Đã đến lúc phát triển thị trường giao dịch vàng phi vật chất
Nguồn: Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam. Đồ họa: Phương Anh

Đây là quan điểm chung của các chuyên gia tham gia cuộc tọa đàm "Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 25/1.

Hệ lụy từ chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới

Tại cuộc tọa đàm, các ý kiến đều cho rằng Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời năm 2012 đã giúp ổn định thị trường vàng vốn rất nhiều bất cập thời điểm đó. Tuy nhiên, đến nay sau hơn 10 năm, nhiều nội dung ở Nghị định 24 không còn phù hợp.

Các quy định như Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, chọn thương hiệu SJC là thương hiệu vàng quốc gia, cấm nhập khẩu vàng… đã khiến nguồn cung vàng trong nước rất hạn chế. Trong khi tâm lý người dân Việt Nam vẫn có thói quen tích trữ vàng như một tài sản dự phòng rủi ro. Điều này đẩy giá vàng miếng lên rất cao so với thế giới, gây thiệt thòi cho người dân có nhu cầu mua và cũng gây bất bình đẳng khi giá vàng SJC cùng chất lượng lại cao hơn hẳn các loại vàng miếng khác.

Cũng do giá chênh lệch nhiều, nguồn cung hạn chế đã khiến tình trạng buôn lậu vàng diễn ra phức tạp, gây nhiều hệ lụy như thất thu thuế, chảy máu ngoại tệ, ảnh hưởng đến quản lý tỷ giá… Do đó, cần thiết phải thay đổi nhiều nội dung quan trọng tại Nghị định 24.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, việc chênh lệch giá vàng quốc tế với giá vàng trong nước quá lớn gây nhiều hậu quả không tốt cho thị trường. Không chỉ không kiểm soát được ngoại tệ để nhập lậu vàng, mà các doanh nghiệp làm vàng trang sức cũng không biết mua nguyên liệu ở đâu, mua trôi nổi thì rủi ro về pháp lý.

"Theo tổng kết của Hội đồng Vàng Thế giới, có thời điểm Việt Nam nhập tới 60 tấn vàng một năm, còn nhu cầu hiện nay (không tính để sản xuất vàng miếng) ít nhất cần 20 tấn vàng nhập khẩu mỗi năm. Nhưng từ năm 2012 đến nay, chúng ta không nhập khẩu một lượng vàng nào theo con đường chính thống" - ông Nguyễn Thế Hùng cho biết.

Nhấn mạnh chủ trương của Ngân hàng Nhà nước không khuyến khích người dân mua và tích trữ vàng miếng là rất đúng đắn, ông Nguyễn Thế Hùng cũng đề nghị đã đến lúc Nhà nước phải tạo điều kiện để các doanh nghiệp có đủ năng lực, điều kiện sản xuất vàng trang sức một cách thuận lợi, có nguyên liệu chính thống để đáp ứng nhu cầu của người dân. Đồng thời, đảm bảo sự liên thông giữa thị trường trong nước và thế giới để hạn chế những bất cập trên thị trường trong nước hiện nay.

Chuyển nhu cầu đầu tư vàng sang các công cụ tài chính

Có nên đầu tư vàng không? Vàng có phải là một khoản đầu tư tốt?

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Việt Anh - Phó Tổng Giám đốc TPBank cho rằng, nếu cho kinh doanh vàng mà chưa gắn với điều chỉnh nguồn cung thì chưa xử lý được vấn đề chênh lệch giá. Do đó, cần mở rộng từ phía nguồn cung.

Về phía cầu, thực tế nhu cầu mua vàng cất trữ ở nhà không nhiều, mà nhu cầu đầu tư chiếm phần lớn. Do đó, nên trả việc này về cho thị trường tài chính. Với người mua đầu tư, có lúc mua, lúc bán, nhưng do không có hình thức nào khác, nên nhu cầu này dồn hết về vàng vật chất, tạo nên các chi phí, nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu. Nếu có các công cụ giao dịch vàng phi vật chất, áp lực với thị trường vàng vật chất sẽ không còn.

Khái quát lại, chuyên gia kinh tế, GS.TS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, trong bối cảnh mới phải thay đổi tư duy về cách quản lý thị trường vàng. Theo đó, cần nghiên cứu để đưa thị trường vàng trở thành bộ phận hữu cơ của thị trường tài chính, để từ quản lý thị trường minh bạch, hiệu quả và đưa được nguồn lực lớn vào phát triển kinh tế.

Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều biến động khó lường, chắc chắn vàng vẫn sẽ là tài sản đầu tư, “tài sản trú ẩn” được ưa thích, đòi hỏi phải có sự quản lý để thị trường này hoạt động hiệu quả. GS.TS Trần Thọ Đạt gợi ý, tham khảo kinh nghiệm các nước để cho phép đưa vàng vào giao dịch kỳ hạn trên sàn như các hàng hóa khác, với điều kiện các thành viên tham gia có đáp ứng các tiêu chuẩn phù hợp.

Đồng thời có thể thành lập quỹ tín thác ETF vàng, để người dân có nhu cầu đầu tư có thể tham gia mà không cần tích trữ vàng vật chất. Tất nhiên, việc cho phép mở sàn giao dịch vàng kỳ hạn, phát hành chứng chỉ về vàng… đòi hỏi phải có khung khổ pháp lý phù hợp, minh bạch.

Công điện 1426 đã có giải pháp căn cơ, tác dụng kịp thời

Theo GS.TS Trần Thọ Đạt, Công điện 1426 của Thủ tướng Chính phủ ra đời vào ngày 27/12/2023 rất đúng lúc, khi thị trường vàng trong nước so với thị trường vàng quốc tế có sự biến động rất mạnh về giá. Công điện đã đưa ra một số biện pháp, chỉ đạo mang tính chất rất căn cơ và rất kịp thời để ổn định và phát triển thị trường vàng theo phương châm thị trường vàng phải an toàn, lành mạnh, phát triển hiệu quả và bền vững. Công điện cũng lưu ý chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC là quá cao.

Ngay sau khi công điện được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, lập tức giá vàng SJC lúc đó giảm mạnh trong vòng một tiếng đồng hồ từ 80 triệu đồng/lượng xuống còn 73 triệu đồng/lượng, tức là giảm 8%. Như vậy, công điện mới chỉ thể hiện ở phần chỉ đạo thôi đã tác động kịp thời.