28

Việc ký kết hợp đồng tín dụng từ các ngân hàng giúp Vietnam Airlines có thêm nguồn lực để phục hồi mà còn có cơ hội hỗ trợ trở lại cộng đồng.

Từ quan điểm chỉ đạo kịp thời, đúng đắn

Trước khó khăn của Vietnam Airlines do ảnh hưởng của Covid-19, từ năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 24/NQ-CP xử lý tình hình tài chính cho Vietnam Airlines với tinh thần giao Vietnam Airlines và cơ quan chức năng có ngay biện pháp tài chính để đảm bảo dòng tiền cho Vietnam Airlines, không bị các chủ nợ gây khó khăn.

Sau đó, Quốc hội thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá 14, trong đó nhất trí với đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn choVietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo đó, Quốc hội cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện tái cấp vốn cho tổ chức tín dụng để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Vietnam Airlines được phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ

Nghị quyết Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khoá 14 đồng ý cho Vietnam Airlines được chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ. Trên tinh thần đó, Nghị quyết 194 của Chính phủ đã cho phép Vietnam Airlines phát hành thêm cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ khi đáp ứng các quy định tại Luật Chứng khoán, Nghị quyết của Quốc hội và quy định của pháp luật. Chính phủ cũng giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước.

Đối với Vietnam Airlines, Nghị quyết yêu cầu cần tiếp tục có giải pháp xử lý giảm lỗ, thực hiện có hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và quan tâm đến quyền lợi người lao động trong điều kiện đại dịch Covid-19 có khả năng chưa thể sớm chấm dứt.

Sau khi được Quốc hội thông qua về mặt chủ trương, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 194/NQ-CP triển khai việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Nghị quyết 194 giao Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn không có tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng, sau khi tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay có tài sản bảo đảm của Vietnam Airlines để bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, số tiền tái cấp vốn tối đa không quá 4.000 tỷ đồng, lãi suất tái cấp vốn 0%. Thời hạn tái cấp vốn tối đa không quá 364 ngày. Khoản tái cấp vốn được tự động gia hạn hai lần tại thời điểm đến hạn đối với dư nợ gốc tái cấp vốn. Thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu. Tổng thời gian tái cấp vốn và gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 3 năm.

Thể hiện sự quan tâm của cơ quan đại diện vốn Nhà nước trước những khó khăn của Vietnam Airlines, bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ luôn quan tâm, theo sát Vietnam Airlines. “Ủy ban sẽ kịp thời phối hợp với các cơ quan bộ, ngành đưa ra những định hướng, giải pháp tháo gỡ khó khăn và tạo đà phục hồi sau đại dịch”, bà Hà nói.

Dấu ấn của các ngân hàng

Nghị quyết 194 quy định thời gian giải ngân tái cấp vốn không muộn hơn ngày 31/12/2021, tuy nhiên, việc ký kết hợp đồng tín dụng giữa các ngân hàng và Vietnam Airlines đã diễn ra khá sớm.

Cụ thể đầu tháng 7/2021, Vietnam Airlines đã ký kết hợp đồng tín dụng với ba ngân hàng thương mại gồm: Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB).

Trước đó, Vietnam Airlines đã chủ động làm việc với một số tổ chức tín dụng để tìm kiếm sự chấp thuận cho vay vốn mang tính nguyên tắc từ các ngân hàng trong bối cảnh tình hình tài chính của Vietnam Airlines bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19. Tại lễ ký này, các tổ chức tín dụng cam kết cho Vietnam Airlines vay 4.000 tỷ đồng để hỗ trợ Vietnam Airlines ứng phó, vượt qua khủng hoảng và bảo đảm khả năng phục hồi, phát triển của Vietnam Airlines sau đại dịch.

Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines cho biết, việc tiếp nhận gói tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng là một trong các giải pháp của Chính phủ trong vai trò cổ đông Nhà nước nắm giữ 86,19% cổ phần tại Vietnam Airlines để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Sau khi giải ngân tổng số tiền 4.000 tỷ đồng dưới hình thức vay ưu đãi từ các ngân hàng thương mại, Vietnam Airlines sẽ sử dụng nguồn lực này để thanh toán các khoản nợ quá hạn và thanh toán các dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh phát sinh tại thời điểm giải ngân, tuyệt đối không dùng cho các hoạt động đầu tư, mua sắm hay các hoạt động không trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh. Cụ thể, các nội dung chi tiêu sẽ được ưu tiên gồm: Chi trả tiền thuê máy bay; sửa chữa bảo dưỡng máy bay và các khoản nợ của các nhà cung ứng dịch vụ tại sân bay.

Chủ tịch Vietnam Airlines cho biết thêm, theo đánh giá của các tổ chức hàng không và Vietnam Airlines, thị trường khách quốc tế có thể sẽ cần 2 - 3 năm để hồi phục tương đương với mức của năm 2019, trong khi thị trường nội địa có thể phục hồi mạnh mẽ ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Với kịch bản lạc quan, dự báo đến năm 2023, thận trọng hơn là năm 2024, thị trường hàng không Việt Nam sẽ phục hồi quy mô tương đương năm 2019.

Vietnam Arlines đang dần hồi sinh

Sau khi ký hợp đồng tín dụng từ các ngân hàng, Vietnam Airlines cũng đã có thêm nguồn năng lượng để phục hồi các hoạt động kinh doanh, đồng thời có cả những động thái hỗ trợ trở lại cộng đồng.

Theo kế hoạch của hãng hàng không này, giai đoạn từ tháng 7 - 10/2021, Vietnam Airlines cân nhắc mở lại các đường bay quốc tế giữa Việt Nam và một số điểm đến tại châu Á, châu u và Úc. Hãng hàng không này cho biết đang tiếp tục theo dõi thị trường để xây dựng kế hoạch khai thác phù hợp trong giai đoạn tiếp theo, đảm bảo đáp ứng cao nhất yêu cầu về phòng, chống dịch và năng lực cách ly tại các địa phương.

Ngoài ra, trong bối cảnh các chuyến bay chở khách giảm, Vietnam Airlines đã tiến hành hoán cải nhiều tàu bay Boeing 787, Airbus A350, Airbus A321 để chở hàng trên khoang hành khách, làm tăng năng lực chuyên chở hàng hóa trên mỗi loại máy bay lên gấp 1,8 - 2 lần so với chở hàng tại khoang bụng. Hãng hàng không này đã xây dựng lịch bay thường lệ chở hàng quốc tế với 30 đường bay và tổ chức hơn 3.500 chuyến bay chở hàng. Điều này làm cho doanh thu vận chuyển hàng hóa tăng lên mức gần 30% tổng doanh thu của hãng hàng không này (giai đoạn trước dịch Covid-19, doanh thu hàng hóa chỉ chiếm 9%).

Ngoài ra, việc tiếp nhận sự hỗ trợ từ chính sách cũng như nguồn vốn từ các ngân hàng, Vietnam Airlines cũng đã thêm nguồn năng lượng để đóng góp cho hoạt động chống dịch. Gần đây nhất vào hồi đầu tháng 8/2021, 300 y bác sỹ bệnh viện Việt Đức đã có mặt tại TP. Hồ Chí Minh tham gia chống dịch trên tàu bay lớn nhất Việt Nam hiện nay của Vietnam Airlines (Boeing 787-10). Các y bác sỹ sẽ tham gia vận hành Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19, phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19. Tính đến nay, hơn 3.000 y bác sỹ và hơn 140 tấn hàng hóa y tế đã vượt hàng nghìn cây số trên các chuyến bay của hàng không quốc gia để “chia lửa” với các vùng dịch.

Trước đó vào cuối tháng 7, 2.500 cuốn sách của Hội đồng Đội Trung ương cũng đã “cất cánh” vào TP. Hồ Chí Minh trên chuyến bay của Vietnam Airlines để đến với các em thiếu nhi tại những khu cách ly và trung tâm bảo trợ trẻ em trên địa bàn thành phố.

Hoàng Long