Sửa luật, mở ra không gian mới để Thủ đô phát triển xứng tầm
Diện mạo Thủ đô Hà Nội đổi thay mạnh mẽ nhờ phát triển hạ tầng giao thông. Ảnh tư liệu minh họa.

Phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho Thủ đô

Luật Thủ đô có nhiều quy định mới trong việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền thành phố. Theo đó, Luật đã bảo đảm tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Cụ thể, Luật quy định chính quyền địa phương ở TP. Hà Nội, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND; chính quyền địa phương ở phường tại Hà Nội là UBND phường. Như vậy, Luật đã luật hóa quy định không tổ chức HĐND cấp phường được quy định trong Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hà Nội.

Được dùng ngân sách lập Quỹ đầu tư mạo hiểm

Về cơ chế tài chính, ngân sách TP. Hà Nội được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và chi hoạt động kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và phúc lợi xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố.

TP. Hà Nội được thí điểm thành lập Quỹ Đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học, công nghệ của thành phố nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa, học công nghệ.

TP. Hà Nội được bầu 125 đại biểu HĐND thành phố, trong đó có ít nhất 25% tổng số đại biểu hoạt động chuyên trách (tăng 30 đại biểu so với hiện tại). Thường trực HĐND TP. Hà Nội hoạt động chuyên trách có không quá 11 thành viên, gồm chủ tịch, không quá 3 phó chủ tịch (tăng 1 phó chủ tịch và 4 thành viên thường trực HĐND thành phố).

Theo quy định tại Luật, HĐND thành phố sẽ phải thực hiện tăng thêm trên 80 nội dung nhiệm vụ, quyền hạn. Do đó, việc tăng thêm số lượng đại biểu chuyên trách sẽ thêm sức mạnh cho bộ máy hoạt động để không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HĐND các cấp, bảo đảm thực chất và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới.

Luật cũng phân quyền trực tiếp với quy định trong thời gian HĐND thành phố không họp, Thường trực HĐND thành phố quyết định một số nội dung và báo cáo HĐND thành phố tại kỳ họp gần nhất. Quy định này sẽ giúp bảo đảm tính cấp thiết, kịp thời trong quá trình quản lý, điều hành ở Thủ đô.

Đối với UBND thành phố, Luật phân cấp cho chính quyền thành phố quyết định thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý. UBND, Chủ tịch UBND, cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND các cấp được phân cấp hoặc ủy quyền thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định.

Để bảo đảm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong việc thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp, ủy quyền, tránh lạm dụng, ủy quyền tràn lan, Luật giao HĐND thành phố quy định chi tiết phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền. Bên cạnh đó, giao UBND thành phố quy định việc điều chỉnh hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền phù hợp với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, ủy quyền.

Cho phép thử nghiệm có kiểm soát đúng quy định

Một trong những nội dung mới nữa được bổ sung vào Luật là về cơ chế miễn trừ trách nhiệm khi thực hiện thử nghiệm có kiểm soát. Theo Luật Thủ đô sửa đổi, thử nghiệm có kiểm soát là việc cho phép thực hiện các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, hoặc mô hình kinh doanh mới chưa được pháp luật quy định, hoặc có quy định của pháp luật nhưng không còn phù hợp nên nếu phải áp dụng toàn bộ các quy định hiện hành thì sẽ không thực hiện được.

Điểm d khoản 4, Điều 25 Luật Thủ đô quy định, tổ chức, doanh nghiệp thử nghiệm, cá nhân thực hiện thử nghiệm được miễn trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho Nhà nước, được loại trừ trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự khi đã tuân thủ đúng và đầy đủ nội dung quy định trong quy chế thử nghiệm có kiểm soát và hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Với cơ quan và công chức hướng dẫn, kiểm soát quá trình thử nghiệm, Luật Thủ đô cũng có điều khoản loại trừ trách nhiệm hoặc không xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật có liên quan nếu thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về trình tự, thủ tục, cơ chế hướng dẫn, kiểm soát trong phạm vi trách nhiệm được giao, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung.

Về công tác đảm bảo an toàn, trật tự xã hội, theo Luật mới, HĐND TP. Hà Nội được quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định và không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng. Mức phạt trên được áp dụng trong các lĩnh vực: văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm, giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Đặc biệt, Luật quy định, trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh: có vi phạm về quy hoạch, sai thiết kế; thiếu giấy phép; chưa được phê duyệt, nghiệm thu phòng cháy chữa cháy; phải phá dỡ khi đã có quyết định di dời khẩn cấp…

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025; có 7 quy định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Cơ chế thuận lợi để gỡ những điểm nghẽn về giao thông, môi trường

Đánh giá về Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được thông qua, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, Luật Thủ đô tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi hơn, giải quyết những điểm nghẽn, đưa thành phố phát triển theo đúng mục tiêu đặc biệt, đặc thù của Thủ đô.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội), các quy định trong Luật đã giao quyền tương đối rộng cho chính quyền thành phố. Cụ thể, để giải quyết các vấn đề liên quan đến ùn tắc giao thông, trong dự luật có quy định cho phép HĐND được quy định, thực hiện giải pháp, biện pháp về kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân trong nội đô, quy định vùng phát thải thấp, giảm ô nhiễm môi trường do phương tiện giao thông gây ra...

Đặc biệt, một trong những nội dung dự luật quy định là tập trung phát triển giao thông công cộng theo mô hình TOD. Với quy định này, thành phố có dư địa nhiều hơn để giải quyết các điểm nghẽn, bức xúc về giao thông hiện nay.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP. Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, việc tăng cường phân cấp, phân quyền trong tổ chức bộ máy, quản lý đô thị và mở rộng không gian phát triển Thủ đô sẽ giúp thành phố giảm bớt tắc nghẽn hiện nay về giao thông, hạ tầng, bệnh viện, trường học. Khi mở rộng được không gian phát triển, sẽ giảm được mật độ dân số ở khu vực trung tâm.

Một trong những điều mà đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn (đoàn Hà Nội) đánh giá rất cao ở Luật Thủ đô lần này, đó là những quy định về văn hóa. Hà Nội luôn luôn tự hào là Thủ đô nghìn năm văn hiến, nơi hội tụ, tỏa sáng những giá trị văn hóa của đất nước. Trong Luật Thủ đô lần này đã có rất nhiều những quy định liên quan đến văn hóa; thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển các không gian sáng tạo.

Luật cũng tháo gỡ các vấn đề vướng mắc về thực hiện PPP, quản lý tài sản công để tạo thuận lợi cho các lĩnh vực văn hóa có những bước phát triển mới. Những điều khoản liên quan đến phát triển công nghiệp văn hóa trong Luật Thủ đô thực sự sẽ giúp cho những quan điểm, chủ trương của thành phố được thực hiện tốt hơn, đại biểu Bùi Hoài Sơn nhận định.