Bộ Tài chính đưa công tác phòng, chống tham nhũng về một đầu mối Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có nhiều chuyển biến tích cực Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả rõ rệt
Công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến mới, hiệu quả hơn
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội ngày 21/11. Ảnh: TL

Kinh tế khó khăn, nhiều loại tội phạm gia tăng

Tại phiên họp, trình bày báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay, về cơ bản, tình hình, kết quả công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do những khó khăn về kinh tế - xã hội làm gia tăng các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật. Nguồn lực cho công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật còn hạn chế; năng lực, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu…

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2023, tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu còn diễn biến rất phức tạp; số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế được phát hiện nhiều hơn 11,69%, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện nhiều hơn 51,63%.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp đánh giá năm 2023, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp vừa bảo đảm phát triển kinh tế, ổn định đời sống người dân và đấu tranh có hiệu quả đối với vi phạm pháp luật và tội phạm. Lực lượng công an đã triển khai nhiều biện pháp

để phát hiện, xử lý nhanh chóng những điểm nóng; kịp thời truy bắt các đối tượng khủng bố, chống chính quyền nhân dân; xử lý nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp…

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng tổng thể chung tội phạm gia tăng về số vụ, số người chết và thiệt hại về tài sản do tội phạm gây ra. Điều này chứng tỏ công tác phòng ngừa tội phạm trên một số lĩnh vực còn có mặt chưa đạt yêu cầu.

“Điều này không chỉ gây bất an trong nhân dân về trật tự, an toàn xã hội mà còn thể hiện sự hạn chế nhất định trong công tác phòng ngừa tội phạm trên một số lĩnh vực” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo cho hay.

Vẫn còn hạn chế trong phòng, chống tham nhũng

Đối với công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2023, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày báo cáo của Chính phủ cho hay, công tác PCTN tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu

quả hơn, để lại dấu ấn tốt, củng cố thêm niềm tin của nhân dân, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2023.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đánh giá tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm, y tế... gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng…

Công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến mới, hiệu quả hơn
Đấu giá công khai biển số ô tô là một trong những giải phấp phòng, chống tham nhũng. Ảnh: TL

Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện làm việc cầm chừng, né tránh, sợ sai không dám làm, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp.

Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ vẫn chưa nhiều chuyển biến, có ít vụ việc được phát hiện qua tự kiểm tra; vẫn xảy ra các vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan có chức năng PCTN, tiêu cực, gây dư luận không tốt.

Theo đánh giá của Ủy ban Tư pháp, năm 2023, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng tiếp tục được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện. Tuy nhiên, một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn có những hạn chế; một số hạn chế đã tồn tại kéo dài qua nhiều năm nhưng chậm được khắc phục. Cụ thể là, việc thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa có nhiều cải thiện, nhất là ở địa phương; vẫn còn nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vi phạm. Việc bố trí, bổ nhiệm người nhà, người thân thích vào các chức danh lãnh đạo quản lý trong cùng một cơ quan, tổ chức, đơn vị trái quy định vẫn còn xảy ra.

Tuy nhiên, công tác thanh tra còn có hạn chế; việc phát hiện, kiến nghị chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra còn trường hợp chưa kịp thời; sự phối hợp giữa cơ quan thanh tra với cơ quan điều tra, viện kiểm sát trong công tác phát hiện, chuyển giao vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự có lúc chưa chặt chẽ; một số cuộc thanh tra chưa làm rõ được hậu quả, thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra; còn có trường hợp vi phạm về trình tự, thủ tục thực hiện, ban hành kết luận thanh tra..., gây hậu quả nghiêm trọng.

Phát huy vai trò người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng

Đồng tình với các đánh giá, giải pháp về công tác phòng chống tham nhũng, đại biểu Bố Xuân Linh (đoàn Bình Thuận) cũng đề xuất bổ sung thêm một số giải pháp.

Trong đó, trước tiên là phát huy vai trò người đứng đầu, bởi thực tiễn đã chỉ ra rằng, ở đâu người đứng đầu có trách nhiệm cao, gương mẫu trong quản lý, cương quyết với những sai phạm thì ở đó công tác phòng chống tham nhũng được thực hiện tốt hơn và ngược lại.

Thứ hai là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chế độ tiền lương hợp lý để cán bộ, công chức, viên chức có thể sống chủ yếu bằng lương, có mức thu nhập khá trong xã hội.

Giải pháp thứ ba là trong quá trình xử lý những người vi phạm cần có sự phân loại. Đối tượng chủ mưu, cầm đầu phải xử lý nghiêm minh. Còn với những người vi phạm do thực hiện theo chỉ đạo của người đứng đầu, của cấp trên thì cần được xem xét có chính sách khoan hồng.