Chủ động, linh hoạt điều hành giá năm 2024
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Đức Minh

3 kịch bản điều hành giá năm 2024

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận đã trình bày báo cáo về kết quả công tác quản lý, điều hành giá năm 2023 và định hướng năm 2024.

Theo Thứ trưởng Lê Tấn Cận, để chủ động ứng phó với áp lực lạm phát, từ đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai quyết liệt nhiều giải pháp kinh tế vĩ mô như bảo đảm nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu và nguyên vật liệu đầu vào quan trọng của sản xuất.

Tăng cường công tác quản lý về giá trong dịp Tết

Dịp Tết Nguyên đán đang đến gần, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị tăng cường công tác quản lý, điều hành giá trong dịp Tết Nguyên đán. Chú trọng công tác quản lý, điều hành, bình ổn thị trường giá cả, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá theo thẩm quyền.

Công tác quản lý điều hành giá được thực hiện chủ động, điều hành giá mặt hàng Nhà nước quản lý thận trọng trong những tháng đầu năm, tạo dư địa an toàn cho công tác kiểm soát lạm phát cả năm 2023, các quý tiếp theo thực hiện linh hoạt theo diễn biến CPI với mức độ và liều lượng phù hợp, điều hành giá xăng dầu phù hợp với diễn biến giá thế giới. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2023 tăng 3,25% so với cùng kỳ năm trước trong phạm vi lạm phát mục tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra.

Đối với năm 2024, theo Bộ Tài chính, vẫn có một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá. Theo đó, giá một số mặt hàng nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu dự báo có thể có biến động tăng như: giá xăng dầu dự báo còn biến động phức tạp theo diễn biến giá và cung - cầu thế giới, giá một số vật liệu xây dựng như thép có thể biến động do ảnh hưởng của giá nguyên vật liệu đầu vào.

Giá lương thực có thể tiếp tục tăng do nhu cầu gạo của một số quốc gia nhập khẩu gạo truyển thống của Việt Nam dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao. Đồng thời, việc thực hiện lộ trình giá thị trường, tính đúng tính đủ chi phí trong giá các hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá tiếp tục là vấn đề cần xem xét trong năm 2024, điều này cũng gây áp lực lên điều hành giá.

Trên cơ sở đó, Nhóm giúp việc xây dựng 3 kịch bản lạm phát ở mức từ 3,52-4,5%. Bên cạnh đó, một số dự báo của các cơ quan chuyên môn độc lập cũng dự báo CPI bình quân năm 2023 xoay quanh mức 3,5-4,5%. Tổng cục Thống kê dự báo, CPI bình quân trong khoảng 3,5%-4,5% (3 kịch bản 3,5%, 4% và 4,5%). Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự báo lạm phát bình quân năm 2024 tăng trong khoảng 4 ± 0,5%.

Chủ động, linh hoạt hơn nữa trong điều hành giá

Chủ động, linh hoạt điều hành giá năm 2024
Ảnh minh họa.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong công tác điều hành giá, dù gặp nhiều áp lực trong điều hành đến từ trong nước và ngoài nước, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

“Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2023 tăng 3,25% so với cùng kỳ năm trước trong phạm vi lạm phát mục tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra. Đây là thành công rất lớn, góp phần làm nên thành công kép khi lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế là điểm sáng trong khu vực. Công tác điều hành giá đã sát đúng, điều hành linh hoạt, hiệu quả theo đúng mục tiêu đề ra” - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý trong điều hành giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, phải linh hoạt, kịp thời, tạo dư địa cho kiểm soát lạm phát, nhưng không gây ảnh hưởng tới đời sống của người dân.

