Ứng dụng công nghệ, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra kho bạc Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ lĩnh vực kho bạc Siết chặt kỷ luật, trách nhiệm của cán bộ, công chức kho bạc Nâng cấp dịch vụ công trực tuyến, số hóa văn bản cho “kho bạc 3 không"

Những bước tiến đầu tiên cho kho bạc số

Ông Phan Quảng Thống - Giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) Đà Nẵng cho biết, chuẩn bị cho việc chuyển đổi số tiến tới kho bạc số, từ cuối năm 2021, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Đà Nẵng đã triển khai quy trình liên thông, kết nối 3 hệ thống gồm: Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis) và thanh toán song phương điện tử, góp phần chuẩn hóa dữ liệu từ phía đơn vị sử dụng ngân sách.

Đà Nẵng: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kho bạc để thực hiện kho bạc số
Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng nâng chất đội ngũ cán bộ cho kho bạc số. Ảnh: Hạnh Nguyên

Với việc liên thông 3 hệ thống, sau khi giao dịch viên nhận và hoàn thiện các thông tin chi thường xuyên, kế toán trưởng và lãnh đạo KBNN ký duyệt trên hệ thống DVCTT, chứng từ được tự động liên kết sang giao diện Tabmis, thanh toán song phương điện tử và chuyển sang ngân hàng, không cần xử lý thủ công như trước đây.

Theo đó đã tiết kiệm thời gian, công sức, tạo thuận tiện cho các bên liên quan. Đặc biệt, việc liên thông còn giúp tránh được các sai sót về số liệu khi thực hiện nhập thủ công.

Đội ngũ cán bộ được đào tạo về chuyển đổi số sẽ là lực lượng nòng cốt để đưa KBNN Đà Nẵng tiệm cận ngày càng gần tới kho bạc số, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đã được đề ra trong Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030.

Năm 2022 là năm đầu KBNN triển khai bản “Kiến trúc tổng thể hướng tới kho bạc số” thực hiện các cải cách các hoạt động nghiệp vụ để hướng tới kho bạc số. Ông Phan Quảng Thống cho biết, để thực hiện thành công, giai đoạn 2021 - 2025, KBNN Đà Nẵng đã và đang tập trung liên kết, liên thông dữ liệu với các cơ quan, đơn vị ở trung ương và địa phương; củng cố, hoàn thiện dịch vụ của kho bạc điện tử; triển khai các dịch vụ cơ bản về phân tích rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ chuyên ngành dựa vào dữ liệu.

Đặc biệt, người đứng đầu KBNN Đà Nẵng cho biết, thời gian vừa qua, đơn vị tiếp tục triển khai bổ sung một số chương trình cơ bản như chương trình ứng dụng hệ thống kiểm soát chi đầu tư qua KBNN phục vụ trực tiếp trong công tác quản lý, kiểm soát, thanh toán vốn cho các dự án đầu tư qua KBNN; kết nối và tích hợp phần mềm ứng dụng của các đơn vị giao dịch vào DVCTT nhằm tạo điều kiện để đơn vị giao dịch rút ngắn thời gian phải tác nghiệp thủ công trên nhiều ứng dụng tại đơn vị và trên DVCTT.

Ngoài ra, KBNN Đà Nẵng đã tích cực thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch. Theo đó, ngoài việc mở rộng mạng lưới tài khoản phục vụ thu NSNN thông qua tài khoản thanh toán tại các ngân hàng thương mại (NHTM), KBNN Đà Nẵng đã tích cực phối hợp với các NHTM triển khai dịch vụ thu NSNN qua máy chấp nhận thẻ (POS), đồng thời thực hiện ủy nhiệm chi NSNN cho các NHTM.

Tính đến hết tháng 10 vừa qua, tại cơ quan KBNN Đà Nẵng và 6 KBNN quận, huyện đã không còn phát sinh số thu chi tiền mặt tại đơn vị. 100% các món thu chi đã được thực hiện tại các NHTM được ủy nhiệm.

Chú trọng đào tạo về chuyển đổi số

Đà Nẵng: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kho bạc để thực hiện kho bạc số
Công chức KBNN Đà Nẵng được tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số. Ảnh: Hạnh Nguyên

Kho bạc số là kho bạc mà ở đó mọi tác nhân đều có thể tương tác trên nền tảng số, theo chính sách, quy trình nghiệp vụ và phương thức quản trị lấy người dùng trong và ngoài ngành làm trung tâm phục vụ; lấy việc khai thác và phân tích dữ liệu số là năng lực mới hỗ trợ cho điều hành và ra quyết định.

Nếu như kho bạc điện tử với “3 không”: Không khách hàng giao dịch; không tiền mặt; không giấy tờ, thì kho bạc số thêm “3 có”: Có toàn bộ hành động an toàn trên môi trường số; có khả năng cung cấp dịch vụ mới nhanh chóng; có khả năng sử dụng nguồn lực tối ưu.

Nhân lực được nhận định là 1 trong 4 nhân tố chủ chốt để chuyển đổi số thành công. Hiểu rõ yêu cầu này, ngoài việc đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ, KBNN Đà Nẵng đã rất chú trọng đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

Theo đó, KBNN Đà Nẵng đã cử nhiều lượt công chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số do KBNN tổ chức. Sau mỗi đợt tập huấn, đào tạo, công chức đã được trang bị kiến thức tổng quan về chuyển đổi số; định hướng chuyển đổi số trong ngành Tài chính; kỹ năng khai thác, xử lý thông tin, dữ liệu trên môi trường số.

Nhân lực được nhận định là 1 trong 4 nhân tố chủ chốt để chuyển đổi số thành công. Hiểu rõ yêu cầu này, ngoài việc đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ, KBNN Đà Nẵng đã rất chú trọng đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

Đặc biệt, KBNN Đà Nẵng đã cử 1 lãnh đạo tham gia lớp “Đào tạo tổng quan về chuyển đổi số - Xây dựng một tổ chức có tính sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. Lớp học đã trang bị kiến thức cơ bản về cách mạng công nghiệp 4.0; công nghệ 4.0 phân tích dữ liệu thông minh và tùy biến; công nghệ 4.0 tự động hóa, liên kết và đảm bảo an toàn; phương pháp và lộ trình chuyển đổi số sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0.

Ngoài ra, KBNN Đà Nẵng cũng cử nhiều công chức tin học và nghiệp vụ tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng phần mềm tin học, quản trị công nghệ thông tin…

Theo KBNN Đà Nẵng, đội ngũ cán bộ được đào tạo về chuyển đổi số sẽ là lực lượng nòng cốt để đưa KBNN Đà Nẵng tiệm cận ngày càng gần tới kho bạc số, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đã được đề ra trong Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030.

Bên cạnh đó, cũng theo Giám đốc KBNN Đà Nẵng, thời gian tới, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính toàn diện trên các mặt hoạt động nghiệp vụ, cũng như cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính.

Đồng thời, KBNN Đà Nẵng tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và chia sẻ thông tin, dữ liệu điện tử nhằm đơn giản hóa về hồ sơ, thủ tục hành chính và nội dung kiểm soát thanh toán, rút ngắn thời gian giải quyết; tiếp tục đẩy mạnh triển khai DVCTT và thực hiện các tiện ích được gia tăng trên DVCTT để hỗ trợ cho người sử dụng./.