bao

Việc khắc phục hậu quả môi trường do thiên tai bão lũ, hàng năm NSTW đã chi từ 3 - 4 nghìn tỷ đồng.

Ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ NSNN (Bộ Tài chính) trao đổi với phóng viên TBTCVN xung quanh những phản hồi của dư luận về việc tăng khung thuế suất thuế BVMT đối với xăng dầu. Ông Hưng khẳng định, ngân sách chi cho BVMT trên thực tế lớn hơn thu từ thuế BVMT.

PV: Bộ Tài chính hiện đang dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Thuế BVMT, trong đó dự kiến sẽ điều chỉnh khung thuế suất đối với mặt hàng xăng dầu theo hướng tăng so với hiện nay. Điều này khiến dư luận lo ngại và cho rằng, phải chăng do NSNN đang “bí” nên Bộ Tài chính mới đề xuất điều chỉnh tăng thuế, thưa ông?

Ông Võ Thành Hưng: Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị chủ trương cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững (NQ 07) góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; tăng cường huy động, quản lý, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội... Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 (NQ 25), cũng đã yêu cầu thực hiện các giải pháp về cơ cấu lại NSNN.

Đây là yêu cầu thực tế trong điều kiện nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng, phải cắt giảm thuế quan, trong khi yêu cầu chi tiêu ngân sách cho đảm bảo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và đặc biệt là nhu cầu đảm bảo nguồn cho kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội quyết định ngày càng lớn; đi cùng với đó là yêu cầu giảm dần bội chi ngân sách, tăng chi trả nợ để giảm nợ công.

Để giải bài toán này cần có các giải pháp tổng thể cả từ chính sách thu, đến chính sách quản lý chi và quản lý nợ công. Đối với chính sách thu, Chính phủ đã trình Quốc hội 8 nhóm giải pháp điều chỉnh chính sách thu để đảm bảo cân đối ngân sách ngày càng lành mạnh, đúng mục tiêu đề ra. Khi đề xuất điều chỉnh chính sách thu, Chính phủ đã tính đến tính cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo mức độ huy động vào NSNN từ nền kinh tế sẽ không quá cao, chỉ duy trì ở mức 20 - 21% GDP.

anh

Ông Võ Thành Hưng

Để làm được điều này, ngoài việc mở rộng đối tượng thu qua phát triển mở rộng doanh nghiệp (DN), thêm cơ sở nguồn thuế, nghiên cứu một số sắc thuế mới… cần phải điều chỉnh một số chính sách thuế để thực hiện mục tiêu quản lý và điều tiết tiêu dùng trong đó có thuế BVMT.

Nói một cách ngắn gọn, việc điều chỉnh khung thuế BVMT là nằm trong giải pháp tổng thể điều chỉnh chính sách thu nhằm cơ cấu lại NSNN đã được thể hiện rõ trong Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội cho giai đoạn 2016 - 2020.

PV: Nhiều người dân đặt vấn đề về sự minh bạch các nguồn thu và chi từ thuế BVMT. Nhiều quan điểm bày tỏ, thu từ nguồn thuế này rất lớn nhưng chi cho công tác BVMT lại thấp là không hợp lý. Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?

Ông Võ Thành Hưng: Về nguyên lý, khác với lệ phí và các khoản thu mang tính chất giá dịch vụ, các khoản thu từ thuế và phí không có tính chất bồi hoàn trực tiếp cho các đối tượng nộp. Như vậy, có nghĩa khoản thu từ thuế BVMT không phải là khoản thu mang tính đối giá và hoàn trả trực tiếp; không quy định sử dụng cho các nhiệm vụ chi cụ thể mà được sử dụng để bố trí, đảm bảo an ninh, quốc phòng, đối ngoại, an sinh xã hội, điều chỉnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý và hoạt động định hướng phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện một số hoạt động kinh tế như bảo vệ môi trường, duy tu bảo dưỡng hạ tầng kinh tế…

Luật NSNN quy định, các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật được tổng hợp đầy đủ vào cân đối NSNN, theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể. Theo đó, thuế BVMT cũng như thu từ tất cả các sắc thuế, phí, khác phải được hòa chung với tổng nguồn thu NSNN. Số thu của từng loại thuế, chi từng nhiệm vụ đều được công khai, được thể hiện rõ trong dự toán thu, chi NSNN và báo cáo quyết toán NSNN hàng năm.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, NSNN cũng đã ưu tiên bố trí kinh phí cho nhiều hoạt động có liên quan đến BVMT. Cụ thể, hằng năm, NSNN bố trí chi thường xuyên cho hoạt động BVMT chiếm tỷ lệ không dưới 1% tổng chi NSNN.

