quan đến vấn đề phân cấp, ủy quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cho chính quyền Thủ đô, qua đó giúp chính quyền Thủ đô có đủ thẩm quyền để chủ động, linh hoạt, năng động trong thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa.

Còn việc phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền Thủ đô là thuộc nội bộ điều hành của chính quyền Thủ đô, thực hiện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, ĐB Hà Sỹ Đồng cho rằng, Quốc hội không nên phân cấp gộp cho Thủ đô việc này.

Kiến nghị ngân sách thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm từ điều chỉnh phí, lệ phí

Về huy động nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường quy định tại Điều 34 và Điều 37, ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Long An) đề nghị sửa đổi khoản 5 Điều 34 thành: Ngân sách TP. Hà Nội được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí quy định tại khoản 4 Điều này để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội và chi hoạt động kinh tế, khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường.