VHH

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn của đại biểu.

Không có chuyện sản xuất điện cầm chừng

Mở đầu phiên chất vấn, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) nêu vấn đề có hay không việc nhà máy thuỷ điện Hoà Bình sản xuất cầm chừng trong khi chúng ta mua điện của tư nhân, của Trung Quốc với giá cao. Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định ngay: Đây là ý kiến này không có cơ sở.

"Những năm qua, chúng ta đã xây dựng nhiều nhà máy thuỷ điện công suất lớn như Hoà Bình, Sơn La, Trị An… Các nhà máy đều hoạt động hết công suất. Vì vậy, không có cơ sở cho việc nói rằng chúng ta phát điện cầm chừng ở các dự án thủy điện lớn”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhắc lại.

ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu câu hỏi vì sao trong tổng số 24 nhà máy xi măng, có 23 nhà máy do nước ngoài làm tổng thầu trong đó nhiều nhà máy do Trung Quốc làm tổng thầu thì tỷ lệ nội địa hoá 0 – 3%, trong khi các nhà máy do một số nước khác đầu tư thì tỷ lệ nội địa hoá lên đến 25%. Hay trong số 15 nhà máy nhiệt điện do Trung Quốc làm tổng thầu, tỷ lệ nội địa hoá là 0%.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Công thương cho biết tất cả các nhà máy nhiệt điện công suất lớn hiện nay đều sử dụng hình thức nhà thầu EPC, phần lớn các việc liên quan đến máy móc thiết bị do tổng thầu đảm nhận. Mặc dù phần lớn các máy móc thiết bị này DN trong nước có thể làm được, nhưng đúng là tham gia của DN Việt là rất ít.

Mặc dù Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, như yêu cầu các chủ đầu tư khi lập hồ sơ mời thầu cần tách bạch những gói thầu mà DN trong nước có thể làm được khỏi các gói thầu do DN nước ngoài đảm nhận; ban hành danh mục thiết bị trong nước sản xuất được để khuyến cao chủ đầu tư sử dụng…. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, do nhiều lý do, các chủ đầu tư đã chưa thực hiện được việc này.

Đề nghị có luật riêng về công nghiệp hỗ trợ

Một chủ đề được nhiều ĐB quan tâm nhất là những yếu kém của ngành công nghiệp hỗ trợ và trách nhiệm trong vấn đề này. ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên Huế) đặt câu hỏi, chúng ta xác định, công nghiệp hỗ trợ là khâu đột phá phát triển nhanh bền vững các ngành công nghiệp chủ lực. Nhưng đến nay, công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa có gì đáng kể. Liệu có phải do thiếu chính sách và trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu?

“Sau 10 năm công nghiệp hỗ trợ và chế tạo đều yếu kém, đa phần lắp ráp và gia công. Đâu là nguyên nhân, có phải do thiếu tập trung trong lãnh đạo?”, ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) chất vấn.

Thừa nhận “công nghiệp hỗ trợ thời gian qua có khá nhiều vấn đề”, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã ban hành một số chính sách đối với 6 nhóm hàng hóa liên quan đến công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực cơ khí chế tạo ô tô, điện tử, dệt may, da giầy, hàng nhựa. Gần đây nhất, Bộ đã ban hành quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, do cấp độ pháp lý của những chính sách này còn thấp, chưa đạt yêu cầu, thậm chí chưa có nghị định nên chưa tạo thuận lợi cho công nghiệp hỗ trợ phát triển và hiện nước ta mới chủ yếu nói đến phụ tùng, linh kiện, nguyên phụ liệu.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Công thương đang trình Chính phủ Nghị định bao quát hơn, tiến tới đề nghị có luật riêng về công nghiệp hỗ trợ, để phát triển lĩnh vực này.

Chống gian lận thương mại hiệu quả hơn khi có ban chỉ đạo 389

Liên quan đến việc chống hàng giả, gian lận, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) chất vấn, có những mặt hàng ở trong nước, người dân và doanh nghiệp sản xuất được, tiêu thụ không hết, nhưng hàng giả, kém chất lượng vẫn “thẩm lậu” qua biên giới như thuốc lá, đường, nông sản… “Bộ trưởng có dám cam kết với ĐB và cử tri sẽ kiên quyết ngăn chặn xử lý các hàng nêu trên so với năm 2014 giảm được bao nhiêu %? Bộ trưởng cần bao nhiêu lực lượng chuyên trách bán chuyên trách để thực hiện hiệu quả?”, ĐB nêu câu hỏi cụ thể.

Thừa nhận vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói “hàng giả, hàng nhái là tồn tại nhức nhối nhiều năm. Cá nhân tôi đã nhận trách nhiệm về hạn chế này mặc dù ngành công thương, lực lượng quản lý thị trường đã có nhiều cố gắng nhưng hiệu quả chưa cao”. Tình hình ngày càng phức tạp khi tỷ lệ số vụ việc vi phạm gian lận thương mại trong nước năm sau cao hơn năm trước, số vụ xử lý vi phạm cũng cao hơn.

Theo Bộ trưởng, do dung lượng thị trường ngày càng phát triển mạnh, độ mở của nền kinh tế lớn nên việc giao thương hàng hóa tăng, nhiều phần tử lợi dụng kẽ hở, mở cửa để đưa hàng giả, hàng kém chất lượng vào tiêu thụ trong nội địa. Tuy nhiên, lực lượng, phương tiện vừa thiếu vừa yếu, trang thiết bị không đầy đủ khiến việc đấu tranh chống lại các hiện tượng này nhiều khi hiệu quả không cao.

“Thậm chí để xác định chất lượng phân bón trên thị trường, ở nhiều nơi anh em quản lý thị trường còn phải thử bằng miệng”, Bộ trưởng nêu ví dụ. Bên cạnh đó, cũng không loại trừ trong đội ngũ quản lý thị trường có tình trạng tiêu cực, chưa hết trách nhiệm, bao che cho các hành vi sai phạm.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, với sự ra đời của ban chỉ đạo 389, với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp thì việc chống gian lận thương mại sẽ từng bước đạt hiệu quả. “Từ khi có ban 389, tình hình đã có chuyển biến tích cực, chắc chắn công tác này sẽ được cải thiện trong những năm tiếp theo”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định./.

Hoàng Yến