Ngoài ra, chi từ nguồn vốn đầu tư phát triển của ngân sách trung ương (NSTW) cho các chương trình, dự án theo ngành, lĩnh vực quản lý tập trung ở ngành tài nguyên và môi trường (cấp nước và xử lý rác thải, nước thải); NSNN chi cho môi trường cũng được bố trí lồng nghép từ nhiều chương trình như: Chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn; Chương trình khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường; Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu… Chỉ tính riêng việc khắc phục hậu quả môi trường do thiên tai bão lũ, hàng năm NSTW đã chi từ 3 - 4 nghìn tỷ đồng, thậm chí có năm nhiều hơn phụ thuộc vào mức độ thiệt hại do thiên tai, bão lũ do tác động của biến đổi khí hậu gây ra.

Đồng thời, chi từ nguồn dự phòng NSTW để phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ các địa phương xử lý các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách trong năm như đê kè, hồ chứa… Ngoài các nguồn chi NSNN cho môi trường nêu trên, còn có nguồn chi từ các hoạt động kinh tế, chi đầu tư phát triển, chi từ dự phòng của ngân sách địa phương cho nhiệm vụ BVMT và các khoản vay, viện trợ chi trực tiếp cho dự án về BVMT không đưa vào NSNN. Và một số nội dung, nhiệm vụ do NSNN chi trả góp phần BVMT như: Dự án Xây dựng tuyến đường sắt trên cao; các dự án, chương trình KHCN ứng dụng công nghệ xanh, bền vững…; và nguồn vốn vay, viện trợ chi trực tiếp cho các dự án về môi trường.

Bình quân trong giai đoạn 7 năm vừa qua, NSNN phải chi (cả đầu tư và chi thường xuyên) mỗi năm khoảng 30 nghìn tỷ cho các hoạt động môi trường và các hoạt động liên quan đến môi trường. Trong khi đó, nguồn thu từ thuế BVMT trong những năm qua bình quân mỗi năm khoảng 20 nghìn tỷ đồng. Như vậy, nếu phân tích về chi cho các hoạt động có liên quan đến BVMT vẫn nhiều hơn so với số thu vào NSNN từ thuế BVMT.

PV: Tuy nhiên, dư luận vẫn bày tỏ băn khoăn tại sao trong điều chỉnh chính sách thuế, không điều chỉnh các khung thuế khác mà lại điều chỉnh khung thuế BVMT, trong đó có khung thuế đối với xăng dầu, thưa ông?

Ông Võ Thành Hưng: Như chúng tôi đã nêu, để thực hiện cơ cấu lại NSNN, Chính phủ đã đề xuất các giải pháp tổng thể về thu, chi, quản lý nợ công. Đối với thu, chúng ta sẽ rà soát, điều chỉnh lại tất cả các sắc thuế như: Thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp (TNDN), tiêu thụ đặc biệt, BVMT, thuế đất đai và tài sản… để điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu mở rộng cơ sở thu, tăng cường quản lý thuế, phù hợp với hội nhập quốc tế, đồng thời đảm bảo duy trì sức cạnh tranh tổng thể của nền kinh tế. Theo đó, đối với thuế BVMT, việc nâng khung thuế suất này không có nghĩa là chúng ta áp dụng ngay khung tối đa. Trong điều hành thu, sẽ tùy thuộc vào điều kiện thực tế tình hình kinh tế để quyết định áp dụng mức thuế cụ thể.

Về điều chỉnh khung thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu, được căn cứ vào việc điều tiết tiêu dùng hướng tới sử dụng nhiên liệu sạch; căn cứ vào tương quan gánh nặng về thuế trên một lít sản phẩm, nguyên liệu đầu vào giữa các nước trong khu vực. Có nghĩa là căn cứ trên tổng các khoản thuế, Nhà nước thu về trên một đơn vị sản phẩm liên quan tới giá thành nguyên liệu đầu vào của DN để so sánh.

