Nghiên cứu của Visa (công ty thanh toán điện tử hàng đầu thế giới) về quy mô thị trường trong lưu chuyển dòng tiền thương mại 2024 cho thấy, trên bối cảnh toàn cầu, thanh toán B2B (giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp) đang có chiều hướng chậm hơn so với thanh toán C2B (giao dịch giữa người dùng với doanh nghiệp) về khả năng số hóa và tính hiệu quả.

Nỗ lực chuyển đổi số thúc đẩy thanh toán B2B ước tính sẽ mang lại giá trị kinh tế lên tới 41 nghìn tỷ USD tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, không bao gồm các dòng giao dịch nội địa Trung Quốc.

Điểm sáng chuyển đổi số mở ra cơ hội cho thanh toán B2B tại Việt Nam
Việc số hóa trải nghiệm thanh toán trong thương mại B2B sẽ tạo bệ phóng cho tài chính toàn diện tại Việt Nam. Ảnh minh họa

Theo nghiên cứu trên, dù ghi nhận nhiều thách thức trong tiến trình chuyển đổi số, doanh nghiệp Việt Nam cũng đang cho thấy tầm nhìn lớn hướng về tương lai, với 33% doanh nghiệp trong nước, bao gồm cả doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhận định đang tích cực ưu tiên chuyển đổi số để nâng cao năng lực vận hành.

Tính riêng về quy mô thị trường và vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMBs) tại Việt Nam, nhóm doanh nghiệp này đang mở ra tiềm năng đáng kể cho khối ngân hàng và doanh nghiệp fintechs nói riêng, cũng như toàn ngành tài chính - thanh toán nói chung.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính, hơn 97% trong số 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam là SMBs, thu hút hơn 5 triệu việc làm và đóng góp tới 45% GDP quốc gia.

Việc số hóa trải nghiệm thanh toán trong thương mại B2B cũng được khối doanh nghiệp đánh giá cao về vai trò tác động lên tốc độ tăng trưởng kinh tế và tạo bệ phóng cho tài chính toàn diện tại Việt Nam.

Từ khảo sát mới nhất của Visa hướng tới doanh nghiệp vừa và nhỏ, 68% SMBs tại Việt Nam đang áp dụng thanh toán thẻ trong kinh doanh chứng kiến doanh thu tăng đáng kể so với trước đây. Bên cạnh đó, 62% SMBs đã được thuyết phục bởi trải nghiệm thanh toán kỹ thuật số nhanh chóng và an toàn, bắt đầu tăng cường sử dụng thanh toán số nhiều hơn trong đời sống cá nhân thường ngày.

Bà Đặng Tuyết Dung - Giám đốc Visa Việt Nam và Lào, cho biết: “Đổi mới là chìa khóa cho tương lai ngành thanh toán và Visa đang thúc đẩy quá trình đổi mới nhằm tạo điều kiện tăng trưởng cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và cộng đồng tại Việt Nam với trải nghiệm thanh toán liền mạch, bảo mật và an toàn”.

“Chúng tôi kỳ vọng đồng hành cùng doanh nghiệp và các tổ chức tài chính tái định hình và hiện đại hóa các giải pháp thanh toán B2B. Tại Việt Nam, điều này sẽ mở ra triển vọng mới để ngân hàng tiếp cận và hỗ trợ sớm cho khối doanh nghiệp xuyên suốt hành trình thanh toán, từ cung cấp khả năng triển khai số hóa, sử dụng dữ liệu thay thế trong đánh giá tín dụng, cho đến cung cấp giải pháp toàn diện trong quản trị thanh toán thương mại” - ông Gareth Parrington, Giám đốc cao cấp khu vực Đông Nam Á về Giải pháp thanh toán doanh nghiệp và chuyển tiền của Visa chia sẻ.

Tại hội nghị khách hàng về giải pháp doanh nghiệp diễn ra mới đây, Visa đã cho ra mắt VNPAYB2B - nền tảng nhà cung cấp giải pháp thanh toán doanh nghiệp, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam trong nỗ lực trang bị cơ sở hạ tầng chấp nhận thanh toán B2B. Nền tảng này có thể hỗ trợ doanh nghiệp thanh toán cho các nhà cung cấp không chấp nhận thẻ với giải pháp thẻ doanh nghiệp Visa, nhờ đó cải thiện dòng tiền với chiết khấu hấp dẫn khi thanh toán sớm, tăng cường khả năng kiểm soát các khoản chi tiêu và giảm thiểu tác vụ vận hành của doanh nghiệp, thông qua ứng dụng quy trình số hóa và khai thác dữ liệu.