đầu tư công

Ưu tiên bố trí vốn cho các dự án phát triển hạ tầng trọng điểm liên ngành, liên lĩnh vực để thúc đẩy phát triển kinh tế. Ảnh TL minh họa.

Ưu tiên bố trí vốn cho các dự án trọng điểm

Về phân bổ và giao dự toán chi đầu tư phát triển, dự thảo thông tư quy định: các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ, giao dự toán chi đầu tư phát triển nguồn NSNN phải tuân thủ đúng quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn.

Dự toán chi đầu tư phát triển từ NSNN bố trí cho các dự án thuộc danh mục trong trung hạn vốn NSNN giai đoạn 2016 - 2020 đã có đầy đủ quyết định đầu tư, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án phát triển hạ tầng trọng điểm liên ngành, liên lĩnh vực để thúc đẩy phát triển kinh tế, các dự án vốn vay (vay ODA, vay ưu đãi).

Trong từng ngành, từng lĩnh vực, chương trình bố trí vốn theo thứ tự ưu tiên như sau: Thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) tối thiểu bằng 50% số nợ đọng XDCB nguồn ngân sách trung ương (NSTW) giai đoạn 2016 - 2020 còn lại chưa thanh toán; thu hồi số vốn ứng trước; đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi, vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư. Tiếp đó là dành vốn cho các dự án chuyển tiếp hoàn thành trong năm 2019; dự án chuyển tiếp hoàn thành sau năm 2019 theo tiến độ.

Sau khi bố trí vốn cho các nhiệm vụ nêu trên, nếu còn nguồn mới xem xét bố trí cho dự án khởi công mới năm 2019 đã có đủ thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật.

Các bộ, cơ quan trung ương, trong trường hợp được Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi đầu tư XDCB từ nguồn thu bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thực hiện phân bổ, giao dự toán cho các công trình, dự án và thực hiện ghi thu, ghi chi theo chế độ quy định, trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao.

Địa phương phải dành nguồn trả nợ

Ngoài việc thực hiện phân bổ, bố trí vốn và giao dự toán chi đầu tư phát triển như trên, Bộ Tài chính đã lưu ý một số nội dung đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Theo đó, căn cứ dự toán chi đầu tư phát triển được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính giao, các địa phương bố trí dành nguồn tương ứng số bội thu ngân sách cấp tỉnh (nếu có) để trả nợ gốc các khoản vay của ngân sách địa phương (NSĐP) đến hạn phải trả trong năm 2019 và dành thêm nguồn để trả nợ lãi các khoản vay đến hạn trong năm 2019 (nếu dự toán chi trả nợ lãi đã được giao còn thiếu).

Phần còn lại mới phân bổ vốn cho các công trình, dự án, trong đó bố trí, cân đối đủ vốn cho các dự án, chương trình được NSTW hỗ trợ một phần để thực hiện các mục tiêu theo quy định.

Các khoản địa phương vay lại từ nguồn Chính phủ vay về cho vay lại đã tính trong tổng mức dự toán chi đầu tư phát triển NSĐP năm 2019 Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính giao tổng số, danh mục chương trình, dự án vay. Căn cứ tổng mức vay vốn nước ngoài được giao và dự kiến khả năng giải ngân của các thỏa thuận vay đã ký kết, địa phương phân bổ và giao dự toán cho từng chương trình, dự án, đồng thời chỉ thực hiện giải ngân trong phạm vi dự toán được giao.

Trường hợp các dự án đã được giao kế hoạch vốn giải ngân thấp hơn dự toán được giao, địa phương được phép phân bổ vốn vay cho dự án vay mới phát sinh chưa có trong danh mục dự án đã được cấp có thẩm quyền giao. Tuy nhiên, phải đảm bảo tổng số vốn vay nước ngoài của tất cả các chương trình, dự án không vượt quá tổng mức dự toán vay được giao.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, căn cứ vào tiến độ giải ngân và khả năng vay, các địa phương được chủ động tăng hoặc giảm nguồn vốn vay trong nước và nguồn vốn vay nước ngoài về cho địa phương vay lại, nhưng phải đảm bảo không vượt quá tổng mức dự toán vay được giao (trừ các địa phương có số dư nợ vay đã vượt quá hạn mức vay theo quy định của Luật NSNN).

Bộ Tài chính cũng lưu ý các địa phương cần ưu tiên bố trí từ nguồn vốn đầu tư phát triển của NSĐP cho các dự án đầu tư tái tạo rừng từ nguồn thu thuế tài nguyên đối với gỗ rừng tự nhiên phát sinh hàng năm theo quy định.

Thời gian qua, cơ cấu lại chi NSNN được thực hiện tích cực và bước đầu đạt kết quả nhất định. Theo đó, đã giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển lên mức 26 - 27%, cao hơn mục tiêu đề ra là 25 - 26%.

Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ Tài chính, vẫn còn tình trạng phê duyệt các chương trình, dự án khi chưa cân đối được nguồn; phân bổ dàn trải, giải ngân không đạt kế hoạch, số chuyển nguồn lớn và kéo dài..., đội chi phí lên cao. Theo đánh giá của ADB, chậm thực hiện dự án làm tăng chi phí 17,6% mỗi năm (11% do lợi ích giảm đi và 6,5% do mất giá). Nếu chậm giải ngân 2 - 3 năm, thì chi phí tăng đến 50%.

Do đó, trong tổ chức thực hiện dự toán, Bộ Tài chính luôn đề cao kỷ luật, kỷ cương trong chi tiêu ngân sách, cả trong chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển, nhằm đảm bảo nguyên tắc chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả./.

Minh Anh