Thành công lớn trong triển khai tiêm vắc-xin

Theo báo cáo, cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trước diễn biến phức tạp, nguy hiểm, khó lường của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, cử tri và nhân dân hoan nghênh, đồng tình ủng hộ việc Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch với tinh thần "chống dịch như chống giặc", đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết.

Quốc hội khóa XV đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành có căn cứ chỉ đạo, điều hành, giải quyết ngay những vấn đề cấp bách trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Có thể nói, đây là một sáng kiến pháp luật chưa có tiền lệ, thật sự có ý nghĩa.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, nhất là từ khi được kiện toàn, do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban đã bám sát diễn biến dịch bệnh, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự xã hội, huy động và vận động xã hội, sản xuất và lưu thông hàng hóa, bảo đảm nguồn lực và thông tin truyền thông.

“Chiến lược và các biện pháp phòng, chống dịch được triển khai trong thời gian qua cơ bản là phù hợp, đạt được kết quả quan trọng với những quyết sách nhanh, quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện” - ông Đỗ Văn Chiến cho biết.

Chủ tịch MTTQ Việt Nam
Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến.

Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm chỉ đạo thường xuyên, nỗ lực cao độ trong công tác ngoại giao vắc-xin, trong một thời gian ngắn đưa về nước được một lượng vắc-xin lớn để tiêm miễn phí cho nhân dân, là một kỳ tích, một bước đột phá cực kỳ quan trọng trong chiến lược phòng, chống dịch.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực vận động các tập thể, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Các nước, tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, kiều bào đã có đóng góp lớn bằng tiền và hiện vật với tổng giá trị nhiều chục nghìn tỉ đồng cho công tác phòng, chống dịch.

Các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông đã chuyển tải kịp thời, chính xác, khá đầy đủ về công tác phòng, chống dịch. “Tuyệt đại đa số người dân tin tưởng, ủng hộ, chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Chiến thắng đại dịch Covid-19 là chiến thắng của nhân dân” - Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Với những nỗ lực đó, đến nay, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP để thực hiện lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh ở các địa phương.

Bộc lộ nhiều điểm yếu của hệ thống và năng lực quản lý các cấp

Bên cạnh kết quả to lớn đã đạt được, cử tri và nhân dân cho rằng công tác phòng, chống dịch còn một số hạn chế, bất cập.

Đó là, công tác dự báo có lúc chưa sát với thực tiễn. Còn hạn chế trong phân tích tình hình để triển khai có bài bản các phương án ngắn hạn cũng như dài hạn, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Công tác chỉ đạo, điều hành trong thời gian đầu đợt dịch thứ 4 có nơi, có lúc còn lơ là, chủ quan, cứng nhắc, nhất là trong chỉ đạo xử lý các tình huống cụ thể, đột xuất; còn lúng túng, bị động, chưa thống nhất, chưa kịp thời điều chỉnh khi tình hình thay đổi; bộc lộ nhiều điểm yếu của hệ thống và năng lực quản lý của các cấp.

Các quy định của pháp luật hiện hành chưa bao quát được hết các tình huống ứng phó với bùng phát dịch bệnh. Việc ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, trong đó có một số văn bản chưa sát thực tiễn, thiếu tính khả thi, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Hệ thống y tế bộc lộ nhiều hạn chế và yếu kém, nhất là y tế cơ sở và công tác y tế dự phòng, chưa đáp ứng được yêu cầu khi dịch bệnh xảy ra. Hầu hết các trang thiết bị y tế, thuốc, sinh phẩm, vắc-xin,... đều phải nhập khẩu, do chưa sản xuất được trong nước dẫn đến chưa kịp thời, bị động, chi phí cao. Điều kiện sinh hoạt, năng lực quản lý và nguy cơ lây nhiễm ở chính các khu vực cách ly cũng là vấn đề cử tri và nhân dân lo lắng.

Công tác truyền thông có thời điểm còn bị động, lúng túng, chưa kịp thời, nhất là trong thời gian đầu của đợt dịch lần thứ 4; ứng dụng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao.

Mong muốn có giải pháp hỗ trợ kịp thời sản xuất kinh doanh

Về thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế năm 2021, cử tri và nhân dân ghi nhận nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc ban hành và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều hoạt động kinh tế đã mất đà tăng trưởng đạt được trong nửa đầu năm 2021, kéo theo tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng không đạt kế hoạch. Bên cạnh đó, việc giãn cách xã hội trong thời gian dài, nhất là ở các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam dẫn đến tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, các chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, sản xuất bị đứt gãy.

Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, các địa phương có giải pháp kịp thời lưu thông hàng hóa, vận chuyển vật tư, thiết bị để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh; có các chính sách hỗ trợ về thuế; giảm các khoản phí, lệ phí, tiền thuê đất; giãn, khoanh nợ, giảm lãi suất ngân hàng; có chính sách hỗ trợ duy trì lực lượng lao động… để doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất; có chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, tạo việc làm tại các vùng nông thôn, miền núi./.