PV: Trong quá trình điều chỉnh khung thuế BVMT, Bộ Tài chính đã tính đến tác động đối với phát triển kinh tế ra sao. Việc tăng thuế liệu có đi ngược lại chủ trương của Chính phủ về tạo thuận lợi cho DN sản xuất kinh doanh không, thưa ông?

Ông Võ Thành Hưng: Nhiều năm qua Bộ Tài chính trình Chính phủ, Quốc hội ban hành các giải pháp điều chỉnh chính sách thu, trong đó chủ yếu là giảm thuế. Thí dụ, đối với thuế TNDN từ 32% đã giảm xuống 25%, xuống 23% và hiện tại xuống 20%; thuế thu nhập cá nhân cũng giảm mạnh, thậm chí Bộ Tài chính khi trình, Quốc hội còn đề nghị giảm thuế này ở mức cao hơn so dự kiến ban đầu… Vì vậy, việc điều chỉnh tăng khung thuế suất BVMT lần này đã gây phản ứng trái chiều của một bộ phận dư luận cũng là điều dễ hiểu.

Việc điều chỉnh khung thuế BVMT đối với xăng dầu đã được căn cứ vào nhiều yếu tố như cam kết quốc tế về cắt giảm dần thuế nhập khẩu xăng, giá xăng dầu của Việt Nam so với các nước trên thế giới, đặc biệt là những nước có chung đường biên giới, tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ xăng dầu. Khi đề xuất mức thuế BVMT cụ thể thì Bộ Tài chính sẽ phải có các đánh giá tác động của việc điều chỉnh mức thuế đến nền kinh tế trong nước để đảm bảo cùng với nhiều giải pháp khác, trong đó có giải pháp về cải cách hành chính sẽ không làm giảm sức cạnh tranh cũng như sự phát triển của DN.

Thực tế những năm trước, khi giá xăng dầu quốc tế tăng cao, để giữ giá xăng dầu trong nước không tăng quá, từ đó kiềm chế áp lực lạm phát, giảm chi phí đầu vào cho DN, Chính phủ đã có lúc phải điều chỉnh các loại thuế đánh vào xăng dầu, thậm chí có lúc sau khi giảm tối đa các khoản thuế, NSNN còn phải chi thêm đề bù giá. Nói như thế để thấy rằng, khi điều chỉnh thuế, Chính phủ luôn phải cân nhắc tới các yếu tố tác động nhiều chiều đến nền kinh tế.

Tất nhiên, khi điều chỉnh khung thuế thuế BVMT đối với xăng dầu sẽ phần nào tác động đến yếu tố đầu vào, nhưng chúng ta cũng cần phải xem xét mức độ ảnh hưởng đối với DN đến đâu, cụ thể như thế nào. Thuế BVMT tác động bao nhiêu phần trăm đối với giá nguyên liệu đầu vào và 1% nguyên liệu đầu vào tăng bao nhiêu phần trăm chi phí cho DN.

Ở góc độ khác, cũng cần xác định NSNN ngoài chức năng thu, còn có chức năng quan trọng là phân bổ lại nguồn lực cho các đối tượng trong nền kinh tế, trong đó có các DN. Bên cạnh việc đặt ra các khoản thuế, Nhà nước phải có trách nhiệm sử dụng lại nguồn ngân sách để tạo điều kiện cho DN, giảm chi phí cho DN như: xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư cho DN, đào tạo nghề, khuyến khích chuyển đổi công nghệ,…

PV: Xin cảm ơn ông!

“Tỷ lệ phần trăm thu từ thuế BVMT hiện nay chiếm 2-3% trong tổng thu NSNN. Dự thảo Luật Thuế BVMT mới đang đề xuất điều chỉnh phạm vi khung thuế BVMT để áp dụng cho lộ trình dài, và sẽ cân nhắc tăng phù hợp trong từng thời điểm”, ông Võ Thành Hưng nhấn mạnh.

Huyền Trang (thực hiện)