Năm 2024, với mục tiêu đề ra tăng trưởng kinh tế từ 6-6,5% và kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng ở mức 4-4,5%. Bộ Tài chính đã có đánh giá cụ thể từng mặt hàng, Phó Thủ tướng đề nghị cần rà soát kỹ lại và có phương án điều hành cụ thể. Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yếu tố “chủ động”, “linh hoạt” trong điều hành. Bởi chỉ có dự báo tốt, theo sát thị trường mới lên phương án sát với thực tế và chủ động điều hành, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Dịp Tết Nguyên đán đang đến gần, Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác quản lý, điều hành giá trong dịp Tết Nguyên đán. Chú trọng công tác quản lý, điều hành, bình ổn thị trường giá cả, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá theo thẩm quyền.

Đáng lưu ý, cần chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường. Các bộ, ngành, địa phương cần chủ động trong việc tính toán, sớm chuẩn bị các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng để tránh bị động trong triển khai chính sách. Phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá tác động đến CPI để từ đó thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định mức độ, thời điểm điều chỉnh phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Các bộ, ngành “hiến kế” và cùng vào cuộc

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá, lãnh đạo một số địa phương - thành viên Ban Chỉ đạo đã tham góp ý kiến, đưa ra nhận định và kiến nghị điều hành giá năm 2024.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng cho biết, dịp Tết Nguyên đán sắp tới, thị trường hàng hóa sôi động hơn, hàng hóa dồi dào, giá cả không biến động lớn. Một số mặt hàng tiêu thụ chậm và sức mua giảm so với các năm. “Ngành Công thương đã ban hành Chỉ thị các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, đã chỉ đạo các doanh nghiệp chủ động vào cuộc bình ổn giá; chủ động xây dựng các kịch bản, bình ổn thị trường, kết nối cung cầu; tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại” - Thứ trưởng Phan Thị Thắng nói. Theo đó, tại các địa phương đã tổ chức các hội chợ tết, giới thiệu các sản phẩm, tiêu thụ hàng hóa cho người dân dịp cuối năm.

Kiến nghị các giải pháp điều hành giá thời gian tới, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho rằng, cần đặc biệt chú ý điều hành giá lương thực, thóc gạo trong nước do ảnh hưởng bởi xuất khẩu, dự báo sẽ neo ở mức cao. Đồng thời, việc tăng lương ảnh hưởng tâm lý tăng giá; giá nguyên liệu trên thị trường dự báo tăng ảnh hưởng tới trong nước. Tuy nhiên, nguồn cung hàng nông sản khá dồi dào, giá cả ổn định. Cùng với đó, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, giá cả hàng hóa cơ bản ổn định.

Bộ Công thương trong thời gian tới tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính thực hiện điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định, sử dụng Quỹ bình ổn giá linh hoạt, hiệu quả, đảm bảo mục tiêu điều hành lạm phát.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà cho rằng, năm 2023 dù nhiều áp lực nhưng đã kiểm soát lạm phát thành công. “Sang năm 2024, có nhiều áp lực cho lạm phát, như tăng trưởng vòng 2 của giá nguyên liệu, nhiên liệu; lộ trình cải cách tiền lương, dịch vụ công... gây áp lực lên lạm phát. Trên thị trường quốc tế, giá dầu cũng là một ẩn số, tạo áp lực lên lạm phát. Dự báo, lạm phát năm nay không quá lớn” - Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà nói.

Theo lãnh đạo NHNN, việc điều hành giá các mặt hàng thiết yếu là hết sức quan trọng trong đó có giá xăng dầu. Điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý phải linh hoạt, kịp thời và đánh giá kỹ tác động. Cùng với đó, công tác truyền thông là hết sức quan trọng, giúp góp phần điều hành lạm phát nói chung.

Đại diện Bộ Y tế cho biết, trong năm 2024 dự kiến sẽ đưa chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý vào giá khám chữa bệnh. Chi phí khấu hao tính đủ từ năm 2025 trở đi. Việc chưa tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý, trong khi nhiều bệnh viện đã tự chủ, làm ảnh hưởng tới hoạt động của bệnh viện. Việc tính đúng, tỉnh đủ các chi phí vào giá khám chữa bệnh cần được các cơ quan quản lý đánh giá kỹ tác động trước khi trình Ban Chỉ đạo.